Bắc Ninh cần đẩy mạnh 3 đột phá

Thứ bảy, 05/09/2020 09:57
(ĐCSVN) - Trong 8 tháng đầu năm 2020, tuy gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19 nhưng xuất khẩu của tỉnh Bắc Ninh vẫn đạt 20,638 tỷ USD, tăng 1,1%; tổng vốn đầu tư phát triển tăng 36% so với cùng kỳ; thu hút vốn đầu tư đạt khá.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc với Bắc Ninh. 

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh.

Trong 8 tháng đầu năm 2020, tuy gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19 nhưng xuất khẩu của tỉnh Bắc Ninh vẫn đạt 20,638 tỷ USD, tăng 1,1%; tổng vốn đầu tư phát triển tăng 36% so với cùng kỳ; thu hút vốn đầu tư đạt khá. Tỉnh đã chủ động thực hiện các giải pháp, cách làm phù hợp, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu; tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử...Giải ngân vốn đầu tư công đạt 68%, Bắc Ninh là một trong những địa phương đạt tỷ lệ giải ngân cao của cả nước...

Tuy nhiên, Bắc Ninh còn một số tồn tại cần sớm khắc phục như: Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh của Tỉnh; tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề và hệ thống sông, ngòi chưa được cải thiện. Nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu và yếu. Du lịch, dịch vụ phát triển còn chậm; công nghiệp hỗ trợ phát triển chưa tương xứng với lợi thế của địa phương.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bắc Ninh cần đẩy mạnh 3 đột phá: Đổi mới - Sáng tạo - Khát vọng, phát huy tiềm năng thế mạnh, tạo động lực mới cho phát triển nhanh bền vững. Trong đó, nâng cấp và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, thông minh. Thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng đô thị và nông thôn quy mô, đồng bộ, hiện đại, nâng cao tỷ lê%3ḅ đô thị hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển và các tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương gắn với mối quan hệ với vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, cả nước.

Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, tăng cường cung cấp dịch vụ công, xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh, hướng tới chính quyền số, nền kinh tế số với mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, tiết kiệm thời gian, chi phí, tăng cường sự minh bạch và chịu trách nhiệm của cơ quan quản lý, hình thành nền hành chính chuyên nghiệp, tạo môi trường trong sạch, an toàn, cuộc sống văn minh, tươi đẹp.

Bên cạnh đó, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, Bắc Ninh cần xác định là nơi thu hút đội ngũ nhân tài trí thức, nhất là trong lĩnh vực khoa học công nghệ; thu hút các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, có tiềm lực mạnh, có thương hiệu đến đầu tư phát triển, tạo động lực lan tỏa thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp khác. Tạo bước đột phá đầu tư vào ngành du lịch, phát triển du lịch Bắc Ninh tương xứng với tiềm năng và lợi thế, đưa Bắc Ninh trở thành nơi đáng sống, điểm đến của du khách và các nhà đầu tư.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bắc Ninh cần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công, giải ngân các dự án, trọng tâm là các dự án trọng điểm, các dự án có vốn bố trí lớn, dự án hoàn thành trong năm 2020. Tránh tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư, thực hiện các dự án đầu tư công không hiệu quả, lãng phí nguồn lực; tích cực giám sát, kiểm tra phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong việc thực hiện nhiệm vụ đầu tư công.

Hoàn thiện và hướng dẫn triển khai thống nhất toàn tỉnh hệ thống thông tin về đầu tư, giải ngân vốn ngân sách nhà nước theo quy định để kịp thời cập nhật tình hình giải ngân, phục vụ điều hành, triển khai kế hoạch vốn đầu tư công. Kiên quyết điều chuyển nguồn vốn đầu tư công từ các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang các dự án có khả năng hoàn thành, giải ngân cao, nhu cầu vốn lớn. Phấn đấu hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020. 

Rà soát, tháo gỡ hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư, khi triển khai thực hiện các chương trình, dự án và giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn ODA theo quy định. Trường hợp giải ngân không đạt tiến độ theo cam kết, xem xét điều chuyển chủ đầu tư dự án theo thẩm quyền; thực hiện việc tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng, bảo đảm công khai, minh bạch, bảo đảm nhà thầu có năng lực triển khai thực hiện dự án. 

Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực