Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Chỉ "chốt" tăng mức phạt tối đa trong một số trường hợp

Thứ tư, 10/06/2020 15:10
(ĐCSVN) – Thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định, Chính phủ chỉ “chốt” tăng mức phạt tối đa một số trường hợp chứ không phải tất cả các lĩnh vực.
Đoàn ĐBQH Đoàn TP Hà Nội thảo luận tại tổ (Ảnh: KT) 

Sáng 10/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Cân nhắc đề xuất đưa vào trường giáo dưỡng với người nghiện ma túy dưới 18 tuổi

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính và biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và nghiện ma túy.

Dự thảo Luật đề xuất quy định một cách tổng thể việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính và biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy hay nghiện ma túy. Trong đó, có quy định, đối với từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi nghiện ma túy thì áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng; nếu có nơi cư trú ổn định và đáp ứng một số các điều kiện theo quy định thì có thể xem xét áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính giáo dục dựa vào cộng đồng.

Về vấn đề này, đại biểu (ĐB) Nguyễn Hữu Chính (TP Hà Nội) cho rằng, đối với từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi nghiện ma túy thì áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng là không phù hợp. Bởi trường giáo dưỡng không phải cơ sở cai nghiện, không có chức năng chữa bệnh, cai nghiện ma túy. “Để các cháu không nghiện nữa, thì nên cân nhắc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc giáo dục tại nhà, phường xã”. – ĐB nêu quan điểm.

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (TP Hà Nội) tán thành việc quy định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và nghiện ma túy nhằm tăng cường quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong điều kiện Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, ĐB cũng cho rằng việc đưa vào cơ sở giáo dưỡng là không phù hợp.

Với việc dự luật bổ sung quy định ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm, ĐB cho rằng nên coi đây là biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính chứ không nên quy định đây là biện pháp cưỡng chế. “Điều này là cần thiết trong thực tiễn, phải có biện pháp rắn. Đây là biện pháp sẽ tăng thêm chế tài với các hành vi vi phạm hành chính, nhất là với những ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ”.

Phát biểu tại tổ, ĐB Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) đồng tình phải nghiên cứu nâng mức xử phạt trong một số lĩnh vực. Song theo ĐB, “Chính phủ phải tổng kết trên thực tiễn, thấy gì không phù hợp thì sửa. Tổng thể chung cần nghiên cứu để nâng mức phạt nhưng không có nghĩa là thời gian qua trên thực tế không đáp ứng yêu cầu là do luật”.

Chỉ cắt dịch vụ điện, nước trong trường hợp rất đặc biệt

Báo cáo thêm tại tổ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh, đây là một đạo luật hết sức quan trọng, nên kỳ này Quốc hội mới xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều. Yêu cầu cao nhất ở đây là cố gắng để xử lý một số vấn đề thực tế phát sinh trong quá trình quản lý, áp dụng pháp luật xử lý vi phạm hành chính nhưng cũng đảm bảo được sự dung hòa, đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích của người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng, bên cạnh phần lớn các nội dung đã thống nhất thì còn một số nội dung chưa thống nhất, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng gặp khó khăn trong thiết kế quy định.

Cụ thể, về áp dụng một số biện pháp cưỡng chế như cắt các dịch vụ điện, nước tại địa điểm xảy ra vi phạm, Bộ trưởng cho hay, về bản chất đã có sự thống nhất rằng đây là biện pháp áp dụng bổ sung để ngăn ngừa hoặc cưỡng chế thi hành một quyết định xử phạt hoặc áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, các ý kiến khác nhau ở chỗ nên coi biện pháp này là cưỡng chế hay là ngăn chặn?

Nhấn mạnh Chính phủ trình theo hướng đây là biện pháp cưỡng chế, Bộ trưởng cho biết, các biện pháp khắc phục hiện đang quy định trong Luật xử lý vi phạm hành chính thì chưa có biện pháp cưỡng chế đối với trường hợp đối tượng không chấp hành quyết định có áp dụng các hình thức xử phạt vi phạm hành chính như đình chỉ hoạt động có thời hạn. “Cố gắng thiết kế chỉ áp dụng biện pháp này trong phạm vi áp dụng rất ít, hẹp, trong một số trường hợp rất đặc biệt. Tuy nhiên, vẫn còn những ý kiến khác nhau nên Chính phủ muốn lắng nghe ý kiến đại biểu Quốc hội” – Bộ trưởng phát biểu.

Về tăng mức phạt tối đa, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ báo cáo Quốc hội chủ yếu trên cơ sở đề xuất của các cơ quan quản lý, đặt biệt là của các địa phương, các đại biểu QH trong nhiều phát biểu cũng cho rằng trong một số trường hợp, mức phạt tối đa chưa đủ sức răn đe. Đồng thời, qua đánh giá tác động cũng như thực tế cần thiết của các cơ quan quản lý, Chính phủ chỉ “chốt” một số trường hợp chứ không phải tất cả các lĩnh vực. Bộ trưởng nhắc lại, Chính phủ sẵn sàng lắng nghe ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc cần thêm hay bớt đi bao nhiêu để điều chỉnh cho phù hợp.

Cuối cùng, về vấn đề xử lý đối với người sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy, Bộ trưởng nhấn mạnh, Luật hiện hành chưa quy định biện pháp xử lý hành chính. Vì vậy, Chính phủ đưa biện pháp này vào với tinh thần quản lý sớm đối tượng này.

Bộ trưởng phân tích, đối với người nghiện ma túy, hiện đã có quy định nhưng theo phản ánh của các địa phương thì trình tự, thủ tục rườm rà, phức tạp, khó áp dụng nên giờ cắt đi theo hướng dễ áp dụng hơn.

Tuy nhiên, vấn đề này cũng có nhiều ý kiến khác nhau về xử lý người chưa thành niên từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi. Chính phủ đưa ra 2 nhóm khác nhau, nhóm thứ nhất phải có biện pháp xử lý trong Luật để bảo đảm không có khoảng trống pháp luật, quản lý và bảo đảm được lợi ích cho các em. Bởi báo cáo của Bộ Công an, các bộ, ngành liên quan, địa phương cho thấy tỷ lệ người chưa thành niên sử dụng trái phép, nghiện ma túy rất lớn nên phải có biện pháp quản lý. Sau này, sẽ xử lý đồng bộ với Luật Phòng chống ma túy.

Nhóm thứ hai cho rằng, chưa bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho các em, nhất là theo cam kết của nước ta trong các công ước quốc tế về quyền trẻ em nên chưa hẳn là phương thức quản lý, giáo dưỡng các em. Do đó, Chính phủ đưa ra xin ý kiến của đại biểu Quốc hội./.

Tú Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực