Chính phủ đề xuất 8 cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ các Chương trình mục tiêu quốc gia

Thứ hai, 08/01/2024 16:50
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Chính phủ đề xuất 8 chính sách đặc thù vượt thẩm quyền của Chính phủ nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới.

Chiều 8/1, tại Phiên họp thứ 29, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiến thành xem xét, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG).

Toàn cảnh phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chiều 8/1 

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các CTMTQG.

Dự thảo Nghị quyết đề xuất 8 cơ chế đặc thù gồm: Phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên NSNN hàng năm; điều chỉnh dự toán NSNN, kế hoạch đầu tư vốn hàng năm của CTMTQG; cho phép UBND cấp tỉnh được ban hành quy định về thủ tục hành chính trong lựa chọn dự án phát triển; sử dụng NSNN trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hoá phục vụ hoạt động phát triển sản xuất; quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; uỷ thác vốn tự cân đối của ngân sách địa phương qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội; thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG; giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, đầu tư vốn hàng năm đối với dự án đầu tư quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp.

Cụ thể, về cơ chế phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm, Chính phủ đề xuất cơ chế đặc thù: Quốc hội quyết định phân bổ dự toán; Thủ tướng Chính phủ giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm thực hiện từng CTMTQG cho các địa phương theo tổng kinh phí từng chương trình. HĐND cấp tỉnh quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ hằng năm của từng CTMTQG chi tiết đến dự án thành phần.

Về cơ chế điều chỉnh dự toán NSNN, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm của CTMTQG, Chính phủ đề xuất cho phép: HĐND cấp tỉnh được điều chỉnh dự toán ngân sách NSTW hỗ trợ năm 2024 và dự toán các năm 2021, 2022, 2023 được kéo dài sang năm 2024 theo nguyên tắc không vượt quá tổng dự toán đã được cấp có thẩm quyền giao. UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo thẩm quyền phân cấp, quyết định việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn của các năm 2021, năm 2022, năm 2023 được kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân sang năm 2024 trong tổng mức vốn đã được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch.

Về cơ chế sử dụng NSNN trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hoá phục vụ hoạt động phát triển sản xuất, Chính phủ đề xuất quy định chủ dự án phát triển sản xuất (doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, người dân) khi được giao thực hiện việc mua sắm hàng hóa từ nguồn vốn hỗ trợ của NSNN cũng được tự quyết định phương thức mua sắm hàng hoá thuộc nội dung dự án hỗ trợ phát triển sản xuất (không bắt buộc thực hiện đấu thầu trong mua sắm hàng hoá). Các trường hợp cơ quan nhà nước trực tiếp thực hiện việc mua sắm hàng hoá và bàn giao lại cho chủ dự án hoặc hỗ trợ trực tiếp cho người dân trong thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất phải thực hiện đấu thầu mua sắm hàng hoá theo quy định Luật Đấu thầu…

Phát biểu tại phiên họp, các ý kiến đồng tình với việc Chính phủ và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội báo cáo với Quốc hội ban hành Nghị quyết quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ các CTMTQG theo đề xuất của Đoàn giám sát của Quốc hội.

Về tên gọi của Nghị quyết, nhiều ý kiến đồng tình sử dụng tên gọi là Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, như vậy sẽ ngắn gọn hơn, không nên dùng từ “thí điểm” vì thời gian thực hiện các Chương trình chỉ còn 2 năm và các chính sách tương đối rõ, dùng từ “đặc thù” hợp lý hơn.

Nêu ý kiến, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị chọn lọc các cơ chế, chính sách thiết thực và cần thiết, rà soát kỹ lưỡng các nội dung quy định để khi Nghị quyết của Quốc hội được ban hành có thể thực hiện được ngay, đảm bảo đúng mục tiêu là tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các Chương trình đạt được theo yêu cầu.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp 

Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định sự cần thiết của Nghị quyết và ghi nhận vai trò tích cực của Chính phủ, của các cơ quan thẩm tra. Nhấn mạnh một số nội dung, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát để thể hiện tên gọi một cách ngắn gọn. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh nguyên tắc: cơ chế, chính sách đặc thù nhưng không được trái với những chủ trương, đường lối của Đảng; phải phù hợp với Hiến pháp, các thỏa thuận quốc tế.

Đề cập đến việc phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Nếu như chính sách không phát huy tác dụng ngay trong giai đoạn hiện nay, không giúp gì cho quá trình xây dựng nội dung chương trình thời gian tới thì sẽ để quy định trong Nghị quyết của Quốc hội khi phê chuẩn CTMTQG trong giai đoạn mới. 

Trường hợp giải quyết những vấn đề trước mắt, vừa có tác dụng làm một chủ trương chính thức hóa để cho các cơ quan của Chính phủ khi xây dựng chương trình mới thì quy định trong nghị quyết này để có căn cứ triển khai. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục làm rõ hơn nữa trong hồ sơ trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Đồng tình với các ý kiến phát biểu của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang trân trọng cảm ơn Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng tình ủng hộ để Chính phủ hoàn thiện hồ sơ trình tại phiên họp này. 

Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, Chính phủ sẽ nỗ lực hoàn thiện các công việc còn lại đáp ứng các yêu cầu đề ra trong thời gian sớm nhất, đồng thời bày tỏ mong muốn Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục ủng hộ để qua phiên họp này sẽ đề ra được chính sách tháo gỡ, giúp ba Chương trình mục tiêu quốc gia có thể được triển khai hiệu quả, về đích đúng hạn. Việc tháo gỡ cần được thực hiện triệt để, toàn diện, “tới nơi, tới chốn”, để tránh đối mặt với những khó khăn khác. Với những vấn đề chưa rõ, nếu cần có thể đi đến đồng thuận về nguyên tắc để tạo điều kiện thuận lợi cho Chính phủ và các địa phương chuẩn bị, đưa ra quyết định đúng đắn để tiếp tục tháo gỡ việc thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia này./.

Tú Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực