Từ ngày 01/01/2020, Việt Nam chính thức đảm nhiệm cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021 và giữ vai trò Chủ tịch HĐBA tháng 1/2020.
Việt Nam đảm nhiệm cương vị Chủ tịch HĐBA ngay từ ngày đầu nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA trong bối cảnh môi trường quốc tế có cả thuận lợi lẫn thách thức đan xen. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo; đại đa số các nước đều đề cao và coi trọng chủ nghĩa đa phương, vai trò trung tâm của LHQ, HĐBA trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Tuy nhiên, tình hình an ninh - chính trị cuối năm 2019 và đầu năm 2020 nảy sinh và gia tăng nhiều diễn biến, căng thẳng phức tạp, khó lường. Cạnh tranh và nghi kị giữa các nước lớn, nhất là các cặp quan hệ Mỹ-Trung và Mỹ-Nga, tiếp tục gay gắt.
|
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Tổng thư ký LHQ A. Guterres |
Tổng thư ký LHQ A. Guterres tại cuộc họp báo đầu năm 2020 cho rằng, căng thẳng địa chính trị toàn cầu đang ở mức cao nhất trong thế kỷ này, tác động trực tiếp đến hoạt động của HĐBA, gây khó khăn nhất định đối với việc giải quyết một số vấn đề, nhất là khi có liên quan đến lợi ích trực tiếp của các nước lớn (như vấn đề Syria, Libya, Cộng hòa Trung Phi...). Chiến sự tái diễn ở một số nước Trung Đông, châu Phi như Libya, Yemen, Mali; tình hình nhân đạo tại Syria tiếp tục xấu đi. Tiến trình đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều bế tắc và căng thẳng. Biến đổi khí hậu, thiên tai và dịch bệnh viêm đường hô hấp (Covid-19) tiếp tục trầm trọng ở quy mô toàn cầu.
Trong bối cảnh trên, HĐBA phải xử lý một khối lượng công việc lớn và đa dạng. Tổng cộng có 26 cuộc họp chính thức và tham vấn kín về tình hình tại châu Phi (Sudan, Cộng hòa dân chủ Congo, Cộng hòa Trung Phi, Mali, Libya, Sudan, Phái bộ LHQ tại Tây Phi và Sahel-UNOWAS), Trung Đông (Syria, Yemen, xung đột Israel-Palestine), châu âu (Síp), Mỹ La tinh (Colombia, Haiti), châu Á (Kashmir, hoạt động của Trung tâm Ngoại giao Phòng ngừa LHQ tại Trung á-UNRCCA); thảo luận các vấn đề chủ đề là Tuân thủ Hiến chương LHQ và Hợp tác LHQ -Hiệp hội các quốc gia Đông Nam á (ASEAN). HĐBA cũng có 02 phiên đối thoại tương tác (IID) về tình hình CHDC Congo và Nam Sudan, 01 cuộc họp không chính thức về việc điều tra sử dụng vũ khí hóa học tại Douma (Syria) và 01 cuộc làm việc với Tổng Thư ký LHQ (TTK), cùng nhiều cuộc họp của các cơ quan trực thuộc HĐBA như: Ủy ban chống khủng bố, Nhóm làm việc về trẻ em trong xung đột vũ trang, Ủy ban trừng phạt Sudan, Yemen....
HĐBA đã thông qua 4 Nghị quyết, 1 Tuyên bố Chủ tịch và 5 Tuyên bố báo chí, thống nhất gia hạn Phái bộ UNOWAS đến hết năm 2022 (qua hình thức Thư của Chủ tịch HĐBA gửi TTK LHQ) (các văn kiện chính của HĐBA trong tháng 1/2020.
Trong cương vị Chủ tịch, Việt Nam đã điều hành các công việc định kỳ và đột xuất, trong đó có xây dựng và thông qua chương trình làm việc của tháng, chủ trì các cuộc họp chính thức và tham vấn kín của HĐBA, thúc đẩy thương lượng và chủ trì thông qua các quyết định của HĐBA. Bên cạnh việc điều hành các cuộc họp, Việt Nam đã chủ trì buổi làm việc giữa các nước thành viên HĐBA với TTK LHQ, duy trì quan hệ phối hợp thường xuyên với báo chí sở tại và quốc tế, thay mặt HĐBA thông tin cho báo chí sau các cuộc họp, duyệt ký và cho lưu hành các tài liệu, văn bản quan trọng của HĐBA trên cương vị Chủ tịch.
Việt Nam đã tham gia đóng góp vào công việc chung của HĐBA trên tinh thần chủ động, tích cực và trách nhiệm, bày tỏ quan điểm của Việt Nam về các vấn đề được HĐBA xem xét, thảo luận, thể hiện rõ lập trường của Việt Nam ủng hộ tuân thủ Hiến chương LHQ và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế; nỗ lực thúc đẩy ngăn ngừa xung đột, giảm căng thẳng, tìm giải pháp thỏa đáng cho các tranh chấp, xung đột; ủng hộ vai trò của LHQ, các phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ và các tổ chức khu vực. Đối với một số vấn đề phức tạp, có khác biệt quan điểm giữa các nước, Việt Nam đã chủ động nhấn mạnh HĐBA cần nỗ lực tham vấn để có đồng thuận, qua đó các nước thấy được sự tham gia thiện chí, tích cực, xây dựng của ta.
|
Phiên Thảo luận mở của HĐBA với chủ đề “Thúc đẩy tuân thủ Hiến chương LHQ trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế” do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì |
Đặc biệt, Việt Nam đã có sáng kiến tổ chức, hai sự kiện quan trọng của HĐBA, tạo dấu ấn Việt Nam tại HĐBA, gồm: Thảo luận mở của HĐBA với chủ đề “Thúc đẩy tuân thủ Hiến chương LHQ trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế” do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì với sự tham gia và phát biểu của tổng cộng 111 diễn giả (trong đó có đại diện của 106 quốc gia) - là số diễn giả cao nhất từ trước đến nay trong các cuộc thảo luận mở của HĐBA. Trong phát biểu, TTK LHQ và các nước đều cho rằng trong bối cảnh LHQ và chủ nghĩa đa phương đứng trước nhiều thách thức, Hiến chương LHQ tiếp tục là nền tảng của luật pháp và quan hệ quốc tế hiện đại, các nguyên tắc của Hiến chương vẫn giữ nguyên giá trị và ngày càng thiết thực; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, củng cố chủ nghĩa đa phương. Trong thảo luận cũng nổi lên quan ngại về tình hình căng thẳng leo thang tại Trung Đông, các vấn đề phức tạp khác như tình hình Ukraine, Jammu-kashmir, tình hình phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, khủng bố quốc tế; một số nước phương Tây lên án các vi phạm quyền con người, đề cao vấn đề trừng phạt các tội ác diệt chủng, chống lại loài người.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có bài phát biểu khẳng định Việt Nam luôn coi việc tuân thủ Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế là phương thức quan trọng hàng đầu vun đắp hòa bình bền vững; cho rằng HĐBA và các nước thành viên HĐBA cần đi đầu trong việc tuân thủ và thực hiện Hiến chương, đồng thời đề nghị các nước thành viên LHQ tăng cường đối thoại, đề cao chủ nghĩa đa phương, phát huy tối đa các công cụ Hiến chương đã đề ra; tăng cường hiệu quả và vai trò của các tổ chức khu vực, đặc biệt trong phối hợp với LHQ và HĐBA.
Dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, lần đầu tiên HĐBA thông qua Tuyên bố Chủ tịch về Hiến chương LHQ khẳng định giá trị bền vững của Hiến chương trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế phát triển luật pháp quốc tế và điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia; tái khẳng định cam kết của HĐBA đối với tôn chỉ, mục đích của Hiến chương; nhấn mạnh tất cả các nước, các cơ quan LHQ, các tổ chức khu vực... cần luôn hành động phù hợp với Hiến chương LHQ, bảo đảm xử lý các vấn đề liên quan đến hòa bình và an ninh quốc tế phù hợp với Hiến chương.
|
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ phát biểu, chủ trì phiên họp HĐBA . |
Thực tiễn hoạt động trong tháng 1/2020 cho thấy HĐBA vẫn tiếp tục là cơ chế đa phương đóng vai trò quan trọng hàng đầu, chưa thể thay thế trong việc gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế; đồng thời có thể có tiếng nói chung trên các vấn đề không có cọ xát cơ bản về lợi ích hoặc đáp ứng quan tâm chung của đông đảo các nước như tuân thủ Hiến chương LHQ, thúc đẩy hợp tác với các tổ chức khu vực, các hoạt động gìn giữ hòa bình.
Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ là Chủ tịch HĐBA thành công, đáp ứng tốt các mục tiêu, yêu cầu và phương châm đề ra trong Đề án tổng thể tham gia HĐBA đã được Bộ Chính trị phê duyệt. Lãnh đạo LHQ và các nước bày tỏ chúc mừng và đánh giá cao việc Việt Nam điều hành công việc HĐBA một cách chuyên nghiệp, minh bạch, có tham vấn rộng rãi; hoan nghênh sáng kiến của Việt Nam tổ chức 02 sự kiện điểm nhấn trong tháng 1/2020.
Hai sự kiện Việt Nam tổ chức thực sự để lại dấu ấn quan trọng, thể hiện vai trò nòng cốt, dẫn dắt theo quan điểm chỉ đạo của Chỉ thị 25 ngày 8/8/2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương. Chủ đề “Tuân thủ Hiến chương LHQ” là rất đúng và trúng, đáp ứng lợi ích chung của cộng đồng quốc tế về hòa bình, ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, và kịp thời về thời điểm khi chủ nghĩa đa phương và LHQ gặp nhiều thách thức, và nhất là căng thẳng Mỹ-Iran có thể dẫn đến bùng nổ xung đột ở Trung Đông; đây cũng là sự kiện điểm nhấn đầu tiên cho năm 2020 kỷ niệm 75 năm thành lập LHQ, có tính định hướng cho hoạt động của LHQ thời gian tới.
Việc HĐBA lần đầu tiên họp về hợp tác LHQ-ASEAN đã giúp nâng cao nhận thức rộng rãi về vai trò, đóng góp của ASEAN và tầm quan trọng của hợp tác ASEAN-LHQ. Lần đầu tiên tại HĐBA, vấn đề Biển Đông được nhiều nước quan tâm, chủ động đề cập và trao đổi tương đối cụ thể; các ý kiến phát biểu không đi vào tranh cãi về chủ quyền tại Biển Đông mà tập trung nêu đậm những tác động có thể có đối với hòa bình và an ninh quốc tế.
|
Hình ảnh bỏ phiếu tại HĐBA. |
Việc đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch HĐBA là kết quả bước đầu quan trọng, tạo thuận lợi cho tham gia của Việt Nam tại HĐBA trong thời gian tới. Kết quả này có được nhờ chủ trương, đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng, Nhà nước và đánh giá đúng tình hình, xu hướng quốc tế; cũng như vị thế, vai trò quốc tế và năng lực đa phương ngày càng tăng của Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam đã có sự chuẩn bị từ rất sớm, kỹ lưỡng và toàn diện, đặc biệt là nghiên cứu các vấn đề để đưa ra sáng kiến, cũng như xây dựng lập trường đối với tất cả các vấn đề trong chương trình nghị sự HĐBA. Việt Nam cũng đã tham vấn, trao đổi chặt chẽ với tất cả các thành viên HĐBA, nhất là các nước P5, qua đó tạo dựng đồng thuận, ủng hộ vai trò Chủ tịch và các đề xuất, sáng kiến của Việt Nam.
Thực hiện đường lối đối ngoại đã được Đại hội lần thứ XII của Đảng đề ra là độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi; đa dạng hoá, đa phương hoá trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tê; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và Liên hợp quốc; nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thê giới.
Việc Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch một cách tích cực, chủ động, trách nhiệm, khách quan, minh bạch với năng lực điều hành chuyên nghiệp, khoa học, hiệu quả; tạo điều kiện tốt nhất cho trao đổi, tham vấn, thương lượng và thúc đẩy đồng thuận; khẳng định đường lối hoà bình, độc lập và là thành viên có trách nhiệm; đóng góp thực chất cho các hoạt động của HĐBA, thúc đẩy giải quyết các vấn đề được HĐBA xem xét phù hợp Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế.
Như Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh trong Thông điệp nhân dịp Việt Nam đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, chúng ta quyết tâm đảm nhiệm thành công trách nhiệm vinh dự, cũng là thách thức lớn lao này, đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, an ninh quốc tế và khu vực, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước, triển khai có hiệu quả Chỉ thị của Ban Bí thư về Đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XII, hướng tới Đại hội Đảng lần thứ XIII.