Chú trọng khen thưởng cá nhân có đóng góp xuất sắc, người lao động trực tiếp

Thứ sáu, 15/09/2017 18:32
(ĐCSVN) – Ngày 15/9, tại Hà Nội, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương long trọng tổ chức kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Viện Huân chương nay là Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương (17/9/1947 – 17/9/2017). Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương tới dự.

Ngày 17/9/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 83/SL đặt ra Viện Huân chương thuộc Phủ Chủ tịch với nhiệm vụ: “Giúp Chủ tịch nước nghiên cứu ban hành các chế độ, thể lệ khen thưởng Huân chương, Huy chương, xét duyệt, đặt sản xuất và cấp phát các loại Huân chương, Huy chương”. Đây là dấu mốc quan trọng, đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam, khẳng định vai trò quan trọng của Viện Huân chương, Viện Thi đua Khen thưởng Nhà nước và nay là Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương và trở thành ngày truyền thống vẻ vang của các thế hệ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng.

Trải qua 70 năm hình thành và phát triển, ngành Thi đua - Khen thưởng đã thực sự có nhiều đóng góp vào sự phát triển chung của dân tộc, của đất nước. Công tác thi đua - khen thưởng luôn bám sát các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước, kịp thời đề ra những chủ trương, chính sách khen thưởng phù hợp với yêu cầu động viên chính trong từng giai đoạn cách mạng, trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của dân tộc, xây dựng bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.


Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại buổi Lễ - Ảnh: Minh Châu

Biểu dương và đánh giá cao những thành tích của ngành Thi đua - Khen thưởng trong 70 năm qua, phát biểu tại buổi Lễ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh, đất nước đang bước vào thời kỳ phát triển, hội nhập sâu rộng, đặc biệt là xu hướng số hóa, toàn cầu hóa với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của đất nước. Nhiều cơ hội, thách thức đặt ra, đòi hỏi cán bộ, công nhân viên chức ngành Thi đua - Khen thưởng phải nâng cao năng lực, rèn luyện phẩm chất đạo đức, công vụ, tích cực tham mưu và tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước, nỗ lực phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần đổi mới đất nước, thúc đẩy kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Phó Chủ tịch nước đề nghị, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương vận dụng sáng tạo các bài học kinh nghiệm của các thời kỳ, làm tốt hơn công tác tham mưu, quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng trong giai đoạn mới; tập trung đổi mới các phong trào thi đua theo hướng thiết thực, hiệu quả gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, xã hội từng thời điểm, từng đối tượng, từng địa bàn; quan tâm phát hiện, khen thưởng, động viên kịp thời các điển hình tốt, nhân tố mới; chú trọng đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác thi đua, khen thưởng ở các bộ, ngành, địa phương để công tác này thực sự trở thành một phương thức lãnh đạo của Đảng, công cụ quản lý của nhà nước và là động lực thúc đẩy sự cống hiến trí tuệ, sức sáng tạo của từng tập thể, cá nhân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tập trung cho công tác tham mưu, xây dựng thể chế, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về thi đua - khen thưởng, phấn đấu xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ,  thống nhất, phù hợp với trình độ, tiến trình đổi mới của đất nước và hội nhập quốc tế, trước mắt, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương cần sớm tổng kết, đánh giá 13 năm thực hiện Luật Thi đua - Khen thưởng và nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Thi đua - Khen thưởng để chính sách thi đua, khen thưởng của Nhà nước được áp dụng toàn diện, bao quát trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội và đến với tất cả mọi người, mọi ngành.


Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chụp ảnh lưu niệm cùng các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương - Ảnh: Minh Châu

Phó Chủ tịch nước yêu cầu Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương thường xuyên phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan truyền thông tăng cường công tác phát hiện bồi dưỡng, thông tin tuyên truyền về những tấm gương tập thể, cá nhân tiêu biểu, để cổ vũ, nêu gương, nhân rộng trong toàn xã hội.

Tham mưu khen thưởng kịp thời, đúng người, đúng việc, lấy hiệu quả kinh tế, kết quả hoàn thành nhiệm vụ chính trị làm thước đo khen thưởng, đặc biệt quan tâm tăng cường khen thưởng đột xuất cho tập thể, cá nhân; tạo động lực phát triển và lan tỏa sâu rộng trong từng cơ quan, đơn vị cơ sở. Chú trọng khen thưởng cho doanh nghiệp, nhà khoa học, công nhân, nông dân, chiến sĩ, người lao động trực tiếp có những đóng góp xuất sắc, nổi trội trong sản xuất, công tác, chiến đấu và học tập.../.

Minh Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực