Cả nước đang dần thích ứng an toàn với dịch COVID - 19

Thứ hai, 08/11/2021 20:39
(ĐCSVN) - Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, kể từ khi phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên, Việt Nam đã trải qua 3 đợt dịch và đang trong đợt thứ 4, với thực tế đợt dịch lần sau diễn biến phức tạp hơn đợt dịch lần trước. Tuy nhiên, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp về y tế, giãn cách xã hội bước đầu kiểm soát được số ca nhiễm và số ca tử vong, cả nước đang dần thích ứng an toàn với dịch.
Quốc hội thảo luận về kinh tế, xã hội và phòng, chống dịch COVID-19 

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều 8/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận về kinh tế, xã hội và phòng, chống dịch COVID-19. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, giải trình, làm rõ một số vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm.

Trong phiên thảo luận, các ý kiến đại biểu tập trung phân tích, đánh giá những kết quả đạt được, chỉ rõ tồn tại, hạn chế và đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch đối với các lĩnh vực cụ thể như: công tác chỉ đạo, điều hành, ban hành văn bản, trong đó bao gồm cả việc áp dụng các biện pháp và cơ chế đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19 và việc phân cấp trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; công tác y tế (nhân lực, y tế cơ sở, vắc xin, tiêm vắc xin phòng COVID-19, hệ thống điều trị, tăng cường năng lực cấp cứu và điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19...); tác động của dịch COVID-19 đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; các giải pháp của Trung ương và địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19; bảo đảm an sinh xã hội, việc làm, chăm lo sức khỏe và đời sống Nhân dân; truyền thông tạo sự đồng thuận trong Nhân dân; xã hội hóa trong công tác phòng, chống dịch; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong công tác đầu tư, mua sắm chi phí cho phòng chống dịch và các gói an sinh xã hội; thẩm quyền ban hành các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; các chế độ, chính sách đối với lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch; …

Tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19 còn hết sức cam go, gây ra những tổn thất nặng nề về kinh tế - xã hội. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cũng như tinh thần trách nhiệm của mỗi người dân, đến nay, tình hình dịch đã cơ bản được kiểm soát.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, trong giai đoạn đầy khó khăn này, sự sẻ chia của nhân dân cả nước là nguồn động viên to lớn đối với ngành y tế. COVID-19 là đại dịch chưa có trong tiền lệ, đang diễn biến rất phức tạp và gây tổn hại lớn về sức khỏe, tính mạng và kinh tế của tất cả quốc gia trên thế giới. Làn sóng dịch hiện nay với biến chủng Delta đã làm đảo lộn kết quả phòng, chống dịch của các nước trên thế giới.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội

Kể từ khi phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên, Việt Nam đã trải qua 3 đợt dịch và đang trong đợt thứ 4, với thực tế đợt dịch lần sau diễn biến phức tạp hơn đợt dịch lần trước. Tuy nhiên, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp về y tế, giãn cách xã hội, các địa phương ở tâm dịch đã bước đầu kiểm soát được số ca nhiễm và số ca tử vong, cả nước đang dần thích ứng an toàn với dịch.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng nhắc đến những tồn tại, hạn chế như đã nêu trong báo cáo của Chính phủ như: dự báo chưa sát thực tiễn; chỉ đạo, điều hành có lúc lúng túng, bị động, tổ chức thực hiện ở địa phương thiếu nhất quán, nhất là việc đi lại của người dân. Đặc biệt, hệ thống y tế bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là y tế cơ sở và y tế dự phòng…

Để ứng phó với đại dịch chưa có trong tiền lệ, các nước trên thế giới cũng như Việt Nam phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, điều chỉnh giải pháp chống dịch cho phù hợp thực tế.

Khái quát những kết quả bước đầu trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhắc đến sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, huy động mọi tầng lớp nhân dân chống dịch. Cùng với đó, nhiều kinh nghiệm quý và các giải pháp chuyên môn cũng được áp dụng như cách ly, điều trị F0 tại nhà, xét nghiệm thần tốc, phân tầng điều trị, thiết lập trạm y tế lưu động. Đồng thời, đã huy động lực lượng lớn nhân viên y tế, quân đội, công an vào TP Hồ chí Minh và các tỉnh phía Nam…

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định thời gian qua, Việt Nam triển khai chiến lược vắc xin rất hiệu quả từ mua, nhập khẩu, tổ chức nghiên cứu trong nước, mở rộng chiến lược tiêm chủng. Đến nay, Việt Nam đã có những thỏa thuận, đơn hàng, hợp đồng lên tới 200 triệu liều; đã tiếp nhận khoảng 125 triệu liều, và đang đẩy nhanh tốc độ đưa vắc xin về nước trong cuối năm nay để phục vụ người dân miễn phí.

Cùng với đó, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết: Chiến dịch tiêm chủng vắc xin cũng đang được triển khai rất thành công. Tính đến hết ngày 7/11, cả nước đã tiêm được hơn 90 triệu liều với hơn 83,8% số người từ 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều và hơn 40% số người từ 18 tuổi trở lên tiêm đủ 2 liều vắc xin. Số lượng vắc xin hiện tại đã bảo đảm đủ liều vào cuối năm nay; đồng thời triển khai kế hoạch tiêm mũi thứ 3 vào cuối năm nay và đầu năm sau.

Theo Bô trưởng Bô Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam là 1 trong 20 nước trên thế giới có số liều vắc xin tiêm chủng nhiều nhất, đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia và là 1 trong nhóm 3 nước có tốc độ tiêm nhanh nhất.

Trước những bất cập về hệ thống y tế cơ sở thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, đơn vị đang huy động vốn ODA để đầu tư cho hệ thống y tế xã, phường, thị trấn nhằm tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận với hệ thống y tế cơ sở. Cùng với đó, Chính phủ cũng như Bộ Y tế sẽ tổ chức lại mạng lưới hệ thống y tế cơ sở; đầu tư, thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực, có cơ chế, chính sách để hỗ trợ lực lượng y tế cơ sở.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội  

Tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, trong phiên thảo luận, các đại biểu đã đề cập đến 5 nhóm nội dung chính gồm: Các chính sách an sinh xã hội, phát triển các trụ cột chính của an sinh xã hội - bảo hiểm xã hội, chăm lo cho đội ngũ y tế, kết quả triển khai các gói hỗ trợ và đào tạo nhân lực, nguồn lao động và chăm lo phục hồi thị trường lao động.

Làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hệ thống an sinh xã hội của nước ta thời gian qua cơ bản đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Trong đó, chúng ta đã chủ động thực hiện các gói hỗ trợ kịp thời để giúp người lao động, người có công, người khó khăn do tác động của dịch COVID-19. Nhận định đại dịch ảnh hưởng rất lớn đến thị trường lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, sau gần một tháng thực hiện linh hoạt các chính sách, tình hình thị trường lao động đã khả quan. Nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã phục hồi 50-80% cơ sở sản xuất, khu công nghiệp.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, so với nhu cầu đáp ứng đơn hàng thì chúng ta còn thiếu lao động, nhưng không đến mức trầm trọng nhờ các giải pháp kịp thời. Nếu dịch COVID-19 được kiểm soát thì hết quý I hoặc đầu quý II-2022, chúng ta có thể phục hồi thị trường lao động. Vì thế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ thị trường lao động, trong đó có hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và đào tạo việc làm.

Ngày mai (9/11) Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về các báo cáo kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực