10 năm, tổ chức hơn 27 nghìn cuộc tiếp xúc lắng nghe ý kiến, nguyện vọng cử tri

Thứ tư, 12/07/2023 11:15
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Từ năm 2013 đến năm 2022 đã có 27.071 cuộc tiếp xúc cử tri, với nhiều hình thức khác nhau được tổ chức phục vụ Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri. Nhiều nguyện vọng, kiến nghị của cử tri đã được Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền thể chế hóa thành nhiều văn bản pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi trong thực tiễn cuộc sống.

Sáng 12/7, ngay sau khi khai mạc phiên họp 24, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tổng kết, rà soát việc thực hiện Nghị quyết liên tịch 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 27/9/2012 về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

Chuyển 42.455 kiến nghị của cử tri tới 72 đầu mối

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình báo cáo

Tại phiên họp, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu, rà soát Nghị quyết liên tịch số 525/2012/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 27/9/2012. 

Báo cáo nêu rõ, từ năm 2013 đến năm 2022 đã có 27.071 cuộc tiếp xúc cử tri, với nhiều hình thức khác nhau, được tổ chức phục vụ ĐBQH tiếp xúc cử tri. Qua tiếp xúc cử tri, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cơ bản nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của cử tri muốn gửi tới các kỳ họp Quốc hội. Nhiều vấn đề, nguyện vọng mà cử tri gửi gắm đã được các ĐBQH đưa ra bàn thảo công khai, chất vấn trực tiếp các thành viên Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, sau đó đã được chỉ đạo giải quyết kịp thời được cử tri cả nước đánh giá rất cao. Nhiều nguyện vọng, kiến nghị của cử tri cũng đã được Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền thể chế hóa thành nhiều văn bản pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi trong thực tiễn cuộc sống. 

Cũng theo Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, toàn bộ các kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội đều được chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Trong giai đoạn từ 2013 - 2022, Ban Dân nguyện đã giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp và chuyển chính thức 42.455 kiến nghị của cử tri tới 72 đầu mối các cơ quan, đơn vị, tổ chức có thẩm quyền giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri theo quy định pháp luật.  

“Các cơ quan, tổ chức, cá nhân đều hết sức có trách nhiệm, nỗ lực trong việc giải quyết đầy đủ, kịp thời các kiến nghị mà cử tri nêu, hầu hết các kiến nghị của cử tri đều được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết và gửi văn bản trả lời tới Đoàn ĐBQH nơi cử tri có kiến nghị theo đúng quy định. Nhiều ý kiến, kiến nghị được xem xét, giải quyết kịp thời, được cử tri đồng tình, đánh giá cao” – ông Dương Thanh Bình nhấn mạnh.

Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cũng nêu một số hạn chế, vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Đó là việc triển khai hoạt động tiếp xúc cử tri của ĐBQH, Đoàn ĐBQH chủ yếu tập trung dưới hình thức tiếp xúc cử tri định kỳ, trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội, hình thức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng được tổ chức còn ít và chủ yếu theo hình thức hội nghị. Hoạt động tiếp xúc cử tri sau kỳ họp Quốc hội thường ít hơn trước kỳ họp. Thời gian, địa điểm tiếp xúc cử tri chưa linh hoạt, chủ yếu trong giờ hành chính, hoặc thời giờ lao động chính của người dân, nên cử tri khó tiếp cận với người đại diện của mình. Nghị quyết số 525 chưa quy định hình thức tiếp xúc cử tri trực tuyến hoặc trực tiếp kết hợp trực tuyến; nhiều địa phương khó khăn trong việc đầu tư xây dựng hệ thống trực tuyến do ngân sách, nguồn lực chưa đảm bảo…

Tiếp xúc cử tri mới chỉ chủ yếu được tổ chức trước và sau Kỳ họp

 Phiên họp 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị có thêm đánh giá việc quán triệt thực hiện nghị quyết, giám sát việc thực hiện nghị quyết, đánh giá tính sâu sát, phù hợp, thực chất, thiết thực và hiệu quả của công tác tiếp xúc cử tri; đồng thời nêu ra quan điểm lớn cần sửa đổi, bổ sung; những nội dung chính, chính sách lớn cần phải sửa đổi, bổ sung. 

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, sau khi có báo cáo tổng kết thực hiện nên tổ chức hội nghị chuyên đề về nội dung này. Qua đó, nghe và lấy thêm ý kiến để có tư liệu sửa đổi, bổ sung phù hợp. Đồng thời cho rằng nên có 2 nghị quyết riêng về tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và tiếp xúc cử tri của Hội đồng nhân dân.

Lưu ý thêm về mặt nội dung, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc phải sửa đổi, bổ sung nghị quyết tới đây phải quán triệt đầy đủ Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Tổ chức chính quyền địa phương… Trong đó, nêu rõ Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, hoạt động Quốc hội được đảm bảo bằng hiệu quả của kỳ họp Quốc hội, hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội. Luật cũng quy định đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước, chịu trách nhiệm trước cử tri và trước Quốc hội. 

Chỉ rõ những quy định này đã trả lời cho phạm vi tiếp xúc cử tri đến đâu, Chủ tịch Quốc hội cho rằng tới đây việc sửa đổi nghị quyết cũng cần xác định rõ hình thức tiếp xúc cử tri để có hướng dẫn cụ thể.
 
Nêu ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh công tác tiếp xúc cử tri rất quan trọng, song cho rằng theo Báo cáo của Ban Dân nguyện, công tác tiếp xúc cử tri hiện nay mới chỉ chủ yếu được tổ chức trước và sau Kỳ họp. Công tác tiếp xúc cử tri tại nơi làm việc và nơi cư trú còn ít. 

Bên cạnh đó, hiện nay ở các địa phương, cách làm, cách tổ chức, cách thống kê… công tác tiếp xúc cử tri rất khác nhau. Qua nghiên cứu Phụ lục của Báo cáo tổng kết, rà soát việc thực hiện Nghị quyết liên tịch về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, cách thống kê của các địa phương hiện nay đang không cùng một tiêu chí, dẫn đến các số liệu thống kê khác nhau. Do đó nội dung này cần phải phân tích sâu thêm.

Nhìn nhận công tác tiếp xúc cử tri trong thực tế rất phong phú, đa dạng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, các nội dung trong Báo cáo cần có các đánh giá, phân tích sâu hơn để công tác này được thực hiện hiệu quả, thực chất. 

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, thực tế hoạt động tiếp xúc cử tri của Hội đồng nhân dân cũng rất sinh động vì vậy cũng cần tổng kết cụ thể vào trong Báo cáo này.

 Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, hiện nay chưa có phân biệt rõ ràng giữa tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp. Tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thường là cử tri nói cho đại biểu nghe, còn tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thì thường là đại biểu phổ biến kết quả kỳ họp cho cử tri và nhân dân. "Kết quả Kỳ họp thường được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Vì vậy, cần phân biệt rõ ràng và có phương án quy định phù hợp đối với việc tổ chức tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp để đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tiễn, nâng cao hiệu quả công tác tiếp xúc cử tri" - Chủ nhiệm Lê Thị Nga đề nghị. 

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp phản ánh, hiện nay việc tổ chức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, tại nơi cư trú, nơi làm việc còn hạn chế. Các ý kiến nêu trong tiếp xúc cử tri chủ yếu tập trung vào các nội dung như đời sống học tập, làm việc, đất đai… các vấn đề thuộc thẩm quyền địa phương, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của cử tri. Vì vậy, nhiều trường hợp cần có lãnh đạo địa phương dự tiếp xúc cử tri để tiếp thu các ý kiến, vấn đề thuộc thẩm quyền. 

Về những tồn tại, hạn chế đã nêu trong báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị phân tích kỹ lưỡng nguyên nhân, làm rõ hạn chế là trong văn bản pháp luật, hay trong tổ chức thực hiện, để có phương án điều chỉnh hoặc giải pháp phù hợp. 

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị trong lần sửa đổi này, cần quy định rõ ràng, cụ thể đối với việc tiếp xúc cử tri trực tiếp kết hợp trực tuyến; tiếp xúc cử trước Kỳ họp bất thường./.

Tú Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực