Báo chí góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước

Thứ hai, 18/03/2024 15:20
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Báo chí cần bám sát thực tiễn để có nhiều tác phẩm báo chí chất lượng, khách quan, chân thực, có tính chiến đấu cao, giá trị văn hóa, nhân văn sâu sắc. Mỗi tác phẩm báo chí phải là một thông điệp thuyết phục, tác động vào cả trí óc và trái tim công chúng, từ đó định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Đó là phát biểu chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tại Hội nghị toàn quốc năm 2024 của Hội Nhà báo Việt Nam được tổ chức sáng ngày 18/3, tại TP Hồ Chí Minh.

Đến dự Hội nghị còn có các đồng chí: Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh.

Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

Cùng dự có hơn 500 đại biểu là lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, hội ở Trung ương và địa phương; các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan chủ quản báo chí; lãnh đạo các cơ quan báo chí…

Báo chí luôn là lực lượng xung kích trên mọi mặt trận

Toàn cảnh Hội nghị 

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi thông tin, năm 2023, Hội Nhà báo Việt Nam đã triển khai đồng bộ, quyết liệt và đạt hiệu quả cao trong công tác xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức hội từ trung ương đến cơ sở. Tổ chức hội được xây dựng ngày càng vững mạnh về tổ chức, chuyên môn nghiệp vụ, kiểm tra giám sát và kịp thời bảo vệ quyền lợi chính đáng hợp pháp của hội viên, người làm báo.

Các cấp hội từ trung ương đến địa phương đã nỗ lực khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Bên cạnh đó, nỗ lực củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy các cấp hội, đặc biệt ở các cơ quan báo chí thuộc diện sắp xếp chuyển đổi theo quy hoạch quản lý và phát triển báo chí...

Trong năm qua, nhiều cấp hội có những mô hình, cách làm đổi mới sáng tạo trong các phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cho biết, kể từ ngày thành lập (21/4/1950) đến nay, tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam ngày càng lớn mạnh về số lượng và chất lượng. Từ gần 300 hội viên thuở ban đầu, đến nay Hội Nhà báo Việt Nam đã thu hút hơn 25.000 hội viên, sinh hoạt tại 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 21 Liên chi hội và 223 Chi hội trực thuộc trên cả nước. Được sự lãnh đạo, chỉ đạo, dìu dắt của Đảng, Nhà nước cùng sự ủng hộ, tạo điều kiện của nhân dân, trong những năm qua, các thế hệ người làm báo luôn nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt trọng trách của mình; xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

"Trong bối cảnh khó khăn, thách thức chung của thế giới, khu vực và đất nước, có những thách thức chưa từng có tiền lệ, báo chí vẫn luôn là lực lượng xung kích trên mọi mặt trận. Trong đó, báo chí đã thực hiện công tác tuyên truyền hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, luôn gắn bó và đồng hành trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; công tác thông tin, tuyên truyền trên báo chí về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh… được quan tâm, chú trọng, có chiều sâu, tạo sức lan tỏa tích cực. Thông tin về hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng và Nhà nước trở thành điểm nổi bật trong bức tranh tuyên truyền tổng thể. Công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có chuyển biến rõ nét từ tư duy đến nội dung, hình thức, cách thức tuyên truyền", đồng chí Lê Quốc Minh nhận định.

Tuy nhiên, công tác báo chí năm 2023 còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như: nguy cơ tụt hậu của báo chí trước sự phát triển rất nhanh của truyền thông xã hội; vẫn còn một số cơ quan báo chí chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền trong tình hình hiện nay; vẫn còn một bộ phận người làm báo có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, lợi dụng, lạm dụng nghề nghiệp, tự cho mình “quyền lực” để dọa dẫm, sách nhiễu tổ chức, cá nhân, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp… gây bức xúc trong dư luận xã hội. Tình trạng phóng viên, cộng tác viên bị khởi tố, bắt tạm giam, truy tố, xét xử vì vi phạm pháp luật, lợi dụng hoạt động nghề nghiệp để trục lợi có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín và niềm tin của công chúng đối với báo chí.

Tại Hội nghị, đồng chí Lê Quốc Minh đề nghị các đại biểu cần tập trung đánh giá khách quan những kết quả đã đạt được trong năm 2023 và rà soát việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam đã đề ra. Trong đó, hội nghị nhìn thẳng vào những tồn tại, hạn chế, xác định rõ các nguyên nhân, đề ra các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp đột phá nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ trong hoạt động báo chí và hoạt động của tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam trong thời gian tới. Bên cạnh đó, hội nghị nêu rõ những khó khăn, thách thức từ thực tiễn hoạt động báo chí, hoạt động Hội hiện nay, nhất là các cơ quan báo chí và Hội Nhà báo các cấp trong việc thực hiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia...

Đồng chí Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại Hội nghị 

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã có những tham luận, chia sẻ về những vấn đề quan tâm trong công tác báo chí như: công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ nâng cao công tác tuyên truyền; quản lý phóng viên thường trú, cơ quan đại diện; báo chí tích cực tuyên truyền hoạt động đối ngoại…

Báo chí góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận và đánh giá cao hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời gian qua. Trong đó, đồng chí nhấn mạnh về một số nội dung như: Việc củng cố, kiện toàn Hội Nhà báo Việt Nam được quan tâm, qua đó tạo sự thống nhất, đoàn kết, phát huy mạnh mẽ vai trò của Hội; Công tác giáo dục tư tưởng, nâng cao bàn lĩnh chính trị cho người làm báo, hội viên được phát huy hiệu quả tích cực; Tính hiệu quả của công tác nghiệp vụ, với thành công của Giải Báo chí Quốc gia và một loạt chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao, các hội thảo, tọa đàm, tập huấn về báo chí số, công nghệ báo chí truyền thông…

Để thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ 11 Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025, kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam và hưởng ứng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Hội Nhà báo Việt Nam (nhiệm kỳ 2025-2030), đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị một số nhiệm vụ trọng tâm:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc và tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 8/4/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới; các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, văn bản của Nhà nước về công tác báo chí, hoạt động Hội và Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam.

Thứ hai, Hội Nhà báo các cấp cần định hướng các cơ quan báo chí bám sát thực tiễn sự nghiệp đổi mới, phát triển của đất nước, các vấn đề thời sự, phản ánh sâu sắc, sinh động hơi thở nhịp đập của cuộc sống để có nhiều tác phẩm báo chí chất lượng, khách quan, chân thực, có tính chiến đấu cao, giá trị văn hóa, nhân văn sâu sắc. Mỗi tác phẩm báo chí phải là một thông điệp thuyết phục, tác động vào cả trí óc và trái tim công chúng, từ đó định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc năm 2024 của Hội Nhà báo Việt Nam 

Đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng nhắc nhở cần phải đẩy mạnh và quyết liệt đổi mới, sáng tạo trong báo chí tuy nhiên cũng cần có giải pháp để hạn chế những bất cập, nguy cơ khiến nhân lực và vật lực ngành báo bị ảnh hưởng tiêu cực bởi trí tuệ nhân tạo, vào công cụ số và các yếu tố công nghệ tiên tiến khác.

Thứ ba, cần khẩn trương xây dựng kế hoạch, đề án chuẩn bị tổ chức các hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý Trung ương và cấp ủy địa phương tổ chức đồng bộ, rộng khắp các hoạt động, tạo thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong các cơ quan báo chí, cấp hội và hội viên.

Thứ tư, cần chú trọng công tác kiểm tra giám sát hội viên. Để khắc phục hiện tượng một số cấp hội và cơ quan báo chí còn xảy ra hiện tượng vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp người làm báo thì cần phải xử lý nghiêm các vi phạm. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Hội Nhà báo các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.

Thứ năm, chú trọng định hướng các hoạt động đào tạo, nghiên cứu nhằm làm rõ lý luận báo chí hiện đại với các vấn đề nghiệp vụ báo chí số, báo chí sáng tạo, mô hình kinh tế báo chí. Đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tham khảo, ban hành các chủ trương quyết định đúng đắn đối với hoạt động báo chí, hướng tới một nền báo chí “chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại”, góp phần để báo chí thực hiện vai trò, sứ mệnh là công cụ sắc bén trong công tác tư tưởng, trong truyền thông chính sách của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, đồng thời là phương tiện giám sát, phản biện xã hội hiệu quả.

Thứ sáu, triển khai hiệu quả, thực chất chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao. Đặc biệt, chú trọng nghiên cứu, tìm tòi, đổi mới để tiếp tục duy trì, khẳng định vị thế của Giải báo chí quốc gia.

Thứ bảy, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Đảng đoàn, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khẩn trương lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tốt công tác chuẩn bị cho Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ 12, nhiệm kỳ 2025-2030.

Năm 2024 là một năm báo chí vượt khó khăn, đặc biệt là khó khăn về kinh tế để hoàn thành nhiệm vụ, để tìm giải pháp hiệu quả cho sự phát triển báo chí trong kỷ nguyên số. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục quan tâm, hoàn thiện các chủ trương, chính sách để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động báo chí, tạo hành lang pháp lý và môi trường để các nhà báo, hội viên phát huy tiềm năng sáng tạo để có những tác phẩm báo chí theo hướng báo chí tích cực, báo chí giải pháp, báo chí kiến tạo, tạo đà cho sự phát triển ngành công nghiệp nội dung, công nghiệp văn hóa, công nghiệp số, trong đó các cơ quan báo chí và các nhà báo là những chủ thể nòng cốt.

V.Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực