Có nên cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ?

Thứ hai, 23/03/2020 15:17
(ĐCSVN) – Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cần nâng cao trách nhiệm quản lý Nhà nước để tránh biến tướng trong kinh doanh dịch vụ đòi nợ, không vì quản lý không được mà cấm.

Đây cũng là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu tại Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 23/3.

Báo cáo một số vấn đề lớn của Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, nhiều ý kiến đề nghị không nên cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”, vì đây là vấn đề thị trường. Cần quy định điều kiện kinh doanh chế tài quản lý chặt chẽ hơn, tăng cường hệ thống Tòa án, các tổ chức hòa giải các cấp, tránh vấn đề xã hội phát sinh.

Một số ý kiến tán thành với Tờ trình của Chính phủ, cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vì thời gian qua có nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc kinh doanh dịch vụ này để biến tướng thành các băng nhóm cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, gây áp lực lên con nợ dẫn tới nhiều hệ lụy.

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Quang Khánh

Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Kinh tế thống nhất với loại ý kiến thứ nhất và cho rằng việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thời gian qua do chưa có quy định rõ ràng, chặt chẽ về các yêu cầu, điều kiện phải tuân thủ đối với hoạt động này nên đã nảy sinh một số trường hợp biến tướng, lạm dụng, có dấu hiệu vi phạm trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm đến sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của công dân. Vì vậy, đề nghị không nên cấm đối với hoạt động kinh doanh này, thay vào đó, cần bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này.

Ngoài ra, quy định cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” còn phải xử lý đối với các doanh nghiệp đã được kinh doanh loại hình này, các hợp đồng dịch vụ đã được ký kết sẽ xử lý như thế nào?.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị không quy định cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”, nhưng để hạn chế tiêu cực phát sinh cần bổ sung quy định về điều kiện chặt chẽ đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này; hoặc có thể xem xét thay tên “dịch vụ đòi nợ thuê” thành tên gọi “dịch vụ xử lý nợ”.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng: Từ điều kiện thực tiễn, có thể quy định  hình thức kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê thành kinh doanh có điều kiện, tránh tình trạng dư luận cho rằng “không quản được thì cấm”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng chỉ ra, trong điều kiện hiện nay kinh doanh dịch vụ đòi nợ đang là thực tế, dù rằng có trường hợp lợi dụng loại hình kinh doanh này để biến tướng, nảy sinh các băng nhóm tội phạm chiếm đoạt tài sản của người khác. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do chưa thực hiện tốt quản lý Nhà nước với loại hình kinh doanh này và chưa quy định chặt chẽ dịch vụ kinh doanh đòi nợ.

“Đây là yêu cầu thực tế, do đó không nên cấm nhưng cần quy định lại các danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện cho chặt chẽ, trong đó có dịch vụ đòi nợ. Cần nâng cao trách nhiệm quản lý Nhà nước để tránh biến tướng, không vì quản lý không được mà chúng ta cấm”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, quan hệ giữa bên cho vay và bên vay là quan hệ dân sự. Nhà nước có đầy đủ thiết chế giải quyết khi xảy ra tranh chấp như: hòa giải, trọng tài, tòa án. Vậy tại sao không qua các tổ chức này mà qua trung gian là đòi nợ thuê. Qua thực tế thấy rằng không mang lại hiệu quả tốt mà biến tướng, lợi dụng để gây bất ổn an ninh trật tự.

Giải trình về nội dung này, bày tỏ vui mừng khi trở lại làm việc sau thời gian bị cách ly, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện cả đoàn không ai bị dương tính với COVID-19, và hiện đang tập trung các giải pháp để phát triển kinh tế trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Theo  Bộ trưởng Nguyễn Chí  Dũng, đây là vấn đề hiện còn nhiều ý kiến băn khoăn. Do nội dung này được điều chỉnh bởi các quy định về quan hệ dân sự, nhưng khi rà soát 217 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ này, chủ yếu tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thấy rằng hầu như sử dụng không lành mạnh, mà lợi dụng xã hội đen, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen, gây mất trật tự, an toàn xã hội. Trong khi đó, đóng góp của ngành nghề này không tương xứng với tác động tiêu cực đối với xã hội cũng như nguồn lực Nhà nước phải bỏ ra để khắc phục và trấn áp, xử lý hậu quả tội phạm. Do đó, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc kỹ lưỡng khi quyết định vấn đề này.

Kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội  sẽ  đưa ra 2 phương án để xin ý kiến Quốc hội./. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực