Còn 500 tài sản công đang bỏ không gây lãng phí sau sắp xếp huyện, xã

Thứ hai, 06/11/2023 13:15
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã, còn gần 1.000 tài sản công chưa được xử lý, trong đó khoảng 500 tài sản công bỏ không, tạo nên sự lãng phí.

Nhiều trụ sở cấp huyện, xã bỏ trống gây lãng phí

Đặt vấn đề tại phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn sáng 6/11, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (đoàn Hưng Yên) nêu thực trạng, việc xử lý nhà đất khi sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn chậm, nhiều trụ sở còn bỏ trống gây lãng phí, trong khi còn nhiều cơ quan từ trung ương đến địa phương đang phải sử dụng chung nơi làm việc, nhiều trụ sở chật chội, xuống cấp và không đảm bảo điều kiện làm việc của cán bộ, công chức. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Tài chính nêu rõ nguyên nhân và hướng xử lý.

Trả lời, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trách nhiệm trong quản lý tài sản công được phân định rõ theo từng cấp, ngành. Như tài sản công thuộc cấp Trung ương do Chính phủ quản lý, cơ quan tham mưu là Bộ Tài chính.

 Các đại biểu làm việc tại Hội trường. Ảnh: QH.

Bộ trưởng khẳng định, đa số tài sản công sau sắp xếp thuộc phạm vi quản lý cuả UBND tỉnh. Với số này, hiện đã xử lý được 90% tài sản công, còn 10% tương đương gần 1.000 tài sản công chưa được xử lý, trong đó khoảng 500 tài sản công “bỏ không, tạo nên sự lãng phí”.

Về nguyên nhân, theo Bộ trưởng, việc định giá bán tài sản công gặp khó, cũng khó tìm cơ quan định giá. Thị trường cũng trầm lắng nên việc bán, chuyển nhượng khó khăn.

Ngoài ra, muốn chuyển mục đích tài sản công thì phải phê duyệt lại mục đích sử dụng đất, và điều chỉnh quy hoạch và loạt thủ tục khác.

“Giữa tháng 9 chúng tôi cũng đã có một hướng dẫn và có văn bản để đôn đốc. Sắp tới đây chúng tôi cũng sẽ làm việc với những đơn vị để hướng dẫn thêm, để xử lý các tài sản công này đảm bảo đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả”, Bộ trưởng nói.

Tăng cường công tác thanh tra và kiểm tra về quản lý tài sản công

Tranh luận về công tác quản lý tài sản công, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng) cho rằng, mặc dù đã có Luật Quản lý tài sản công, Chính phủ đã ban hành một loạt Nghị quyết, đặc biệt mới đây Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 74. Tuy nhiên, vấn đề quản lý tài sản công vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập.

Đại biểu cho biết, cử tri rất băn khoăn về tình trạng lãng phí, tiêu cực trong quản lý tài sản công, sử dụng tài sản công trong thời gian qua cho thấy những bất cập và lỗ hổng trong quản lý tài sản công như Bộ trưởng Bộ Tài chính đã nêu.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: QH. 

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, quản lý tài sản công là của nhiều ngành, nhiều cấp và trách nhiệm thuộc về người trực tiếp quản lý tài sản công, thuộc các đơn vị quản lý tài sản công. Để gói thầu mất mát, hư hỏng là do đơn vị đó. Bộ Tài chính đã hướng dẫn về các văn bản pháp luật liên quan đến việc quản lý và định mức kinh tế kỹ thuật.

Bộ trưởng nhấn mạnh, vấn đề là cần nâng cao trách nhiệm quản lý tài sản công, trách nhiệm quản lý tài sản công đấy được cụ thể hóa và cá thể hóa đến từng người quản lý. Ví dụ như ở Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý chung trên toàn bộ địa bàn tỉnh, ở Bộ thì ở các bộ, ngành phải quản lý xuống các đơn vị trực thuộc của bộ mình.

Trước phản ánh của đại biểu Lê Hoàng Anh (Đoàn Gia Lai) về vấn đề chi thường xuyên và chậm thực hiện Nghị quyết 74 về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng tài sản công, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết: Sau khi có Nghị quyết của Thường vụ Quốc hội và Quốc hội, Bộ Tài chính đã tiến hành lấy ý kiến của các bộ, ngành, trình với Thủ tướng Chính phủ, vào tháng 3 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Do đó, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, việc này do liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp và phải lấy ý kiến của nhiều nơi nên có phần hơi chậm so với quy định.

Bộ trưởng nhấn mạnh, Chương trình này sẽ thực hiện không những trong năm nay mà thực hiện cho các năm tiếp theo.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 74 cơ bản phải nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý tài sản. Ví dụ, khi nhập xóm, xã hay khi chuyển trụ sở mới. Với phân cấp ngân sách và phân cấp quản lý tài sản công thì các cấp phải điều chuyển tài sản công một cách có hiệu quả hoặc bán tài sản công đấy đi để lấy tiền thực hiện đầu tư phát triển mới để đạt được mục tiêu. Đây là thuộc trách nhiệm của các cơ quan quản lý tài sản công, bao gồm cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp và các tổ chức chính trị xã hội.

“Chúng tôi sẽ tăng cường công tác thanh tra và kiểm tra về quản lý tài sản công. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu về tài sản công để theo dõi những biến động của tài sản công, từ đấy thì siết chặt quản lý hiệu quả hơn”, Bộ trưởng nêu rõ./.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực