Cần tập hợp nỗ lực của cả cộng đồng quốc tế cho vấn đề khí hậu toàn cầu (*)

Thứ tư, 24/02/2021 17:03
(ĐCSVN) - Ngày 23/2/2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và phát biểu tại phiên Thảo luận mở Cấp cao trực tuyến của HĐBA LHQ với chủ đề “Giải quyết các nguy cơ đối với hoà bình và an ninh quốc tế liên quan đến khí hậu”. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.
leftcenterrightdel

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Phiên thảo luận mở
Cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Thưa Ngài Chủ tịch,

Tôi đánh giá cao sáng kiến của Chính phủ Anh và Ngài Chủ tịch, Thủ tướng Bô-rít Giôn-sơn trong việc tổ chức cuộc họp hôm nay của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về chủ đề rất quan trọng là “Giải quyết các nguy cơ đối với hoà bình và an ninh quốc tế liên quan đến khí hậu”. Xin cám ơn Ngài An-tô-ni-ô Gu-tê-rét, Tổng Thư ký Liên hợp quốc và các báo cáo viên khác vừa trình bày nhiều thông tin, khuyến nghị hữu ích và thiết thực.

Thưa Ngài Chủ tịch, Trái đất, hành tinh xanh, ngôi nhà chung của chúng ta đang phải chịu những tác động khốc liệt của biến đổi khí hậu. Năm 2020 là một trong ba năm nóng nhất từng được ghi nhận trong lịch sử hiện đại với những tác động dồn dập, nghiêm trọng của lũ lụt, hạn hán, cháy rừng, nước biển dâng, cùng với đó là bùng phát khủng khiếp chưa từng có của đại dịch COVID-19.

Tất cả những điều tồi tệ này đã đè nặng lên đời sống chính trị, kinh tế xã, hội của các quốc gia, gây thất nghiệp, đói nghèo, đe dọa sinh kế hàng trăm triệu người dân, tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn hoặc làm trầm trọng hơn các xung đột hiện có ở không ít quốc gia, khu vực, từ đó đe doạ môi trường hòa bình, an ninh quốc tế. Hơn nữa, chính xung đột và bất ổn lại là căn nguyên làm suy yếu thêm năng lực tự cường của các quốc gia, tước đi những nguồn lực quý báu lẽ ra được dành cho ứng phó với các thách thức biến đổi khí hậu.

Trước tình hình đó, tôi xin khuyến nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, với sứ mệnh hàng đầu là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, cần tập hợp nỗ lực của cả cộng đồng quốc tế cùng hành động quyết liệt với các giải pháp căn cơ sau:

Thứ nhất, có cách tiếp cận toàn diện, cân bằng khi xử lý mối liên hệ giữa các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống trên toàn cầu, nhất là loại bỏ các nguyên nhân gốc rễ của xung đột như nghèo đói, bất bình đẳng, hành động chính trị cường quyền và can thiệp, áp đặt đơn phương. Tuân thủ nghiêm túc Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế phải thực sự trở thành chuẩn mực hành xử của các quốc gia trong quan hệ quốc tế.

Thứ hai, để thực hiện hiệu quả Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững (SDG-2030), Công ước khung của LHQ về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) và Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu (COP-21), Hội đồng Bảo an và cộng đồng quốc tế cần dành thêm nguồn lực để hỗ trợ các nước đang phát triển, chậm phát triển, quốc đảo nhỏ, nước không có biển đang phải chịu tác động biến đổi khí hậu nặng nề nhất nhưng lại thiếu nghiêm trọng về chuyên môn, nguồn lực.

Thứ ba, rất mong Hội đồng Bảo an tiếp tục tăng cường năng lực cảnh báo, trung gian hòa giải, ngăn ngừa và giải quyết xung đột tại các khu vực, trong đó có phương thức thông qua hợp tác chặt chẽ với các tổ chức khu vực.

Thứ tư, để giải quyết hài hòa mối liên hệ giữa khí hậu và an ninh, cần tiếp tục bảo đảm các nguyên tắc tôn trọng chủ quyền, quyền tự chủ và trách nhiệm chủ đạo của quốc gia. Lợi ích chung của cộng đồng và mọi người dân, nhất là các nhóm dễ bị tổn thương phải được đặt ở vị trí trung tâm trong các chiến lược, kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu ở cấp độ quốc gia và toàn cầu.

Thưa Ngài Chủ tịch,

Theo WB, Việt Nam là Top 6 quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, do đó chủ động thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu là chủ trương lớn, quyết tâm chính trị cao của Nhà nước Việt Nam. Chúng tôi nỗ lực thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu (SDG-2030, COP-21) và ủng hộ mọi nỗ lực giải quyết các thách thức về biến đổi khí hậu tại Hội đồng Bảo an và các diễn đàn đa phương khác. Chúng tôi mong nhận được sự hỗ trợ nguồn lực của cộng đồng quốc tế để thực hiện tốt hơn các cam kết của mình. Việt Nam hợp tác chặt chẽ với các nước ASEAN và tích cực ủng hộ hợp tác giữa ASEAN và Liên hợp quốc.

Thưa Ngài Chủ tịch, Dù Thế giới đang phải căng ra để ứng phó với đại dịch Covid-19, nhưng hưởng ứng lời kêu gọi của ngài Tổng Thư ký Liên hợp quốc: “Tạo lập hoà bình với thiên nhiên là nhiệm vụ trọng tâm của thế kỷ 21”, chúng ta cần tăng cường hành động và đoàn kết quốc tế và tôi tin rằng những “thách thức” của biến đổi khí hậu hoàn toàn có thể trở thành “động lực” của sự thay đổi, góp phần xây dựng một tương lai hòa bình và phát triển bền vững hơn cho các thế hệ mai sau.

Xin trân trọng cảm ơn./.

-----------------------

(*) Đầu đề của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực