Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc Đây cũng là nơi cách đây hơn 1 năm, sau khi có thông tin về hiện tượng cá chết hàng loạt tại một số tỉnh miền Trung, Thủ tướng Chính phủ đã vào làm việc với tỉnh Hà Tĩnh và các địa phương miền Trung chỉ đạo khẩn trương phát hiện nguyên nhân cũng như các biện pháp khắc phục.
Dự cuộc làm việc có lãnh đạo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình…
Sau khi lắng nghe ý kiến của FHS cũng như các bộ, ngành, địa phương, phát biểu kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, dự án của FHS tại Hà Tĩnh có quy mô lớn nhất từ trước đến nay về đầu tư tại Việt Nam (trên 11 tỷ USD) nhưng cũng gây sự cố môi trường lớn nhất tại Việt Nam. Tuy nhiên, được sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, trước hết là tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, việc khắc phục sự cố được triển khai nghiêm túc, quyết liệt.
Thủ tướng đánh giá cao sự cố gắng khắc phục nghiêm túc của Formosa, như nhận lỗi trước nhân dân Việt Nam, khắc phục 52/53 lỗi và đang lắp đặt thiết bị hiện đại nhất để chuyển từ công nghệ dập cốc ướt sang dập cốc khô.
Các tỉnh miền Trung cũng đã tạo điều kiện khi Formosa tiếp thu, sửa chữa, bảo đảm môi trường trong quá trình sản xuất tại Khu công nghiệp Vũng Áng, Hà Tĩnh. Các cấp, các ngành ở đây đã xử lý đồng bộ giữa vấn đề đầu tư và vấn đề môi trường, trong đó có dự án Formosa.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với khu liên hợp gang thép của Công ty TNHH Formosa Hưng Nghiệp Hà Tĩnh “Thái độ của chúng ta rất rõ ràng, không bao che, dung túng cho những sai trái, đồng thời cũng yêu cầu các nhà đầu tư phải nghiêm túc bảo vệ môi trường sống cho nhân dân”, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng yêu cầu Formosa tiếp tục hoàn thiện công nghệ, áp dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại trong dây chuyền sản xuất để khắc phục 100% lỗi vi phạm. Formosa tiếp tục coi môi trường là vấn đề sống còn với nhà máy, với dự án quy mô lớn này. Ý thức về môi trường phải được quán triệt đến mọi lãnh đạo và người lao động của Formosa và Formosa cần coi sự cố vừa qua là bài học cho hoạt động xây dựng, đầu tư. “Tinh thần lớn là không an toàn, không sản xuất”, Thủ tướng nhấn mạnh. “Tôi cũng xin nói rõ rằng nếu vi phạm trở lại thì phải đóng cửa nhà máy này”. Việc nâng công suất nhà máy phải đi liền với bảo vệ môi trường.
Đối với các bộ, ngành, cơ quan nghiên cứu khoa học, Thủ tướng nêu rõ, Bộ Tài nguyên và Môi trường trực tiếp chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, lắp các thiết bị quan trắc và giám sát trực tiếp để bảo đảm các chỉ tiêu về môi trường, trong đó có việc tăng cường cán bộ khoa học công nghệ để đảm nhận việc này. Bộ Tài nguyên và Môi trường thường xuyên kiểm tra, công khai các kết quả môi trường cho nhân dân biết.
Với tỉnh Hà Tĩnh, giám sát, quan trắc trực tiếp, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan; tăng cường năng lực cán bộ và các thiết bị cần thiết để làm tốt trách nhiệm được phân công. Tỉnh trực tiếp chỉ đạo bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ an toàn nhà máy, không để kẻ xấu phá hoại, bảo đảm an toàn cho nhà đầu tư và tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư.
Bộ Y tế sau 15 ngày cần công bố chỉ tiêu, chất lượng hải sản tầng đáy tại thôn Hải Thanh, xã Kỳ Lợi. Bộ NN&PTNT ban hành kế hoạch sinh kế đối với vùng ven biển miền Trung.
Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan làm tốt công tác tuyên truyền, bảo đảm an ninh trật tự. “Chính phủ tiếp tục phân bổ kịp thời nguồn lực để tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kể cả đối tượng gián tiếp bị ảnh hưởng một cách chặt chẽ, đúng pháp luật”, Thủ tướng khẳng định.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, FHS đã hoàn toàn kiểm soát được các nguồn thải ô nhiễm, an toàn môi trường, đã đầu tư bổ sung và đưa vào vận hành nhiều hạng mục cải thiện công trình bảo vệ môi trường, bảo đảm đạt tiêu chuẩn quốc tế theo cam kết với Chính phủ Việt Nam. Về môi trường biển 4 tỉnh miền Trung, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định đã an toàn.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, Bộ Y tế đã giám sát liên tục, lấy mẫu hải sản để kiểm tra thì kết quả cho thấy, hải sản cả tầng nổi, tầng đáy ở 4 tỉnh miền Trung hoàn toàn an toàn. Riêng hải sản tầng đáy ở thôn Hải Thanh, xã Kỳ Lợi, Hà Tĩnh cần tiếp tục theo dõi và sẽ công bố kết quả sau.
Theo báo cáo của Tỉnh ủy Hà Tĩnh, FHS đã nghiêm túc chấp hành các cam kết. Đến nay, FHS đã khắc phục được 52/53 lỗi vi phạm. Riêng lỗi chuyển đổi phương pháp làm nguội cốc từ ướt sang khô sẽ hoàn thành hệ thống dập cốc khô số 1 trước 31/3/2018, hệ thống dập cốc khô số 2 trước 30/6/2019 (theo cam kết). Hoạt động du lịch biển, nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản của tỉnh từng bước phục hồi, phát triển. Tổng sản lượng hải sản tăng 12% so với cùng kỳ.