Các cơ chế, chính sách đặc thù phải bảo đảm tính vượt trội, đặc thù từng vùng miền

Thứ sáu, 22/10/2021 14:00
(ĐCSVN) - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh nội dung trên khi cho ý kiến tại phiên thảo luận của Quốc hội tại Tổ về việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, sáng 22/10.

Theo Tờ trình Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép các tỉnh Thừa Thiên Huế, Nghệ An được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp; thành phố Hải Phòng, tỉnh Thanh Hóa được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách các tỉnh, thành phố do Quốc hội quyết định hằng năm.

Nhất trí các đề xuất này, ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cho rằng quy định như vậy sẽ góp phần tạo dư địa để thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế có thể huy động tối đa nguồn lực, thúc đẩy đột phá trong phát triển. Trước lo ngại của một số đại biểu về việc áp dụng cơ chế này có làm tăng mức tổng dư nợ vay quốc gia hay không, ĐBQH Nguyễn Trường Giang cho rằng, điều quan trọng là, hàng năm Quốc hội đều quyết định dự toán ngân sách, trong đó có trần nợ công và trần nợ vay của các địa phương nên vẫn kiểm soát được.

Liên quan đến cơ chế, chính sách về quản lý đất đai, các ĐBQH thống nhất quy định của dự thảo Nghị quyết giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng và đất rừng phòng hộ đầu nguồn với quy mô trên 50 héc ta; đất trồng lúa 2 vụ trở lên với quy mô trên 500 héc ta.

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ. Ảnh: TH. 

Đề cập đến tổ chức bộ máy ở 4 tỉnh, thành phố thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, ĐBQH Bùi Văn Cường (Hải Dương) cho biết, hiện nay chúng ta quy định cấp phó ở các sở, ngành, địa phương đều là 3 người. Nhưng, chính sách đặc thù đối với các địa phương có diện tích rộng, dân số đông cần tăng thêm cấp phó so với số đã quy định, tạo điều kiện cho các địa phương này giải quyết nhiệm vụ, yêu cầu của địa bàn đặt ra. Do đó, nên chăng cũng có chính sách đặc thù về con người, tức là tăng thêm cấp phó cho các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, nhằm thúc đẩy sự phát triển của các địa phương này.

Theo ĐBQH Nguyễn Xuân Thắng (Quảng Ninh), trên tinh thần xây dựng cơ chế đặc thù cho các địa phương này cần suy nghĩ để có cơ chế đặc thù cho một số các tỉnh khác nhằm phát huy được tiềm năng, lợi thế, đặc điểm và khắc phục tình trạng một chính sách chung cho tất cả các địa phương có điều kiện kinh tế, xã hội khác nhau.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, các cơ chế, chính sách đặc thù phải bảo đảm tính vượt trội, đặc thù cho từng vùng miền, với mục tiêu phải tạo động lực phát triển, nếu không sẽ không tạo sự đột phá. Và cơ chế ở đây không phải là "Trung ương lấy tiền của các tỉnh khác mà là cho điều kiện để các tỉnh vượt lên".

Một số ý kiến cũng đề nghị tiếp tục nghiên cứu để có cơ chế đặc thù mới khác về ưu đãi đầu tư, tổ chức bộ máy, biên chế, số lượng cấp phó, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin… phù hợp với yêu cầu phát triển và đem lại giá trị gia tăng cho các địa phương../.

Vy Thảo

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực