Sáng 7/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách để thảo luận về một số dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4.
Tham dự Hội nghị có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các vị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trung ương và 18 đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm thuộc 10 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đăng ký tham dự Hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, quán triệt Nghị quyết của Đại hội lần thứ XIII của Đảng và chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phát huy mạnh mẽ vai trò, vị trí của Quốc hội trong việc tạo lập khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động của đất nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội khóa XV đã tổ chức thành công 04 kỳ họp, ban hành 8 luật, cho ý kiến 7 dự án luật khác, ban hành 62 nghị quyết với sự thống nhất, đồng thuận cao. Đây là kết quả của quá trình phối hợp chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm của UBTVQH, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan, kết hợp với việc phát huy dân chủ, tranh thủ tối đa trí tuệ, đóng góp của cử tri và Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, các bậc lão thành cách mạng, các chuyên gia, nhà khoa học…; trong đó, có sự đóng góp quan trọng, tích cực, trách nhiệm, tâm huyết, hiệu quả của các vị ĐBQH nói chung và ĐBQH hoạt động chuyên trách nói riêng.
|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Hội nghị (Ảnh: Phạm Thắng) |
Theo Chủ tịch Quốc hội, Kỳ họp thứ 4 sắp tới của Quốc hội có nhiều nhiệm vụ lập pháp quan trọng. Các dự án, dự thảo dự kiến trình Quốc hội thông qua đã được UBTVQH, Chính phủ chỉ đạo tổ chức thảo luận, lấy ý kiến qua nhiều vòng, tại nhiều hội nghị, hội thảo tham vấn, UBTVQH cũng đã cho ý kiến kỹ lưỡng về những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau tại Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật đầu tiên của UBTVQH (từ ngày 15-18/8/2022).
Để có thêm các ý kiến đa dạng, nhiều chiều, giúp cơ quan hữu quan nhận diện thêm các vấn đề mới phát sinh, nắm bắt bao quát toàn diện, giải trình thấu đáo hơn, bảo đảm chất lượng cao nhất của các dự án, dự thảo trình Quốc hội, UBTVQH quyết định tổ chức Hội nghị ĐBQHCT để các ĐBQH hoạt động chuyên trách cho ý kiến vào từng dự án. Qua đó, góp phần vào việc xem xét, thông qua của Quốc hội đạt tỷ lệ tán thành cao, đồng thời, rút ngắn thời gian kỳ họp.
Với tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội cho biết, hội nghị sẽ tập trung thảo luận về 06 dự án luật, 01 dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua.
Chủ tịch Quốc hội cũng gợi mở, nhấn mạnh một số nội dung cơ bản xin ý kiến các vị ĐBQH.
Cụ thể, về Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, quan điểm của Đảng ta về “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” là mục tiêu và động lực để khơi dậy sức mạnh, nguồn lực Nhân dân trong quá trình thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng thành pháp luật của Nhà nước, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống nhằm phát huy dân chủ ở cơ sở và quyền làm chủ của Nhân dân. Đến nay, còn một số vấn đề đề nghị ĐBQH tiếp tục quan tâm, thể hiện rõ chính kiến, quan điểm về: điều chỉnh việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động; việc cụ thể hóa phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng; về cơ chế bảo đảm việc thực hiện dân chủ ở cơ sở - đây là vấn đề quan trọng, mang tính quyết định luật này có thực sự đi vào cuộc sống và phát huy được dân chủ cơ sở hay không.
Về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh “Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo” được Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn 2021-2030. Việc Quốc hội xem xét, thông qua Dự án Luật là nhằm góp phần thể chế chủ trương nêu trên của Đảng. Tại Hội nghị này, đề nghị các vị ĐBQH tiếp tục thảo luận, thể hiện rõ quan điểm về những vấn đề: quy định giới hạn tổng độ rộng băng tần thông tin di động một doanh nghiệp được cấp phép sử dụng; phương thức cấp phép; cấp lại giấy phép sử dụng băng tần, làm rõ vì sao từ khi Luật có hiệu lực đã gần 12 năm vẫn không thực hiện được việc đấu giá, thi tuyển để cấp phép; quy định về sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế.
Về Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội lưu ý dự án luật này có tác động rất lớn đến ngành y tế và công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Đây là vấn đề nhận được sự quan tâm sâu sắc, không chỉ trong ngành y tế mà còn của cử tri, Nhân dân cả nước; việc xây dựng các quy định đòi hỏi sự thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng, chỉ đưa vào Luật những vấn đề đã chín, đã rõ, có tính khả thi, không nóng vội, không vì lộ trình mà phải thông qua trong khi thực tiễn chưa giải quyết được, cần tiếp tục thể chế hóa các Nghị quyết số 19, 20 của Trung ương Đảng về “Xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập”, “lấy người bệnh làm trung tâm”, “y tế cơ sở là nền tảng”.
Với yêu cầu đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị ĐBQH tập trung thảo luận các nhóm vấn đề: về phạm vi điều chỉnh; về bố cục của dự thảo Luật; về thẩm quyền và điều kiện cấp Giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (chứng chỉ đào tạo, việc sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt…); hệ thống tổ chức cơ sở khám, chữa bệnh; cách thức chuyển tuyến, kết nối các tuyến khám, chữa bệnh; việc phân cấp đối với cơ sở y tế tư nhân; cơ chế tài chính, giá dịch vụ; xã hội hóa, tự chủ trong khám, chữa bệnh; quy định chuyên môn kỹ thuật; khám bệnh, chữa bệnh từ xa; y học gia đình...
|
Các vị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sẽ thảo luận, cho ý kiến về 6 dự án Luật, 1 dự thảo Nghị quyết (Ảnh: Phạm Thắng) |
Về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đề nghị các vị ĐBQH tập trung thảo luận, làm rõ: nhận diện các hành vi bạo lực gia đình; việc mở rộng với một số nhóm đối tượng không còn trong quan hệ hôn nhân, gia đình; về tư vấn, hòa giải và xử lý tin báo, tố giác vụ việc; bảo vệ, hỗ trợ người báo tin tố giác bạo lực gia đình, người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình; cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình và xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình; biện pháp cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và Tòa án; biện pháp “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng”.
Về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị ĐBQH cho ý kiến vào các nội dung: hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính; giải pháp đảm bảo tính độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động thanh tra; việc thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành tại Tổng cục, Cục thuộc Bộ và tại cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác của Nhà nước được giao thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước; tiêu chí thành lập cơ quan thanh tra tại một số sở và thẩm quyền thành lập Thanh tra sở của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; quy trình thanh tra, cơ chế phối hợp, xử lý để tránh chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra, kiểm toán…
Về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đây là dự án khó, phức tạp, nội dung sửa đổi nhiều, nhưng dự kiến được xem xét, thông qua theo quy trình 01 kỳ họp nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng; nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và phòng, chống tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt trên cơ sở bảo đảm phù hợp với bối cảnh, điều kiện của Việt Nam, bảo đảm an ninh tiền tệ, an toàn tài chính quốc gia và phù hợp với các Hiệp định đã ký kết, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có các khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF).
Với tinh thần thận trọng, cầu thị, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị ĐBQH tập trung thảo luận về: các điều kiện cần và đủ để trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật theo quy trình 01 kỳ họp; tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật và tương thích với các cam kết, điều ước quốc tế; tính khả thi khi triển khai thực hiện; các quy định về đối tượng báo cáo; quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền; báo cáo giao dịch đáng ngờ, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong phòng, chống rửa tiền…
Về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội khẳng định việc tiếp tục đổi mới, cải tiến quy trình, cách thức tiến hành kỳ họp - hình thức hoạt động chủ yếu, quan trọng nhất của Quốc hội - là nhân tố quan trọng đóng góp vào quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Theo đó, đề nghị các vị ĐBQH, nhất là những đại biểu có kinh nghiệm hoạt động lâu năm tại Quốc hội, tập trung cho ý kiến về: quyền tranh luận của ĐBQH; nguyên tắc, tiêu chí tranh luận trong hoạt động chất vấn; tiêu chí, điều kiện để Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên họp được linh hoạt điều chỉnh, rút ngắn thời gian phát biểu của ĐBQH, mời ĐBQH phát biểu, chất vấn, tranh luận không theo thứ tự đã đăng ký; thẩm quyền tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết về các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội; nội dung, quy trình, thủ tục xây dựng Nghị quyết kỳ họp của Quốc hội…
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị ĐBQH chuyên trách với tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri và đất nước, tham gia đầy đủ các phiên họp, thể hiện rõ vai trò cầu nối giữa thực tiễn với lý luận, giữa tâm tư, nguyện vọng của cử tri, Nhân dân với các quyết sách trình Quốc hội xem xét thông qua; tranh thủ tối đa thời gian, cơ hội để nghiên cứu, trao đổi, tranh luận, phản biện với cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nhằm đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, sâu sắc về các dự thảo.
“Các ý kiến của các ĐBQH chuyên trách sẽ là cơ sở quan trọng để các cơ quan hữu quan tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật với mục tiêu đảm bảo chất lượng cao nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 4” - Chủ tịch Quốc hội phát biểu./.