"Có tình trạng sợ trách nhiệm trong tham mưu xây dựng thể chế"

Thứ ba, 15/08/2023 13:30
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long nêu tình trạng một số nơi có tình trạng sợ trách nhiệm; xu hướng giải thích pháp luật theo hướng “tiện cho mình", hành chính hóa...

Sáng 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long về các vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp.

Có xu hướng giải thích pháp luật theo hướng "tiện cho mình"

Đặt câu hỏi chất vấn tại phiên họp, đại biểu Trịnh Minh Bình (đoàn Vĩnh Long) dẫn báo cáo của Bộ Tư pháp về việc có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh công việc trong tham mưu xây dựng thể chế tại một số nơi.

“Với vai trò Bộ trưởng, xin Bộ trưởng cho biết đâu là nguyên nhân chính và giải pháp để khắc phục trong thời gian tới”, đại biểu chất vấn.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định có tình trạng nêu trên. Điều này không chỉ Chính phủ, Bộ Tư pháp nói mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước và diễn đàn Quốc hội cũng nói nhiều. Tuy nhiên, để lượng hóa là rất khó.

“Thực tế, có một số trường hợp cứ không làm được hoặc ngại thì đổ lỗi cho hệ thống pháp luật hoặc do tổ chức thi hành pháp luật”, Bộ trưởng cho hay.

Toàn cảnh Phiên chất vấn. Ảnh: TL. 

Bộ trưởng nhắc lại đánh giá giữa nhiệm kỳ của Tổng Bí thư, theo đó nói rằng khâu yếu của chúng ta là tổ chức thi hành pháp luật.

Theo Bộ trưởng, trên thực tế cũng không phải bao quát được hết tất cả các nhóm nội dung công việc, tuy nhiên nhiều khi chúng ta không xem xét vấn đề trong hệ thống, trong tổng thể cho nên cứ nói là do pháp luật. Các báo cáo rà soát cũng đưa ra một số các kiến nghị và cứ nói rằng đó là vướng mắc, nhưng trên thực tế nghiên cứu kỹ ra thì cũng rất nhiều việc không phải như vậy. Hoặc một số nơi chỉ có xu hướng giải thích theo hướng để "tiện cho mình" hoặc hiểu và áp dụng pháp luật còn chưa thống nhất và cũng còn tình trạng hành chính hóa.

“Câu chuyện đó cộng với những gây ảnh hưởng của việc nọ, việc kia trong bối cảnh hiện nay nên các bộ, các ngành không chủ động, cho nên cũng có những trường hợp cực đoan, đáng lẽ là soạn thảo ban hành một thông tư theo trình tự, thủ tục bình thường thì cứ trao đi đổi lại để làm rút gọn, cuối cùng mất đến 4- 5 tháng để xem có chốt được rút gọn hay không thì thà làm chính thức ngay từ đầu”, Bộ trưởng chia sẻ.

Bộ trưởng nêu rõ hiện nay, Bộ Nội vụ đang nghiên cứu để ban hành một số quy định về bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề cần giải quyết bởi đây chỉ là nghị định, còn những vấn đề liên quan ở tầm luật.

Về hoạt động đấu giá tài sản, Bộ trưởng Lê Thành Long thừa nhận có tình trạng “quân xanh, quân đỏ” nhưng không nhiều, chỉ là ngoại lệ. Thêm vào đó, thời gian qua cũng có tình trạng “thông đồng, dìm giá”; rồi kỹ năng hành nghề đấu giá, năng lực của đấu giá viên như đại biểu nêu.

Bộ trưởng thông tin, trong 5 năm từ 2018 đến 2022, Bộ Tư pháp và các đơn vị khác nhau đã thực hiện 143 cuộc thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực đấu giá tài sản. Tổng mức phạt vi phạm gần 2 tỷ đồng, 1 số trường hợp chuyển cơ quan điều tra truy tố đấu giá viên.

Đưa ra giải pháp, Bộ trưởng cho biết, sẽ quy định chặt chẽ hơn về quy trình, cách thức, quy chế để giảm bớt đi tình trạng “thông đồng, dìm giá”. Đi cùng với đó là tăng cường các biện pháp để chuyên nghiệp hóa đấu giá viên đúng theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực và các văn bản của Đảng.

Nguồn nhân lực cho công tác pháp chế chưa có đột phá

Đặt vấn đề chất vấn tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn TP Hồ Chí Minh) nêu vấn đề, nhiều năm qua, nguồn nhân lực cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế chưa có sự đột phá, nhất là pháp chế. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp tổng thể, mang tính đột phá cho vấn đề này?

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, hiện nay, cả nước có khoảng 10.000 người làm công tác pháp chế, trong đó có gần 3.000 người làm pháp chế chuyên trách và gần 7.000 người hoạt động kiêm nhiệm. Tại các bộ, ngành Trung ương có 89 tổ chức pháp chế và tại các địa phương có 65 phòng pháp chế.

 Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn của đại biểu. Ảnh: TH.

Bộ trưởng thông tin, theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật. Tuy nhiên, đến nay, mới có 8/28 bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật, còn lại 20/28 thứ trưởng phụ trách.

Về giải pháp, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị các bộ, ngành quan tâm, các bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật. Kinh nghiệm cho thấy Bộ trưởng nên trực tiếp chỉ đạo công tác này.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, số lượng làm công tác pháp chế hiện cực mỏng nếu nhân với số lượng các văn bản quy phạm pháp luật mà các bộ ngành phải soạn thảo, ban hành góp ý, khó đáp ứng được yêu cầu. Một số bộ ngành chưa ưu tiên cho công tác pháp chế, kinh phí cho công tác này còn thấp.

Trên cơ sơ đó, Bộ trưởng đề cập đến việc sửa đổi Nghị định 55, trong đó xây dựng chức danh "pháp chế viên", từ đó dần dần theo các tiêu chuẩn, chế độ chính sách để có cải thiện.

Trước phản ánh của các đại biểu về tình trạng nợ chậm ban hành văn bản, Bộ trưởng thừa nhận vấn đề đã từ lâu nhưng chưa dứt điểm, nợ của từng năm thì có sự trồi sụt nhất định, tuy nhiên năm 2021 thì có chiều hướng tăng. Mặc dù đã rất cố gắng nhưng cũng có những nghị định nợ lâu chưa xử lý được. Nguyên nhân là do có nhiều nội dung quá, bảo vệ môi trường chẳng hạn thì có 65 nội dung giao trong luật là phải quy định chi tiết hoặc có những luật, nghị quyết thì thời điểm thông qua và có hiệu lực rất ngắn, cho nên phải cấp tốc soạn thảo, ban hành các nghị định nhưng cũng không kịp. Ngoài ra, còn do năng lực trình độ của đội ngũ làm công tác pháp chế…

Đề cập đến giải pháp, người đứng đầu ngành Tư pháp cho biết Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ một số giải pháp để khắc phục các hạn chế, bất cập trong công tác xây dựng văn bản, trong đó có câu chuyện nghị định quy định chi tiết và tính kỷ luật hành chính trong soạn thảo, ban hành văn bản và trách nhiệm tổ chức thi hành.

Mặt khác, theo Bộ trưởng, phải tính đến văn bản của Đảng, Quy định 69 về xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên là một công cụ rất mạnh. Hiện, Bộ Chính trị cũng đang chỉ đạo để trình quy định của Bộ Chính trị về một số giải pháp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác xây dựng văn bản./.

Vy Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực