Cần 6.000 tỷ đồng từ nay đến năm 2020 để giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành

Thứ hai, 02/10/2017 21:14
(ĐCSVN) - Chiều ngày 2/10, Ủy ban Kinh tế phối hợp với Ủy ban Tài chính – Ngân sách tổ chức phiên họp giải trình với chủ đề “Tình hình triển khai thực hiện Luật Đầu tư công và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020”.

 

Phiên giải trình chiều 2/10 (Ảnh: KT)


Báo cáo tình hình triển khai thực hiện Luật Đầu tư công và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, triển khai Luật Đầu tư công và các nghị định hướng dẫn thi hành đã ngăn ngừa được sự tùy tiện, chủ quan, duy ý chí trong việc quyết định chủ trương đầu tư; đã phân cấp cho các bộ, ngành và địa phương trong quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án, đi đôi với các chế tài nâng cao trách nhiệm của người ra quyết định đầu tư.

Sau 3 năm thực hiện Luật Đầu tư công đã đạt được nhiều kết quả tích cực như: Nâng cao nhận thức về trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong quản lý đầu tư công; việc quản lý đầu tư công ngày càng chặt chẽ, công khai và minh bạch hơn; tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản được kiểm soát chặt chẽ…

Tuy vậy, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, “Luật Đầu tư công là một luật mới, ban hành lần đầu tiên trong lĩnh vực đầu tư công, có liên quan trực tiếp đến quyền lợi, lợi ích, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của tất cả các bộ, ngành và địa phương. Do vậy khó tránh khỏi những khó khăn khi thực hiện những quy định mới, những vướng mắc về cách hiểu, cách làm cũng như còn một số nội dung cần phải nhìn nhận và hoàn thiện sau một thời gian triển khai thực hiện”.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Đầu tư công chủ yếu tập trung vào 11 nhóm vấn đề như: về phân loại dự án đầu tư; về tiêu chí phân loại dự án nhóm A; về phê duyệt chủ trương đầu tư dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP); về thẩm quyền quyết định đầu tư dự án đầu tư công; về việc điều chỉnh dự án…

Đáng chú ý, đánh giá tình hình giải ngân vốn đầu tư công Bộ trưởng cho biết, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước trong 9 tháng đầu năm 2016 (đạt 50,8% kế hoạch Quốc hội thông qua) và 9 tháng đầu năm 2017 (đạt 46,7% kế hoạch Quốc hội thông qua) chậm so với yêu cầu. Về nguyên nhân, Bộ trưởng chỉ ra 5 nhóm nguyên nhân chủ yếu: quy định trình tự, thủ tục đầu tư công chặt chẽ hơn; thủ tục đầu tư xây dựng sau khi giao kế hoạch còn mất nhiều thời gian; thủ tục thanh quyết toán vốn có nhiều đặc thù; công tác giải phóng mặt bằng và năng lực quản lý; thời tiết mưa nhiều, bão lũ ảnh hướng đến tiến độ thi công.

Bộ trưởng khẳng định: “Những quy định chặt chẽ của Luật Đầu tư công chỉ là một phần nguyên nhân và chỉ tác động đến những khâu trước khi giao kế hoạch vốn đầu tư công. Điều này cơ bản sẽ được tháo gỡ khi Luật đi vào cuộc sống và các đối tượng liên quan làm quen dần với những trình tự, thủ tục mới. Thúc đẩy giải ngân cần có giải pháp đồng bộ hơn, giải quyết cơ bản các nhóm nguyên nhân”.

Với ý kiến giải trình của Bộ trưởng về nguyên nhân dẫn đến tiến độ giải ngân chậm, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng đây chỉ hoàn toàn những nguyên nhân khách quan. “5 nguyên nhân này chưa thể dẫn đến giải ngân đầu tư công chậm, đề nghị Bộ trưởng nói rõ ở đây có nguyên nhân chủ quan nào đến từ phía các cơ quan, đơn vị tham gia trong quá trình đầu tư” – ông đề nghị.

Đáp lại, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh nguyên nhân giải ngân chậm có nhiều bao gồm cả chủ quan và khách quan. Tuy nhiên do tập hợp trên những vướng mắc, khó khăn từ báo cáo của các bộ, ngành, địa phương nên chưa đầy đủ, rõ ràng nguyên nhân nào là khách quan, nguyên nhân nào là chủ quan. Bộ trưởng cũng chỉ ra, giải ngân thường rất chậm ở giai đoạn đầu năm, còn ở giai đoạn cuối sẽ nhanh hơn.

Tại phiên giải trình, nhiều ý kiến đề cập đến nguồn vốn phục vụ cho công tác giải phóng mặt bằng cho dự án sân bay Long Thành. Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trước đây con số 5.000 tỷ phục vụ cho giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành chỉ là mức dự kiến, hoàn toàn chưa có báo cáo đánh giá tác động, báo cáo khả thi nên chưa thể xác định ngay nguồn cho dự án này là bao nhiêu. Hiện tỉnh, Đồng Nai đã lập báo cáo khả thi và dự kiến cần 23.000 tỷ phục vụ giải phóng mặt bằng cho Sân bay Long Thành. Tuy vậy trong kế hoạch trung hạn chưa có nguồn bổ sung cho con số này. “Theo dự kiến đến năm 2020 cần khoảng 11.000 tỷ, như vậy nếu dự án được phê duyệt, để giải phóng mặt bằng thì từ nay đến năm 2020 còn thiếu 6.000 tỷ” – Bộ trưởng nhấn mạnh./.

 

 

 

 

 

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực