Bản quyền vaccine COVID-19 có dễ “cho không, biếu không”?

Thứ năm, 13/05/2021 19:09
(ĐCSVN) – Quan điểm mới được Mỹ đưa ra đã làm hồi sinh cuộc tranh luận về việc dỡ bỏ các bằng sáng chế đối với vaccine ngừa COVID-19, khi một số nước ủng hộ thì một số quốc gia khác lại cho rằng đó là một sai lầm. Và việc dỡ bỏ bằng sáng chế có thực sự giúp chấm dứt đại dịch hay không vẫn là một câu hỏi chưa thể được khẳng định.

Dỡ bỏ bằng sáng chế, điều đó có nghĩa là gì?

Yêu cầu dỡ bỏ bằng sáng chế vaccine không phải là mới, mà thậm chí còn có từ ngày 2/10 năm ngoái khi Ấn Độ và Nam Phi đưa ra yêu cầu theo hướng này với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) song không thành công. Lập luận rằng "nhiều báo cáo cho thấy quyền sở hữu trí tuệ cản trở hoặc có nguy cơ cản trở việc cung cấp kịp thời các sản phẩm y tế với giá phải chăng cho bệnh nhân", hai nước này đề nghị dỡ bỏ rào cản về sở hữu trí tuệ cho đến khi "công tác tiêm chủng được thực hiện rộng rãi trên toàn cầu và phần lớn dân số thế giới đều đã miễn dịch". Thực tế, vào thời điểm đó, Washington cũng đã phản đối yêu cầu mà Ấn Độ và Nam Phi đưa ra trước Tổ chức Thương mại Thế giới.

Tiếp đó đến ngày 11/3, WTO lại tổ chức cuộc thảo luận mới có khoảng 100 quốc gia thành viên WTO ủng hộ nhưng cuối cùng đàm phán vẫn thất bại vì các nước Bắc bán cầu không muốn. Giữa tháng 4 vừa qua, một số nhà khoa học đạt giải Nobel và các cựu nguyên thủ quốc gia đã gửi thư ngỏ cho Tổng thống Mỹ Joe Biden. Thư ngỏ với khoảng 170 chữ ký đánh giá từ bỏ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19 là "bước quan trọng và cần thiết để chấm dứt đại dịch". Và nước Mỹ đã có pha “lội ngược dòng” đầy bất ngờ khi ngày 5/5 tuyên bố chính quyền Tổng thống Joe Biden ủng hộ miễn áp dụng bảo hộ sở hữu trí tuệ cho vaccine ngừa COVID-19.

Như đã biết, bằng sáng chế vaccine được tạo ra nhằm ngăn chặn các đối thủ sao chép thành quả của một hãng dược và tung ra sản phẩm tương tự. Các phòng thí nghiệm nghiên cứu ra vaccine ngừa COVID-19 đã bảo vệ bí mật thương mại của họ để ngăn chặn việc sao chép bất hợp pháp. Các nhà sản xuất thì xin cấp quyền sở hữu trí tuệ khi cho rằng vaccine sẽ sinh lợi hoặc đóng vai trò quan trọng với xã hội.

Chính vì vậy, ý tưởng cấp quyền miễn trừ tạm thời đối với quyền sở hữu trí tuệ sẽ cho phép bất kỳ quốc gia nào đều có thể sản xuất vaccine mà không cần lo lắng về bằng sáng chế và do đó sản xuất nhiều liều hơn với giá thấp hơn. Cụ thể, trong khuôn khổ việc dỡ bỏ các bằng sáng chế, các quốc gia sẽ cấp giấy phép cho các công ty địa phương, mà chủ sở hữu các bằng sáng chế này không thể có ý kiến. Trên lý thuyết, điều này sẽ làm tăng số lượng địa điểm sản xuất và do đó giảm khoảng cách ngày càng tăng giữa các nước giàu và các nước nghèo nhất.

Đề xuất này của Mỹ đã nhận được sự ủng hộ của hàng trăm quốc gia và các tổ chức phi chính phủ lớn hoạt động trong lĩnh vực nhân quyền hoặc chống đói nghèo, cũng như nhiều người đạt giải Nobel và các nguyên thủ quốc gia.

Còn nhớ một tiền lệ trước đây, vào cuối những năm 1990, thuốc kháng virus đã tạo bước ngoặt trong điều trị HIV/AIDS nhưng giá thuốc nằm ngoài tầm của đại đa số bệnh nhân. Năm 2003, một thỏa thuận tạm thời (được xác nhận vào cuối năm 2005) đã cho phép miễn áp dụng quyền sở hữu trí tuệ, từ đó các nước nghèo có thể nhập khẩu thuốc generic.

