APEC 2017 và thành công của văn hóa Việt Nam

Thứ bảy, 02/12/2017 19:39
(ĐCSVN) – Thành công của Năm APEC Việt Nam 2017 có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ nhà báo hùng hậu đến từ trong và ngoài nước. Trong hơn 3000 nhà báo trong nước và quốc tế tham gia đưa tin về Tuần lễ cấp cao APEC, tổ chức tại Đà Nẵng từ ngày 6 đến 11/11/2017, có một nhà báo “nặng lòng với Việt Nam” – Bà Kadrinka Kadrinova – đến từ Bulgaria.

Một trong những sáng tạo báo chí của bà K. Kadrinova về APEC Việt Nam 2017

Một nhà báo nặng lòng với Việt Nam

Bà Kadrinka Kadrinova là một nhà báo người Bulgaria. Bà đã từng làm việc tại các tờ báo Thanh niên Nhân dân, Đối thoại, 24 Giờ, Sega, Giám sát, Phó Tổng Biên tập tạp chí Tema và Biên tập viên Tin tức Quốc tế trong Chương trình Horizon của Bulgaria.  Bà là tác giả cuốn sách “Con Rồng cháu Tiên” viết về Việt Nam. Đối với bà, đề tài về Việt Nam có sức cuốn hút kỳ lạ. Bà đã đăng tải, tham gia nhiều chương trình truyền hình về Việt Nam trên các phương tiện truyền thông của Bulgaria và châu Âu, giúp bạn bè quốc tế có cái nhìn toàn diện hơn về Việt Nam và công cuộc xây dựng hòa bình hiện nay của nhân dân ta. Hai năm liên tiếp, bà đã giành giải thưởng quốc gia của Việt Nam về thông tin đối ngoại. Từ năm 2005 đến nay, bà đã 5 lần đến thăm và làm việc tại Việt Nam. Gần đây nhất, bà đã vào Việt Nam tham gia đưa tin về Tuần lễ cấp cao APEC, tổ chức tại thành phố Đà Nẵng từ ngày 6 đến 11/11/2017. Ngay trong thời gian ở Việt Nam, những tác phẩm báo chí của bà đã kịp thời chuyển đến bạn đọc Bulgaria và thế giới những thông tin nóng hổi về một APEC rất thành công.

Chiều ngày 6/11, sau chuyến bay dài từ Sofia tranzit Moscow, bà K. Kadrinova đến Hà Nội. Chưa kịp nghỉ ngơi lại sức, bà đã liên hệ làm việc với Ts Trần Công Trục, nguyên trưởng ban Biên giới chính phủ và Viện nghiên cứu Biển Đông - Học viện ngoại giao để tìm hiểu sâu hơn về những chứng cứ pháp lý trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam. Ngay tối mùng 7/11, bà bay vào Đà Nẵng bằng chuyến bay muộn nhất trong ngày. Không kịp nghỉ ngơi, ngay ngày 8/11, bà đã bám sát những hoạt động với tần suất cao của Tuần lễ APEC. Trong mưa gió dầm dề, bà vẫn đến trung tâm báo chí, gặp gỡ, trao đổi, phỏng vấn, thu thập thông tin. Ở đây, bất ngờ gặp Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, bà đã không bỏ lỡ cơ hội phỏng vấn ông về công tác chuẩn bị cho APEC của Việt Nam.

Trong ít ngày lưu lại Đà Nẵng, bà K. Kadrinova đã kịp thực hiện một khối lượng công việc khá lớn đối với một người vừa "chân ướt chân ráo" đến thành phố: tham gia cuộc tọa đàm trên Truyền hinh Đà Nẵng với chủ đề “APEC Việt Nam 2017 dưới cái nhìn của nhà báo quốc tế”, gặp gỡ người dân thành phố Đà Nẵng, thăm vùng vừa bị lũ lụt, phản ánh các sự kiện APEC,.. Ban ngày bà ở hiện trường, ban đêm viết tin bài, thời gian nghỉ rất ít. Nhiệt huyết và sức làm việc của bà thật đáng khâm phục.

Đúng 1 tuần sau, ngày 21/11 khi trở về từ Việt Nam, bà K. Kadrinova đã xuất hiện trên kênh truyền hình Blumberg và kênh truyền hình Euronews, phát bằng tiếng Bulgaria để kịp thời đưa đến khán thính giả Bulgaria về APEC Việt Nam 2017, về ấn tượng mới mẻ của bà, về đất nước, con người Việt Nam .

APEC Việt Nam 2017 – thành công của văn hóa Việt Nam

Điều đặc biệt của nhà báo này khi viết về Tuần lễ APEC là bà đã nhìn nhận thành công của APEC Việt Nam 2017 dưới góc độ văn hóa rất đậm đà, rất bản sắc Việt Nam.

Văn hóa Việt Nam, theo bà, đó là một phạm trù rất rộng nhưng từ sự kiện Tuần lễ cấp cao APEC đó là sự thích nghi của người Việt Nam với mọi thách thức khó khăn, là sự đầu tư vào con người, là lòng mến khách, là sự đồng lòng nhất trí...vì sự phát triển, vì lợi ích cộng đồng.

Trong bài viết đầu tiên, gửi về tòa soạn tờ Barikada – Cơ quan ngôn luận của Hội Nhà báo Bulgaria, bà viết về sự thích ứng với thảm họa thiên nhiên của người Việt Nam như sau “Ngay cả cơn bão Damry cũng không ngăn cản được việc tổ chức Hội nghị thường niên lần thứ 25 của APEC tại thành phố Đà Nẵng của Việt Nam. Tại diễn đàn APEC này, Chủ tịch nước chủ nhà Trần Đại Quang đã nhấn mạnh trong diễn văn lễ khai mạc "đầu tư vào con người là con đường để đạt được sự đồng thuận xã hội về tự do hóa thương mại.". Như vậy, có thể nói, sự định hướng đầu tư vào con người của Việt Nam đã được quốc tế hóa không chỉ từ diễn đàn này. Trên các diễn đàn đa phương khác như ở Liên hợp quốc, ASEM, ASEAN, quan điểm có tính nhân văn, nhân đạo này đều được các lãnh đạo Việt nam nhấn mạnh.

Theo bà, sự trỗi dậy của Việt Nam như sự hồi sinh của chim phượng hoàng. Trong cuốn sách “Con Rồng cháu Tiên” bà đã ví sự trỗi dạy mạnh mẽ của Việt Nam từ đống tro tàn chiến tranh như vậy. Vẫn với mạch suy nghĩ đó, bà liên hệ trận bão Damry như một cuộc chiến của thiên nhiên đối với cuộc sống lao động hòa bình của người dân miền Trung Việt Nam “Sự thích nghi và quật cường của người dân Việt Nam đã được chứng minh trong những năm dài chiến tranh bây giờ lại một lần nữa bị thách thức. Lần này là thảm họa tự nhiên. Trận bão Damry đã tàn phá ở miền Trung Việt Nam ngay trước ngày Tuần lễ cấp cao APEC được tổ chức tại Đà Nẵng”.

Bà viết “Cơn bão Damry ập vào miền Trung Việt Nam và gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Thiên tai xảy ra 2 ngày trước khi diễn ra Tuần lễ cấp cao APEC. Thành quả chuẩn bị kỹ lưỡng trong suốt hai năm cho sự kiện ngoại giao lớn nhất trong năm của Việt Nam hầu như bị xóa sổ. Thành phố Đà Nẵng ngổn ngang những pano tuyên truyền cho sự kiện. Chậu hoa, cây cảnh trang trí bị hất tung, đổ vỡ khắp các tuyến phố chính. Nhiều cơ sở lưu trú, dịch vụ, phục vụ các đại biểu bị hư hỏng nặng. Hệ thống điện, viễn thông bị hư hỏng nặng. Thành phố đang tạm thời mất điện. Thêm vào đó là những cơn mưa xối xả, không ngớt gây khó khăn cho công tác khắc phục hậu quả thiên tai. Có đến đây, tận mắt chứng kiến những nét mặt đăm chiêu, những cái thở dài của người dân Đà Nẵng mới thấy sự chung sức, chung lòng của họ đối với sự kiện lớn của đất nước. Người dân tự hỏi nhau “không biết mưa gió như thế này, APEC sẽ như thế nao?”. Họ lo lắng cho thành công của Diễn đàn. Dường như họ đang cùng lo lắng mối lo của các nhà lãnh đạo”

Chứng kiến công tác khắc phục hậu quả thiên tai, bà Kadrinka Kadrinova viết: “Mọi người Việt Nam đã được huy động để vượt qua hậu quả của thiên tai trong tình đoàn kết, chia sẻ và cộng đồng trách nhiệm. Dường như họ đã được chuẩn bị rất tốt để đón nhận và xử lý những tình huống thời tiết cực đoan này. Các đội tình nguyện viên được huy động và họ làm việc một cách rất tự nguyện. Cả thành phố đổ ra đường thu dọn, cây đổ, bùn đất, rác rưởi, phế thải.... Kỳ diệu thay, khối lượng công việc mà ở những nơi khác, trong hoàn cảnh khác có khi phải tốn rất nhiều thời gian, phương tiện mới có thể dọn sạch. Vậy mà,  thời gian ở đây chỉ tính bằng khoảng 6 h làm việc. Buổi sáng, khi tôi đến Trung tâm báo chí quốc tế, đường phố còn ngổn ngang, nhiều chỗ tắc đường cục bộ nhưng sau buổi trưa, khi tôi về khách sạn, có cảm giác rằng nơi đây chưa có trận bão nào tràn qua”

Trong chương trình trên kênh truyền hình bloomberg bằng tiếng Bulgaria, bà K. Kadrinova, nhận xét “Người Việt Nam đã thực hiện rất tốt slogan mến khách của họ là  “trọng thị, chu đáo, an toàn, hiệu quả, tiết kiệm”. Mặc dù thời tiết rất bất lợi, điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, nhân lực mỏng nhưng người Việt Nam đã thể hiện là những chủ nhà đặc biệt chu đáo và mến khách. Họ đã dồn mọi nỗ lực để bảo đảm Năm APEC và Tuần lễ Cấp cao diễn ra thành công. Tôi rất ấn tượng với công việc họ đã làm. Từ những chi tiết nhỏ nhất đến sự kiện có quy mô hoành tráng nhất, họ đã chuẩn bị kỹ lưỡng đến từng chi tiết nhỏ và tôi chắc chắn rằng các nhà lãnh đạo, các đại biểu và bạn bè quốc tế đến Việt Nam đều đã rất hài lòng”.    

Nhìn từ góc độ văn hóa ngoại giao, bà Kadrinka Kadrinova cho rằng, đường lối ngoại giao hòa bình của Việt Nam giúp thế giới thu hẹp những bất đồng. Bà dẫn ví dụ về diễn biến các cuộc họp về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương. Tưởng như Hội nghị này sẽ không thu được kết quả gì đáng kể khi còn nhiều vấn đề tranh cãi. Tuy nhiên, văn hóa ngoại giao mà cụ thể là ngoại giao hòa bình vì sự phát triển chung, cùng chia sẻ trách nhiệm và lợi ích của nước chủ nhà đã giúp cho Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương có lối đi đột phá, thu được kết quả ngoài mong đợi.

Theo bà K. Kadrinova, văn hóa Việt Nam thể hiện ở các lựa chọn chủ đề ưu tiên tại APEC 2017. Những vấn đề mà Việt nam nêu ra đều phù hợp với sự quan tâm của các nền kinh tế APEC và  chính điều này đã tạo ra sự đồng thuận lớn . Những vấn đề như liên kết kinh tế khu vực, tự do hóa thương mại và đầu tư, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương trong APEC và ở quy mô toàn cầu đều nhận được sự đồng thuận cao là một thành công lớn của ngoại giao Việt Nam.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới có những diễn biến trái chiều, sự thay đổi chính quyền ở nhiều nước thành viên với những xu hướng ứng xử khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau thì văn hóa ngoại giao Việt Nam là chia sẻ, là tìm kiếm sự tương đồng, kiềm chế sự khác biệt đã phát huy tác dụng kết nối và hòa giải. Việt Nam đã điều hòa khác biệt giữa các thành viên, tạo không khí hợp tác, xây dựng, tạo đồng thuận chung. Bà K. Kadrinova dẫn lời Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh rằng, Việt Nam “ đã tìm ra điểm tương đồng để định hướng thảo luận, hợp tác của các thành viên, điển hình là việc đề xuất các sáng kiến về thúc đẩy phát triển bao trùm, xây dựng tầm nhìn APEC sau năm 2020”

Trong các bài viết của mình về APEC Việt Nam, bà nêu bật bản lĩnh Việt Nam trong việc xử lý những khác biệt rất lớn giữa các thành viên. Quan sát những phiên họp kéo dài và không kém phần căng thằng, bà cho rằng, với tư cách chủ nhà, Việt Nam với những nhà đàm phán bản lĩnh, có kinh nghiệm đã rất vững vàng trong những thời điểm khủng hoảng, thậm chí gần đổ vỡ trong thương lượng văn kiện.

Bà cho rằng, sau hơn 30 năm đổi mới và hội nhập, vị thế và sức mạnh của Việt Nam đã được khẳng định trên trường quốc tế, tạo ra uy tín hoạch định chính sách, dẫn dắt hợp tác trong APEC. Bà khẳng định: “Thành công của APEC 2017 cũng góp phần gia tăng vị thế, sức mạnh mềm Việt Nam - sức mạnh văn hóa Việt Nam”./.

Tấn Vũ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực