|
Đồng chí Lê Đức Thọ, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre cho biết: Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ phát triển năng lượng tái tạo, phát triển nhanh và bền vững. (Ảnh: Báo Đồng Khởi) |
Nằm trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Bến Tre là một trong những địa phương đã và đang chịu những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH) đến đời sống và sản xuất của người dân.
Mới đây, Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về BĐKH John Kerry dẫn đầu đoàn đến làm việc và khảo sát tại Bến Tre về tình hình BĐKH. Nhân sự kiện này, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với đồng chí Lê Đức Thọ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre về BĐKH và giải pháp ứng phó với BĐKH.
Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, Bến Tre xếp thứ 08 trong 63 tỉnh thành chịu rủi ro cao của BĐKH, đồng chí có thể chia sẻ cụ thể hơn về những tác động tiêu cực của BĐKH tại tỉnh trong thời gian qua?
Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ: Bến Tre là một trong 13 tỉnh/thành thuộc đồng bằng sông Cửu Long, nằm ở hạ lưu sông MeKong, tiếp giáp với Biển Đông, được hợp thành bởi ba dãy cù lao (Cù lao Minh, Cù lao Bảo và Cù lao An Hóa) do phù sa của 4 nhánh sông lớn: sông Tiền, sông Ba Lai, sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên bồi đắp. Diện tích tự nhiên là 2.360km2, với bờ biển dài 65km; cao độ địa hình các vùng đất ven sông, ven biển thấp, hệ thống sông ngòi dày đặc; kinh tế phát triển trên nền tảng sản xuất nông nghiệp nên Bến Tre được đánh giá rủi ro cao do tác động BĐKH và nước biển dâng.
Trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây (từ năm 2010 đến nay) dưới tác động của BĐKH, Bến Tre là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các yếu tố thiên tai diễn biến bất thường như xâm nhập mặn, khô hạn, triều cường, sạt lở, bão tác động tiêu cực đến đời sống sinh hoạt của người dân, phát triển kinh tế của tỉnh.
Cụ thể, vào cuối năm 2015 đầu năm 2016, nồng độ mặn 4‰ đã xâm nhập cách các cửa sông từ 60 km và độ mặn từ 1 - 2‰ xâm nhập hầu như toàn bộ diện tích của tỉnh (thiệt hại 20.356 ha lúa; 458 ha hoa màu; 151.357 cây giống; 5.240 ha cây ăn trái; 1.302 ha cây công nghiệp; 1.380.115 cây hoa kiểng các loại; 1.783 ha thủy sản; 41.325 hộ dân bị thiếu nước ngọt; hoạt động của 400 doanh nghiệp, bệnh viện, khu công nghiệp).
Đến cuối năm 2019 đầu năm 2020, xâm nhập mặn trên các sông chính trong tỉnh diễn biến phức tạp, mặn xâm nhập nhanh và sâu vào nội đồng hơn đợt hạn mặn lịch sử mùa khô năm 2015 - 2016, độ mặn trên 4% xâm nhập đến vùng trồng cây ăn trái huyện Chợ Lách của tỉnh, và hơn 2% trên phạm vi toàn tỉnh (thiệt hại: 5.287 ha lúa Đông xuân (diện tích sản xuất ngoài kế hoạch); 168 ha rau, màu; ảnh hưởng 27.985 ha cây ăn trái, 600 ha cây giống và 1,2 triệu cây hoa kiểng các loại, 3.097,24 ha nuôi thủy sản; nước cấp từ các nhà máy nước cho người dân khoảng 5% không thể dùng nấu ăn, sinh hoạt; thiếu nước sinh hoạt là 86.896 hộ.
Mặt khác, các đợt triều cường có xu hướng tăng ở mức cao, cụ thể như đợt triều cường vào cuối tháng 9 đầu tháng 10/2019, mực nước triều trên địa bàn tỉnh lên rất cao, tại một số trạm đo đã vượt mức đỉnh triều lịch sử năm 2013, gây ảnh hưởng đến 27 km đê bao, bờ bao, 40 km đường giao thông nông thôn, gây ngập trên 700 ha đất sản xuất, cây giống, ao nuôi.
Triều cường dâng cao, nước biển dâng và giảm lượng phù sa về ĐBSCL dẫn đến tình trạng sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển gia tăng. Đến hiện tại, thống kê sơ bộ cho thấy, sạt lở bờ sông tổng chiều dài khoảng 115km gây hư hại nhà ở, mất đất của hàng trăm hộ dân. Xói lở bờ biển tổng chiều dài khoảng 21km làm mất khoảng 200ha đất, 54 ha rừng phòng hộ thuộc 03 huyện ven biển.
|
Bến Tre là tỉnh có lợi thế sẵn có 65 km bờ biển và tài nguyên gió phong phú (Ảnh minh họa: Báo tin tức) |
PV: Vậy chính quyền và nhân dân tỉnh Bến Tre có những giải pháp như thế nào để ứng phó với BĐKH, thưa đồng chí?
Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ: Bến Tre xác định ứng phó biến đổi khí hậu là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến phát triển bền vững. Thời gian qua, Bến Tre nhận được sự quan tâm của Trung ương, các tổ chức quốc tế giúp tỉnh trong ứng phó BĐKH. Tiêu biểu giai đoạn 2010 - 2015 qua Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó BĐKH do Chính phủ Đan Mạch tài trợ, giai đoạn 2015 - 2020 qua dự án Thích ứng BĐKH vùng ĐBSCL do Quỹ phát triển nông nghiệp thế giới (IFAD) tài trợ và các tổ chức khác như WB, JICA,... Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bến Tre cũng đã nỗ lực để triển khai các giải pháp ứng phó với BĐKH.
Tỉnh xác định vấn đề tài nguyên nước là cốt lõi để chủ động ứng phó BĐKH và xâm nhập mặn, Tỉnh ủy ban hành Chương trình 10-CTr/TU về quản lý, đảm bảo an ninh nguồn nước; nguồn cấp nước ngọt thích ứng với BĐKH giai đoạn đến 2030. Theo đó, Bến Tre tập trung triển khai một số công trình trọng điểm về thủy lợi như: Dự án Hệ thống thuỷ lợi Bắc Bến Tre, Dự án Hệ thống thuỷ lợi Nam Bến Tre và Dự án Quản lý nước tỉnh Bến Tre, Dẫn nước ngọt thô từ thượng nguồn về tỉnh qua Dự án cấp nước sinh hoạt cho dân cư khu vực Cù Lao Minh trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng (giai đoạn 2) Trạm bơm nước thô Cái Bè và hệ thống tuyến ống truyền tải, lập dự án và xây dựng các hồ chứa nước ngọt, dự án trữ nước ngọt, bảo đảm an ninh nguồn nước trên sông Ba Lai, Kênh Lấp,… lập hành lang bảo vệ nguồn nước, xây dựng đê bao ngăn mặn kết hợp đường giao thông nối liền các huyện biển Bình Đại - Ba Tri - Thạnh Phú (giai đoạn 02).... Đồng thời, tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo, thực hiện đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ, phục tráng, cải tạo, lai tạo các giống cây trồng, vật nuôi mới thích ứng với biến đổi khí hậu; điều chỉnh phương thức tổ chức sản xuất, phát triển mô hình kinh tế hữu cơ, tuần hoàn, tích hợp,... để chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và tình hình mới.
Bên cạnh đó, để triển khai đồng bộ công tác ứng phó BĐKH trên địa bàn, tỉnh Bến Tre đã ban hành Kế hoạch hành động ứng phó BĐKH giai đoạn năm 2021 - 2030 và Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH giai đoạn 2021 - 2030, bao gồm các mục tiêu về thích ứng và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện cam kết quốc gia tự quyết của Việt Nam kể từ năm 2021, cũng như hướng đến mục tiêu chung, cam kết của Việt Nam tại COP26 phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Một số các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính như: Đầu tư phát triển theo quy hoạch các nhà máy phát điện gió nối lưới; nhân rộng các mô hình nông nghiệp các-bon thấp; Phát triển nông nghiệp hữu cơ: xây dựng vùng sản xuất dừa hữu cơ tập trung; trồng bảo vệ rừng ven biển tỷ lệ che phủ rừng năm 2025 đạt 2,08%; trồng cây phân tán đạt bình quân trồng 5000 ngàn cây/năm;…
|
Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ trao đổi với Đặc phái viên John Kerry và Đoàn công tác Hoa Kỳ về vấn đề biến đổi khí hậu của tỉnh Bến Tre. (Ảnh: Thạch Thảo) |
PV: Như đồng chí chia sẻ, có thể thấy việc ưu tiên cho năng lượng sạch là một trong những giải pháp ứng phó BĐKH, đặc biệt trong chuyến thăm tỉnh mới đây, Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về biến đổi khí hậu John Kerry cũng nhấn mạnh đến vai trò của năng lượng sạch. Đồng chí có thể cho biết quan điểm của lãnh đạo tỉnh về vấn đề này? Thực tế vấn đề phát triển năng lượng sạch của Bến Tre hiện nay ra sao, thưa đồng chí?
Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ: Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về biến đổi khí hậu John Kerry đến thăm, khảo sát và đóng góp ý kiến để tăng cường hợp tác ứng phó BĐKH. Đây là công việc có ý nghĩa rất thiết thực, thể hiện sự chủ động của tỉnh về nội dung này, đồng thời, thể hiện sự quan tâm của Trung ương và quốc tế đối với tỉnh trong vấn đề ứng phó với BĐKH. Liên quan đến phát triển năng lượng sạch, Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050 ban hành theo Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định quan điểm thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” là cơ hội để phát triển bền vững, ưu tiên cao nhất trong các quyết sách phát triển, thực hiện chủ yếu thông qua chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ, phát triển năng lượng, phát triển kinh tế phát thải thấp.
Nhận thức được vai trò quan trọng của việc phát triển năng lượng sạch đối với biến đổi khí hậu, đồng thời với lợi thế sẵn có 65 km bờ biển và tài nguyên gió phong phú, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ phát triển năng lượng tái tạo, phát triển nhanh và bền vững; ngày 16/10/2020, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/ĐH, trong đó nhấn mạnh đến năm 2025 triển khai các dự án điện gió, phấn đấu có ít nhất 1.500 MW được đưa vào vận hành khai thác. Để hiện thực hóa mục tiêu nêu trên, ngày 29/01/2021 Tỉnh ủy tiếp tục ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về phát triển Bến Tre về hướng Đông giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030; Chương trình số 08-CTr/TU, ngày 29/01/2021 của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp chủ lực, lực lượng doanh nghiệp của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030, trong đó nhấn mạnh mục tiêu phát triển năng lượng sạch trong nhiệm kỳ, phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp từ điện chiếm 15% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, đồng thời huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng lưới điện truyền tải (220kV, 500kV) đồng bộ nhằm đáp ứng khả năng giải tỏa công suất các nhà máy điện gió lên lưới điện quốc gia.
Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Bến Tre đã được Chính phủ, Bộ Công thương phê duyệt vào quy hoạch 19 dự án điện gió với tổng công suất trên 1.000 MW (không có điện mặt trời). Ngoài ra, có 27 dự án điện gió khác được Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre trình Chính phủ, Bộ Công thương để cập nhật vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) với công suất trên 11.400 MW. Trong số 19 dự án điện gió đã được Chính phủ, Bộ Công thương phê duyệt vào quy hoạch đã được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp chủ trương đầu tư để nhà đầu tư thực hiện dự án, có 9/19 dự án đang triển khai ngoài thực địa, thi công lắp đặt hoàn thành với công suất 270 MW, trong đó có 5/9 dự án kịp công nhận vận hành thương mại trước ngày 31/10/2021 với công suất 270 MW. Hiện nay cơ chế hỗ trợ, ưu đãi giá mua điện gió quy định tại Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018 đã hết hiệu lực, nhưng chưa có chính sách mới thay thế nên các dự án còn lại chưa được các chủ đầu tư tiếp tục triển khai.
PV: Vậy, sắp tới Bến Tre sẽ thực hiện những giải pháp gì để thu hút đầu tư khai thác nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sự phát triển của tỉnh?
Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ: Tỉnh Bến Tre đang ưu tiên mời gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm như xây dựng và kinh doanh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ dừa, trái cây; chế biến sản phẩm chăn nuôi gia cầm, gia súc, thủy sản; phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp bán dẫn, công nghiệp công nghệ cao; gắn với kinh tế nông nghiệp, sinh thái sông nước, cộng đồng; phát triển các dự án đầu tư ngành kinh tế du lịch, xây dựng chợ, trung tâm thương mại, khu đô thị, khu dân cư; đặc biệt là phát triển các dự án năng lượng tái tạo. Để thu hút đầu tư khai thác nguồn năng lượng sạch phục vụ cho sự phát triển của tỉnh.
Cụ thể, thời gian tới tỉnh tập trung: Tăng cường phối hợp với Bộ Công thương, các đơn vị trực thuộc Bộ để cập nhật các dự án điện gió của tỉnh vào danh mục trong sơ đồ Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) và danh mục các dự án lưới điện truyền tải tương ứng, đồng bộ.
Phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Nam, các nhà đầu tư tiềm năng có giải pháp triển khai nhanh các công trình lưới điện truyền tải và phân phối, tăng khả năng truyền tải điện, phân phối điện, đáp ứng khả năng giải tỏa công suất các dự án điện cũng như nhu cầu sử dụng điện phục vụ phát triển trên địa bàn tinh
Lãnh đạo tỉnh cam kết đồng hành và luôn tạo tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân, nhà đầu tư triển khai các dự án năng lượng sạch trên địa bàn tỉnh nhà có hiệu quả và đạt kết quả tốt.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí./.