 Các quốc gia trên thế giới đang đẩy nhanh tiến trình nghiên cứu, thử nghiệm và tiêm vaccine ngừa COVID-19. (Ảnh: sortiraparis.com)

Những ý kiến trái chiều

Về mặt lý thuyết, biện pháp này dường như là lẽ thường. Chính Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, khi bắt đầu bùng phát đại dịch COVID-19, đã từng nói về việc làm cho vaccine trở thành "lợi ích chung của nhân loại". Song khi người đồng nhiệm Mỹ đưa ra quyết định dỡ bỏ bằng sáng chế vaccine ngừa COVID-19 vào ngày 5/5, Tổng thống Pháp lại tuyên bố phản đối vì hoài nghi. Thay vào đó, ông bảo đảm sẽ ủng hộ việc tặng vaccine cho các nước nghèo nhất thông qua chương trình COVAX. Tuy nhiên, hệ thống chia sẻ với các nước nghèo, nơi chủ yếu nhận huyết thanh của AstraZeneca, lại đang trượt dốc khi chỉ cung cấp 49 triệu liều vaccine cho 121 quốc gia và vùng lãnh thổ, so với mục tiêu 2 tỷ liều vào năm 2021.

Đối với Tổng thống Pháp, vấn đề hiện nay liên quan nhiều hơn đến việc "chuyển giao công nghệ và năng lực sản xuất". Và lập luận này được ngành công nghiệp dược phẩm cùng chia sẻ. Về cơ bản, biết công thức chế tạo có ích gì nếu bạn không có nguyên liệu hoặc vật liệu để tạo ra vaccine?

Sau tuyên bố đầy bất ngờ của chính phủ Mỹ, nhiều hãng dược phẩm đã bày tỏ quan điểm phản đối cũng như đưa ra những lời cảnh báo đáng lưu tâm. Liên đoàn các nhà sản xuất và hiệp hội dược phẩm quốc tế (IFPMA) cho biết điều đó thật “đáng thất vọng” và việc từ bỏ là câu trả lời “đơn giản nhưng sai lầm” cho một vấn đề phức tạp. IFPMA không đồng ý với những lập luận cho rằng bằng sáng chế cản trở việc tăng sản lượng. Thay vào đó, họ coi các rào cản thương mại, tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng và khan hiếm nguyên liệu thô cũng như việc các nước không sẵn sàng chia sẻ liều lượng là những rào cản chính. Phòng thí nghiệm BioNTech (Đức) thì nêu rõ: “Bằng sáng chế không phải là yếu tố hạn chế trong việc sản xuất hoặc cung cấp vaccine của chúng tôi. Họ sẽ không tăng sản lượng toàn cầu hoặc cung cấp liều lượng vaccine trong ngắn hạn và trung hạn”. Về phần mình, Giám đốc điều hành của Pfizer nói về "những thông báo có động cơ chính trị, những lời hứa suông" có thể làm gián đoạn hoạt động sản xuất vaccine.

Ông Stephen Ubl, Chủ tịch Liên đoàn Dược phẩm Mỹ (PhRMA), cũng chỉ ra rằng việc dỡ bỏ các bằng sáng chế có thể "làm suy yếu thêm các chuỗi cung ứng vốn đã căng thẳng và khuyến khích sự gia tăng của vaccine giả". Thay vào đó, ông cho rằng cần giải quyết vấn đề phân phối và nguồn nguyên liệu thô sẵn có đang "hạn chế". Các nhà sản xuất cũng viện dẫn những khó khăn về nguồn cung do sự xuất hiện của các đối thủ cạnh tranh mới. “Chúng tôi đã phải chịu áp lực về việc cung cấp cho chính mình. Vì vậy, nếu có thêm nhiều người chơi yêu cầu nguyên liệu thô, điều đó sẽ không cải thiện được tình hình” – ông chủ Stéphane Bancel của Moderna cho biết.

Cuối cùng, việc dỡ bỏ các bằng sáng chế cũng có thể sẽ là một lực hãm  sự đổi mới và nghiên cứu vốn sẽ cần phải tiếp tục, đặc biệt là để ứng phó với các biến thể mới. Như lập luận được ông Frédéric Collet, Chủ tịch Công ty Dược phẩm Pháp, đưa ra: “Việc dỡ bỏ các bằng sáng chế về vaccine sẽ không giải quyết được thách thức của sản xuất hàng loạt và sẽ đe dọa sự đổi mới trong tương lai. Điều thúc đẩy các công ty dược phẩm đổi mới, đôi khi bị thua lỗ, là khả năng tiếp cận thị trường an toàn trong một thời gian giới hạn, nhờ vào các bằng sáng chế". Hay như người phát ngôn của chính phủ Đức từng cho biết rằng "bảo vệ sở hữu trí tuệ là nguồn gốc của sự đổi mới và phải duy trì như vậy". Farasat Bokhari, chuyên gia kinh tế chuyên về các vấn đề cạnh tranh và sức khỏe tại trường đại học East Anglia (Anh), cũng cho rằng nếu các bằng sáng chế được dỡ bỏ, các công ty dược phẩm "sẽ không có động cơ đầu tư vào lần tiếp theo khi có trường hợp khẩn cấp".

Việc dỡ bỏ bằng sáng chế có thực sự giúp chấm dứt đại dịch?

Ngay cả khi các bằng sáng chế được dỡ bỏ vào ngày mai, sẽ không có gì có thể bảo đảm việc sản xuất vaccine sẽ được tăng tốc trên toàn thế giới.

Dây chuyền sản xuất vaccine vốn rất phức tạp và cần đầu tư đáng kể, đặc biệt là vaccine RNA thông tin, trong đó dây chuyền lạnh nghiêm ngặt ở -70°C phải được duy trì để bảo đảm sản xuất.

Về lý thuyết, AstraZeneca hay Johnson & Johnson dễ sản xuất hơn, nhưng điều đó không giải quyết được vấn đề chính hiện nay, đó là năng lực sản xuất và nguồn cung cấp nguyên liệu. Trên hết, việc dỡ bỏ các bằng sáng chế sẽ chỉ là một biện pháp tượng trưng có rất ít hoặc thậm chí không có bất kỳ tác dụng nào trước năm 2022. Về lâu dài, việc chuyển giao giấy phép có thể giúp giải phóng các địa điểm sản xuất ở châu Âu, nơi sẽ tập trung vào các vaccine và phương pháp điều trị khác.

Bằng sáng chế cũng hoàn toàn không phải là rào cản chính đối với việc gia nhập sản xuất vaccine cho bất kỳ công ty sản xuất vaccine nào của Ấn Độ, Brazil hoặc Nam Phi. Các rào cản thực sự đối với việc gia nhập là công nghệ, bí quyết cụ thể và thâm dụng vốn. Sản xuất các loại vaccine này, đặc biệt là vaccine loại mRNA, đòi hỏi phải xây dựng các đơn vị hoàn toàn mới, hoàn toàn chuyên dụng, với các tài sản cụ thể không thể triển khai lại. Nó cũng đòi hỏi phải làm chủ những công nghệ tiên tiến này và một lực lượng lao động có trình độ cao. Những hoạt động này đòi hỏi nhiều tháng làm việc và số vốn khổng lồ và tất cả những điều này không thể giải quyết chỉ trong tích tắc.

Có thể thấy rằng trong khi một số nước ủng hộ thì một số quốc gia khác lại cho rằng đó là một sai lầm. Trên lý thuyết, việc dỡ bỏ các bằng sáng chế đối với vaccine ngừa COVID-19 nhằm tăng tốc độ sản xuất và để toàn bộ dân số thế giới được tiếp cận với vaccine nghe có vẻ là một ý tưởng hấp dẫn. Nhưng nó dường như không phù hợp với các vấn đề về công nghệ, sản xuất, tài chính, hoặc thậm chí là đổi mới. Có thể về lâu dài, đó là quyết định mang tính trọng yếu, làm thay đổi mạnh mẽ trong cuộc chiến chống lại virus SARS-CoV-2 ở phạm vi toàn cầu, song trong ngắn hạn, việc làm này khó có thể mang lại những kết quả như mong muốn để chấm dứt đại dịch.

Dù vậy, như Tổ chức Y tế Thế giới đã đánh giá tuyên bố của Mỹ mang tính lịch sử, và trong mọi trường hợp, động thái này của Washington cũng vẫn sẽ giúp thúc đẩy một cuộc tranh luận vốn đã bị đình trệ liên quan tới nghiên cứu và sản xuất, phân phối vaccine cũng như sự chia sẻ công bằng giữa các nước giàu và nghèo trên thế giới để cùng nhau ứng phó hiệu quả với những thách thức mang tính toàn cầu./.

Khánh Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực