Chính thức áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024

Thứ tư, 29/11/2023 09:05
(ĐCSVN) - Sáng 29/11, với 462/463 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2024, áp dụng từ năm tài chính 2024.

Nghị quyết gồm 8 điều, quy định việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung đối với người nộp thuế theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

Trước khi bấm nút thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh đã báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết.

Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết (Ảnh: QH) 

Theo đó, giải trình về vấn đề môi trường đầu tư, Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh cho biết, đúng như ý kiến của các đại biểu Quốc hội, hiện nay Chính phủ chưa có đánh giá tổng thể về hệ thống ưu đãi, khuyến khích đầu tư, bao gồm các ưu đãi qua thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cũng như các biện pháp phi thuế để xây dựng phương án thay thế sau khi thuế TTTC (tối thiểu toàn cầu) đi vào thực hiện. 

Luật Thuế TNDN chưa được sửa đổi nên sau khi Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, các tập đoàn đa quốc gia có đầu tư mới vào Việt Nam sẽ bị điều chỉnh bởi Luật Thuế TNDN và cả Nghị quyết này, theo đó nhà đầu tư trước tiên sẽ vẫn được hưởng ưu đãi miễn giảm theo quy định của Luật Thuế TNDN hiện hành, sau đó sẽ phải nộp lại khoản ưu đãi miễn giảm thuế này theo quy định của Nghị quyết về thuế TTTC và đồng thời có thể sẽ lại được xử lý hỗ trợ bổ sung ngoài thuế. 

Hiện nay, Chính phủ mới chỉ hoàn thành dự án Nghị quyết này để ban hành ngay, giải quyết vấn đề nộp thuế TTTC cho các nhà đầu tư hiện hành; bài toán về chế độ thuế đối với các nhà đầu tư mới sẽ cần phải được Chính phủ tiếp tục giải quyết khi sửa đổi Luật Thuế TNDN. Vì vậy, UBTVQH đề nghị Chính phủ triển khai đánh giá một cách tổng thể hệ thống chính sách ưu đãi thuế hiện nay và khẩn trương xây dựng dự án sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNDN cùng với phương án điều chỉnh hệ thống thuế suất và ưu đãi thuế một cách phù hợp. 

Cũng theo Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội là rất xác đáng khi cho rằng, đồng thời với việc thực hiện thuế TTTC, cần thiết phải có những chính sách hỗ trợ đầu tư mới, thay thế cho các ưu đãi thuế sẽ không còn hiệu quả trên thực tế để các nhà đầu tư có thể yên tâm về môi trường đầu tư tại Việt Nam và thu hút được các nhà đầu tư lớn, chiến lược, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước. Điều này cũng phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 và Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới của Ban Chấp hành Trung ương. Để có thể xử lý một cách phù hợp đối với vấn đề duy trì môi trường đầu tư khi thực hiện thuế TTTC, trong thời gian giữa hai đợt họp vừa qua, UBTVQH đã khẩn trương phối hợp với Chính phủ và các cơ quan liên quan để tìm kiếm và xác định phương án xử lý phù hợp. Ngày 15/11/2023, Chính phủ đã có Báo cáo số 45/BC-CP báo cáo về tình hình xây dựng dự thảo Nghị quyết thí điểm về chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, trong đó có kiến nghị việc thành lập một quỹ để thực hiện các biện pháp hỗ trợ đầu tư. 

Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh cho biết, căn cứ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, sau khi trao đổi, thống nhất với Chính phủ và căn cứ Báo cáo số 45/BC-CP của Chính phủ, UBTVQH xin Quốc hội cho phép không ban hành một Nghị quyết riêng về chính sách hỗ trợ đầu tư mà đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 6 nội dung: “Đồng ý chủ trương, giao Chính phủ trong năm 2024 xây dựng dự thảo Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác để ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi ban hành. Đồng thời, rà soát tổng thể để hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới”./.

Tú Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực