|
Chủ tịch ADB, ông Masatsugu Asakawa |
Ngày 18/3, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố gói hỗ trợ ban đầu trị giá 6,5 tỉ USD để đáp ứng nhu cầu trước mắt của các quốc gia thành viên đang phát triển khi ứng phó với đại dịch gây ra bởi vi-rút Corona chủng mới (COVID-19).
Chủ tịch ADB, ông Masatsugu Asakawa, nhận định: “Đại dịch này đã trở thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu nghiêm trọng. Nó đòi hỏi hành động mạnh mẽ ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu. Đối với các quốc gia thành viên đang phát triển của ADB, chúng tôi đang đề ra những hành động quyết liệt để đẩy lùi dịch bệnh; để bảo vệ người nghèo, người dễ tổn thương, và người dân nói chung trong toàn khu vực; và để bảo đảm rằng các nền kinh tế sẽ hồi phục nhanh chóng hết mức có thể. Dựa trên đối thoại chặt chẽ với các thành viên và các thể chế tài trợ tương đồng, chúng tôi triển khai gói cứu trợ 6,5 tỉ USD này để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của các thành viên”.
Ông Asakawa nhấn mạnh rằng “ADB sẵn sàng cung cấp thêm hỗ trợ tài chính và tư vấn chính sách trong tương lai khi điều kiện cho phép, bên cạnh gói cứu trợ 6,5 tỉ USD”.
Gói hỗ trợ ban đầu này bao gồm xấp xỉ 3,6 tỉ USD trong các hoạt động thuộc kênh chính phủ cho một loạt các biện pháp ứng phó trước những hậu quả về kinh tế và y tế của đại dịch, và 1,6 tỉ USD trong các hoạt động không thuộc kênh chính phủ để hỗ trợ cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; thương mại trong nước và khu vực; cũng như các công ty bị tác động trực tiếp. ADB cũng sẽ huy động khoảng 1 tỉ USD nguồn vốn ưu đãi thông qua tái phân bổ từ các dự án đang triển khai và đánh giá khả năng cần thiết sử dụng các nguồn dự phòng. ADB cũng sẽ cung cấp 40 triệu USD viện trợ hỗ trợ kỹ thuật và giải ngân nhanh.
Để cung cấp gói hỗ trợ cho các quốc gia thành viên đang phát triển một cách nhanh chóng và linh hoạt hết mức có thể, ADB sẽ xem xét điều chỉnh các công cụ tài trợ và quy trình kinh doanh của mình. Tùy thuộc vào sự phê chuẩn của Ban Giám đốc Điều hành của ADB, những điều chỉnh này sẽ bao gồm khả năng tiếp cận hỗ trợ ngân sách khẩn cấp nhanh hơn cho các nền kinh tế đang đối mặt với hạn chế về tài khóa nghiêm trọng, tinh giản thủ tục cho các khoản vay chính sách, và mua sắm phổ cập với các quy trình linh hoạt và nhanh chóng hơn.
Đại dịch đòi hỏi hành động ứng phó mang tính phối hợp và sự hợp tác mạnh mẽ giữa các quốc gia và các tổ chức. ADB sẽ tăng cường hơn nữa sự hợp tác chặt chẽ với Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Thế giới, các ngân hàng phát triển khu vực, Tổ chức Y tế thế giới và các cơ quan tài trợ song phương chủ chốt - bao gồm Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản cũng như Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ và các tổ chức thuộc khu vực tư nhân - để bảo đảm triển khai hiệu quả hoạt động ứng phó với COVID-19 của mình.
Kể từ phản ứng đầu tiên trước COVID-19 vào ngày 7/2/2020, ADB đã cung cấp hơn 225 triệu USD để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của cả chính phủ và doanh nghiệp ở các quốc gia thành viên đang phát triển. Các hoạt động ứng phó của ADB với COVID-19 tới nay bao gồm:
7/2 năm 2020: Một khoản viện trợ trị giá 2 triệu USD để tăng cường năng lực phòng chống, phát hiện và ứng phó tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) và Tiểu vùng Mê-kông mở rộng;
25/2/2020: Một khoản vay cho khu vực tư nhân trị giá 130 triệu Nhân dân tệ (18,6 triệu USD) được cung cấp cho một đơn vị phân phối dược phẩm có trụ sở tại Vũ Hán, Trung Quốc nhằm cho phép duy trì cung cấp thuốc men và trang thiết bị bảo hộ cá nhân thiết yếu;
26/2/2020: Một Khuôn khổ cho khoản viện trợ thứ hai đã được thiết lập, với số vốn phân bổ ban đầu 2 triệu USD để giúp các quốc gia thành viên đang phát triển ngăn chặn COVID-19 và cải thiện khả năng ứng phó. Nguồn tài trợ bổ sung đang được huy động cho quỹ viện trợ này;
12/3/2020: 200 triệu USD đã được chuẩn bị sẵn sàng thông qua Chương trình Tài trợ chuỗi cung ứng của ADB cho các công ty sản xuất và phân phối thuốc và các vật tư khác cần thiết cho cuộc chiến chống COVID-19. Thông qua các thể chế tài trợ đối tác, ADB có thể cung cấp nguồn vốn lưu động thiết yếu cho các công ty này;
13/3/2020: Một khoản viện trợ trị giá 3 triệu USD để hỗ trợ Chính phủ Phi-líp-pin ứng phó với COVID-19, bao gồm việc mua các trang thiết bị y tế thiết yếu và cung cấp các dịch vụ chăm sóc y tế;
13/3/2020: Một khoản viện trợ trị giá 600.000 USD từ Dự án Tăng cường hệ thống y tế để tài trợ các nỗ lực phòng ngừa và ứng phó dịch bệnh tại Xri Lan-ca, bao gồm giám sát bệnh tật và cung cấp trang thiết bị và vật tư y tế;
13/3/2020: 100.000 USD đã được tái phân bổ từ Dự án Chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại Tát-gi-kít-xtan để tài trợ cho việc phòng ngừa và giảm thiểu COVID-19, thiết bị và vật tư y tế;
18/3/2020: 1,4 triệu USD đã được tái phân bổ từ Dự án Phát triển lĩnh vực y tế giai đoạn 5 tại Mông Cổ để mua sắm thiết bị y tế thiết yếu cho việc phát hiện sớm, chăm sóc khẩn cấp và quản lý các bệnh đường hô hấp nghiêm trọng. ADB cũng đã phê duyệt hỗ trợ kỹ thuật quy mô nhỏ trị giá 225.000 USD để tăng cường năng lực quốc gia trong phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm của Mông Cổ.
|
Những công cụ tài chính cung cấp các biện pháp nêu trên là dành cho tất cả các quốc gia thành viên đang phát triển của ADB.
Phân tích kinh tế ban đầu của ADB và các dữ liệu liên quan được công bố ngày 6/3/2020 trong báo cáo nhan đề Tác động Kinh tế của sự bùng phát COVID-19 tại Châu Á đang phát triển. Báo cáo này cung cấp số liệu ước tính về tác động đối với Châu Á đang phát triển—và cho từng nền kinh tế và lĩnh vực ngành nghề của khu vực—thông qua nhiều kênh khác nhau, bao gồm sự sụt giảm mạnh mẽ cầu nội địa, giảm đi lại cho mục đích kinh doanh và du lịch, ảnh hưởng tới các mối liên kết giữa thương mại và sản xuất, gián đoạn các chuỗi cung ứng, và tác động tới sức khỏe.
ADB sẽ công bố các số liệu ước tính cập nhật về tác động kinh tế của đại dịch trong báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á 2020, được phát hành ngày 1/4 năm 2020./.