Đề án “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất
và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” được thảo luận tại Hội nghị Trung ương 7. (Ảnh: HH)
Kiểm soát quyền lực, siết chặt kỷ luật… là khâu then chốt
Tại Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII khai mạc sáng 7/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá, công tác cán bộ còn nhiều khe hở, lỗ hổng, tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém; chưa có cơ chế để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền một cách hiệu quả…. “Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ; thiếu gương mẫu, chưa thật sự gắn bó mật thiết với nhân dân; vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm. Không ít cán bộ quản lý doanh nghiệp thiếu ý chí tu dưỡng, rèn luyện, thậm chí lợi dụng sơ hở, cố ý làm trái, trục lợi, làm thất thoát vốn, tài sản nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội,... chậm được ngăn chặn và đẩy lùi” – Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Theo đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, những khuyết điểm, yếu kém của đội ngũ cán bộ đã hạn chế khả năng phát huy các tiềm năng, thế mạnh khi thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước; làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; làm suy giảm uy tín, vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, theo nhiều lãnh đạo, chuyên gia, trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, Đảng ta phải tập trung một hệ thống các giải pháp từ xây dựng quy hoạch, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ; xây dựng các quy chế về công tác cán bộ, trong đó có đánh giá cán bộ, tuyển chọn cán bộ, bầu cử, bổ nhiệm và miễn nhiệm cán bộ, luân chuyển cán bộ; đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính sách cán bộ đến đổi mới và chỉnh đốn tổ chức bộ máy làm công tác cán bộ… Trong các giải pháp đó, cần có cơ chế kiểm soát quyền lực, hoàn thiện thể chế để chống lại sự tha hóa trong cán bộ, đảng viên.
Cơ chế kiểm soát quyền lực đã được nêu rõ trong Hiến pháp. Tại Điều 2, Hiến pháp 2013 có đoạn: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII cũng ghi rõ: “Xác định rõ cơ chế phân công, phối hợp thực thi quyền lực nhà nước, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở quyền lực nhà nước là thống nhất; xác định rõ hơn quyền hạn và trách nhiệm của mỗi quyền”. Đề án “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” được trình Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 7 xác định việc kiểm soát quyền lực, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ là khâu then chốt.
Thảo luận về vấn đề này, trong ngày làm việc thứ 2 của Hội nghị Trung ương 7, các Ủy viên Trung ương Đảng đã đề xuất nhiều giải pháp cụ thể từ thực tiễn địa phương, cơ quan, bộ, ngành mình đang công tác để góp phần giải đáp những vấn đề Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu trong phiên khai mạc. Đó là làm sao để đề án này khi thực hiện phải khắc phục tình trạng chạy chức, chạy quyền, thân quen, cánh hẩu, đồng thời xây dựng một cơ chế giám sát quyền lực và chính sách để cán bộ tâm huyết gắn bó với công việc, với đất nước, nhân dân.
Cần có cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực
Theo các chuyên gia, cơ chế kiểm soát quyền lực muốn phát huy tác dụng phải đi liền với sự giám sát. Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 cho rằng, về giám sát cán bộ, đặc biệt những cán bộ ở những vị trí “nhạy cảm”, chúng ta có cơ chế giám sát quản lý cả bên trong và bên ngoài. Bên trong có cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tổ chức công đoàn của nội bộ cơ quan đó. Còn bên ngoài có các cơ quan như Quốc hội, HĐND các cấp, MTTQ các đoàn thể chính trị - xã hội… Có thể nói, chúng ta có tầng tầng lớp lớp cơ quan kiểm tra với đội ngũ hùng hậu ở đâu cũng có nhưng hiệu lực, hiệu quả chưa mạnh mẽ, chưa đúng mức, thậm chí còn tiếp tay, bao che né tránh đối tượng vi phạm…
“Điều mà dư luận bức xúc chính là hiện tượng cán bộ tiếp tay, “bảo kê” đã được nhắc đến nhiều nhưng xử lý thì vẫn theo kiểu nể nang, xí xóa khiến người dân không đồng tình. Phải chăng chúng ta đang bỏ lọt tham nhũng ở khu vực này hay khi phát hiện thì xử lý theo kiểu khép kín nội bộ, phê bình nghiêm khắc, kiểm điểm rút kinh nghiệm? Đề nghị Nhà nước cần chỉ đạo công khai và kiên quyết, yêu cầu xử lý nghiêm minh, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu và không thể “giơ cao đánh khẽ”, “rung cây dọa khỉ” mãi. Đã là cán bộ thì phải hết lòng phụng sự nhân dân; bảo kê, móc ngoặc tiếp tay cho tội phạm là hành vi không thể chấp nhận được. Theo đó ,cần có cơ chế giám sát kiểm soát quyền lực của cán bộ. Khi đủ chứng cứ tội phạm có thể truy cứu trách nhiệm hình sự mới đủ sức răn đe”, ông Thước nói.
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Mão cho rằng, phải xác định việc kiểm soát quyền lực, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ là khâu then chốt. “Cơ chế kiểm tra giám sát theo Đề án trình Hội nghị Trung ương 7 được thực hiện đồng bộ theo hướng cấp trên kiểm tra, giám sát cấp dưới; kiểm tra, giám sát nội bộ, giám sát chéo giữa các cơ quan, tổ chức và giám sát của nhân dân thông qua cơ quan dân cử và vai trò của truyền thông” – ông Vũ Mão nói.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Mão, các cơ chế này hoàn toàn đúng nhưng có lẽ chưa đủ. “Vì vừa qua, chúng ta nói nhiều đến kiểm soát quyền lực nhà nước, giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp nhưng cơ chế kiểm soát quyền lực trong Đảng chưa rõ ràng, chưa tốt. Điều lệ Đảng - “đạo luật” cơ bản nhất của Đảng ta hiện nay chưa quy định rõ cơ chế kiểm soát quyền lực trong Đảng như thế nào, tức là chưa quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của từng cơ quan, từng cá nhân trong tổ chức Đảng. Vì thế, cùng với Đề án trình tại Hội nghị Trung ương 7 lần này, theo tôi cũng cần đặt vấn đề nghiên cứu, chuẩn bị cho việc sửa đổi Điều lệ Đảng, làm rõ từng cơ quan, cá nhân trong tổ chức Đảng có vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn như thế nào để không ai vượt quyền, hay lạm quyền được” - ông Vũ Mão đề xuất.
Cùng quan điểm với nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Mão, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thẳng thắn chỉ ra, xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay cần có cơ chế kiểm soát quyền lực, hoàn thiện thể chế để chống lại sự tha hóa trong cán bộ, đảng viên. Theo đó, không tạo dựng được cơ chế kiểm soát quyền lực thì suy thoái đạo đức của cán bộ, đảng viên, hay “khuyết tật” trong Đảng sẽ không thể loại trừ. Do đó, kiểm soát phải được xem là vấn đề rất lớn bởi quyền lực nếu được sử dụng đúng sẽ có sức mạnh to lớn. Nhưng quyền lực được giao mà thiếu kiểm soát sẽ dẫn đến lạm quyền, lộng quyền, từ đó sẽ đưa tới nhiều hệ lụy khó lường.
Nhấn mạnh phải có thiết chế giám sát, khống chế quyền lực trong bộ phận được giao thẩm quyền, theo nguyên đại biểu Quốc hội Bùi Thị An, phải bí mật giám sát cán bộ, bởi nếu công khai họ sẽ tìm cách này, cách khác vô hiệu hóa khiến công cuộc phát hiện xử lý cán bộ sẽ gặp khó khăn. “Bí mật giám sát cán bộ chắc chắn có tác dụng răn đe và có điều kiện phát hiện đối tượng tiếp tay cho tội phạm” - bà An nói.
Giám sát quyền lực phải bằng nhiều kênh
Theo Ủy viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Túc, phải kiểm soát quyền lực bằng giám sát để những người có chức, quyền thấy rằng quyền càng cao, thì trách nhiệm của họ càng lớn và vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Đồng chí Nguyễn Túc nêu rõ: “Giám sát quyền lực có nhiều kênh và một trong những kênh quan trọng nhất là lắng nghe ý kiến của các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, cần bổ sung thêm một quy trình rất quan trọng là phải lấy ý kiến của nhân dân nơi cư trú trước khi bổ nhiệm. Nhưng việc lấy ý kiến của nhân dân phải thực chất chứ không được làm chiếu lệ cho xong”.
Ủy viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Túc. (Ảnh:TH)
Muốn thế, theo ông Nguyễn Túc phải tạo điều kiện cho nhân dân giám sát mới phát hiện được những nơi làm sai, lạm quyền. Bộ Chính trị có Quyết định 217 về giám sát và phản biện xã hội, trong đó nêu rõ: MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội có trách nhiệm giám sát và đề xuất ý kiến với Đảng, Nhà nước về những chủ trương, chính sách chưa sát hợp với tình hình thực tế… “Để kiểm soát quyền lực trong bối cảnh hiện nay, khi lợi ích nhóm đang là vấn đề bức xúc, bên cạnh ý kiến của nhân dân thì Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể cần đi sâu hơn nữa vào từng cụm dân cư, và nghe ý kiến của các hội đồng tư vấn. Thông qua ý kiến của khu dân cư và hội đồng tư vấn để phản ánh với Đảng, Nhà nước những biểu hiện lãng phí, tham nhũng và kiến nghị có những giải pháp khắc phục” – ông Nguyễn Túc đề xuất.
Cũng nhấn mạnh đến vai trò giám sát của nhân dân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến cho rằng, dù đã có những văn bản pháp luật quy định về giám sát quyền lực nhưng trong thực tế giám sát còn yếu và nhiều bất cập. Ông Tiến đặt vấn đề: “Lẽ ra nhân dân, cử tri có quyền giám sát lãnh đạo nhưng thực tế nhân dân, cử tri, cấp dưới có giám sát được cấp trên hay không? Chắc chắn là khó nếu không có cơ chế tạo điều kiện cho họ giám sát. Có thể giám sát bằng phát biểu ý kiến, viết đơn kiến nghị, thậm chí tố cáo nhưng liệu họ có tồn tại hay bị trù dập?”.
Từ đó ông Tiến kiến nghị, ngoài hoàn thiện các văn bản pháp luật thì người đứng đầu các cơ quan tổ chức phải phát huy vai trò của mình trong giám sát lẫn nhau. Vừa qua, các cơ quan chính quyền chưa tạo điều kiện cho nhân dân giám sát, thậm chí còn chưa tạo điều kiện cho các cơ quan giám sát lẫn nhau. Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức đôi khi không thích người khác giám sát mình. “Nếu không được giám sát, người đứng đầu thường hay “tự tung tự tác” cho nên đã có chủ trương rồi nhưng phải cụ thể hóa thành các văn bản pháp luật của Nhà nước, cụ thể thành các văn bản hướng dẫn thì việc giám sát quyền lực mới hiệu quả” - ông Lê Như Tiến bày tỏ./.