Biên chế do Chính phủ quản lý giảm 334.548 người

Thứ tư, 16/09/2020 21:24
(ĐCSVN) - Tính đến năm 2020, biên chế do Chính phủ quản lý đã giảm được 334.548 người; so với yêu cầu của Bộ Chính trị thì trong năm 2021 còn phải tiếp tục giảm 20.076 người.

Chiều 16/9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.

 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trình bày báo cáo (Ảnh: TTXVN)

Năm 2021, phải tiếp tục giảm 20.076 biên chế

Về lĩnh vực nội vụ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Chính quyền địa phương; đã ban hành 06 nghị định, 03 nghị quyết và đang tiếp tục hoàn thiện để ban hành 04 nghị định về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cán bộ, công chức.

Chính phủ đã rà soát, điều chỉnh, xác định rõ, cụ thể chức năng, nhiệm vụ của từng bộ, cơ quan ngang Bộ; giảm tối đa cấp trung gian, thu gọn đầu mối, giảm biên chế, giảm số lượng lãnh đạo cấp phó; sắp xếp lại tổ chức bộ máy ở một số lĩnh vực tổ chức theo ngành dọc.

Việc phân cấp, phân định thẩm quyền giữa Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ với chính quyền địa phương từng bước được hoàn thiện, hợp lý hơn; trên cơ sở quy định khung, điều kiện cụ thể, chính quyền địa phương tổ chức rà soát, sắp xếp tổ chức bên trong của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng thu gọn đầu mối; thí điểm hợp nhất  một số cơ quan có nhiệm vụ tương đồng ở cấp tỉnh, cấp huyện ở những nơi có đủ điều kiện.

Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng Kế hoạch biên chế công chức, thẩm định biên chế sự nghiệp hàng năm của Bộ, ngành, địa phương, bảo đảm mục tiêu chung đến năm 2021 tinh giản tối thiểu là 10% biên chế giao năm 2015. “Tính đến năm 2020, biên chế do Chính phủ quản lý đã giảm được 334.548 người; so với yêu cầu của Bộ Chính trị thì trong năm 2021 còn phải tiếp tục giảm 20.076 người” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin.

Tập trung giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo

Trong lĩnh vực thanh tra, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định, Chính phủ đã chỉ đạo tập trung giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo nhất là các vụ việc tồn đọng, phức tạp kéo dài. Đối với 16 vụ việc còn tồn đọng từ năm 2016, đến nay có 14 vụ việc đã được các cơ quan chức năng thực hiện theo kế hoạch; có 02 vụ việc đang tiếp tục rà soát, giải quyết. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục được thúc đẩy, có chuyển biến tích cực; tỷ lệ giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền năm 2019 đạt cao (86,2%) so với năm 2016 (78,6%). Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế về thanh tra, khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng tiếp tục được quan tâm...

Trong lĩnh vực giao thông vận tải, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm trật tự an toàn giao thông; rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch, đề án về bảo đảm an toàn giao thông, trong đó đã ban hành một số nghị định có tác động lớn đến xã hội như quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Tai nạn giao thông trên toàn quốc từ năm 2016 đến nay đã giảm cả 03 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương).

Đồng thời Chính phủ đã tập trung hoàn thiện thể chế đầu tư theo hình thức PPP, rà soát, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới hạ tầng giao thông và danh mục các dự án giao thông theo thứ tự ưu tiên đầu tư; thực hiện nghiêm túc chủ trương không đầu tư dự án BOT trên đường hiện hữu; rà soát tổng thể vị trí đặt trạm thu phí, chính sách miễn giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ; triển khai thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng; đẩy mạnh công tác truyền thông, cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật về các dự án đầu tư theo hình thức BOT, tạo sự đồng thuận của người dân…

Trong lĩnh vực y tế, đã tích cực triển khai Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013 - 2020; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho hệ thống y tế; tăng cường năng lực cho y tế cơ sở. Sau 5 năm triển khai Đề án tăng thêm 29.524 giường bệnh kế hoạch. Số lượng các đơn vị y tế tự bảo đảm chi thường xuyên ngày càng tăng; đã nghiên cứu, bổ sung các cơ chế đặc thù theo hướng đổi mới cơ chế tài chính, giá dịch vụ y tế, đổi mới phương thức quản lý đơn vị sự nghiệp công lập...

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương nỗ lực hơn nữa, tiếp tục triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội trong thời gian tới, nhất là những nội dung còn hạn chế, yếu kém.

Cũng trong phiên họp chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe các báo cáo của Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thông qua việc thay đổi thành viên Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực