Nâng cao nhận thức về phòng, chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Chủ nhật, 16/12/2018 19:33
(ĐCSVN) - Theo kết quả nghiên cứu dịch tễ học tại Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là 4,1% ở người trên 40 tuổi và có chiều hướng tăng cao do tình trạng hút thuốc lá, thuốc lào, ô nhiễm môi trường gia tăng và các thói quen chưa phù hợp với sức khỏe.

Bên cạnh đó, hen phế quản là một bệnh hô hấp không lây nhiễm, mặc dù đã có nhiều thành tựu trong quản lý bệnh, tuy nhiên, theo dự đoán, tỷ lệ mắc và tử vong vẫn tiếp tục gia tăng. Đến năm 2025, số người mắc bệnh hen trên toàn cầu có thể lên đến 400 triệu người. Hằng năm có khoảng 250 ngàn người tử vong do bệnh hen, chiếm đa số ở các nước chưa phát triển hoặc đang phát triển.

Thông tin trên được đưa ra trong Chương trình “Ngày hội truyền thông tăng cường nhận thức về phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm”, do Bộ Y tế tổ chức sáng 16/12 tại Hà Nội.

Các đại biểu phát động chương trình đạp xe diễu hành truyền thông. (Ảnh: ĐT)

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, hiện nay, các bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu. Tại Việt Nam, số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 73% tổng số các ca tử vong, trong đó 43% số ca tử vong trước 70 tuổi, gánh nặng bệnh tật do bệnh không lây nhiễm chiếm 66%. 

Theo kết quả của các thống kê, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 4 trên thế giới. Trong khi đó, theo dự đoán của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) sẽ tăng từ 3-4 lần trong thập kỷ này và dự đoán đến năm 2020 COPD sẽ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiểu rõ được tầm quan trọng trong việc quản lý và dự phòng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản, từ năm 2010, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu y tế quốc gia và từ năm 2016 đến nay là các chương trình mục tiêu y tế dân số để đầu tư các nguồn lực cho phòng chống bệnh không lây nhiễm. Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác giai đoạn 2015 – 2025. Hội nghị Trung ương 6, khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, đề ra mục tiêu đến đến năm 2030, phấn đấu hơn 95% dân số được quản lý sức khỏe; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm.

Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá đây là một chương trình quan trọng nhằm nâng cao nhận thức về phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác, mỗi người dân cần tự bảo vệ sức khỏe, nâng cao sức khỏe của mình, có giải pháp dinh dưỡng, tập luyện hợp lý, phòng chống hút thuốc lá và rượu bia. Như vậy, mục tiêu đến năm 2025 đặt ra có thể đạt được là giảm 30% số người hút thuốc, giảm 10% số người uống rượu bia ở mức có hại, giảm 10% số người thiếu hoạt động thể lực, giảm 30% số người tiêu thụ muối, kiểm soát thừa cân béo phì xuống dưới 15%, kiểm soát tăng cholesterol dưới 35%, kiểm soát gia tăng huyết áp dưới 30% …

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản cũng như các bệnh không lây nhiễm khác đã và đang làm giảm chất lượng cuộc sống hàng ngày của người bệnh, gây ra tàn phế, tử vong, và các gánh nặng kinh tế cho gia đình. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn có xu hướng tiếp tục tăng cao do tình trạng hút thuốc lá, thuốc lào và ô nhiễm môi trường gia tăng.

Tuy nhiên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản cũng như một số bệnh không lây nhiễm có thể phòng, tránh nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Chính vì vậy, mỗi người dân cần tăng cường nhận thức về phòng, chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm, giảm thiểu các hành vi và các yếu tố nguy cơ.

Bên cạnh đó, các cơ sở y tế cần đẩy mạnh củng cố, tăng cường hệ thống giám sát, phòng chống bệnh không lây nhiễm các tuyến; triển khai hoạt động dự phòng, phát hiện, quản lý và điều trị các bệnh không lây nhiễm khác tại cộng đồng, đặc biệt là trạm y tế xã để tăng tỷ lệ phát hiện sớm và giảm khoảng trống điều trị bệnh. Đảm đảm cơ chế tài chính và chi trả BHYT cho các dịch vụ phòng chống bệnh không lây nhiễm tại tuyến y tế cơ sở.

Bộ trưởng Bộ Y tế tin tưởng rằng với việc đầu tư thích đáng, kịp thời bằng nguồn lực trong nước, sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế cho công tác phòng chống bệnh không lây nhiễm, mở rộng các can thiệp có hiệu quả cao, Việt Nam sẽ vững bước trên tiến trình thẳng hướng tới các mục tiêu đã đặt ra để bảo đảm được rằng không một người dân nào bị bỏ lại phía sau trong phòng chống các bệnh không lây nhiễm, trong đó có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản.

Các khách mời tham gia Tọa đàm về các yếu tố nguy cơ, hậu quả và cách phòng tránh COPD và hen phế quản.
(Ảnh: ĐT)

Tại chương trình cũng diễn ra buổi tọa đàm giữa các chuyên gia, bác sĩ, giáo sư tại các bệnh viện trong và ngoài nước về các yếu tố nguy cơ, hậu quả và cách phòng tránh COPD và hen phế quản. Tại đây, các chuyên gia cũng chỉ ra 5 sai lầm khi điều trị bệnh COPD và hen phế quản, đó là: Tự ý dùng thuốc không theo hướng dẫn của bác sĩ, dẫn đến việc điều trị bệnh sai, dùng thuốc không đúng liều hoặc đủ liều; tâm lí muốn điều trị nhanh mà đi tự ý sử dụng thuốc liều cao hơn hoặc đến những nơi khám bệnh không uy tín, dẫn đến tiền mất, tật mạng; không tránh các yếu tố kích thích như thuốc lá, rượu bia…; không nghe theo hướng dẫn của thầy thuốc, tự ý ngừng thuốc và cuối cùng là quá sợ hãi về việc sử dụng corticoid trong thuốc mà tự ý bỏ dùng các loại thuốc chứa corticoid mà bác sĩ đã kê đơn.

Kết thúc Chương trình, các đại biểu và tình nguyện viên đã tham gia chương trình đạp xe diễu hành nhằm truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản./.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực