Tại phần thảo luận trong sáng nay, các doanh nghiệp đã gửi đến Chính phủ cũng như các Bộ, ban, ngành nhiều kiến nghị cụ thể gắn liền với quá trình hoạt động và phát triển của từng doanh nghiệp. Trong đó, các doanh nghiệp đã đề cập tới những vướng mắc mà cộng đồng doanh nghiệp gặp phải trong quá trình tiếp cận thủ tục hành chính, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, gánh nặng về chi phí không chính thức…
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận Hội nghị (Ảnh: Kim Sơn)
Sau khi nghe những kiến nghị, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp cả nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chính phủ đã và đang thực hiện những cam kết với cộng đồng doanh nghiệp đúng với tinh thần chuyển lời nói thành hành động. Đặc biệt, ngay trong ngày hôm nay, Chính phủ sẽ ra ngay một Chỉ thị quy định không được thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp 1 năm quá 1 lần, thanh tra đột xuất khi vi phạm thì không được mở rộng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, trong một năm qua, Chính phủ và các địa phương đã “gãi đúng chỗ” chứ không phải “ngứa trên đầu, gãi dưới chân” đối với những khó khăn của doanh nghiệp. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành 50 nghị định về đầu tư kinh doanh, cải thiện điều kiện đầu tư kinh doanh; cắt giảm nhiều thủ tục, giấy phép, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; các Bộ, các ngành tích cực rà soát cắt giảm nhiều thủ tục giấy phép, góp phần hỗ trợ khó khăn trong sản xuất cho doanh nghiệp. Các tỉnh, địa phương trong cả nước đã tích cực triển khai, thực hiện kê khai nộp thuế điện tử, tiếp cận các dịch vụ công, đăng ký kinh doanh, đăng ký thương hiệu, khai báo thuế, hải quan… những chi phí này đang có xu hướng giảm. Các điều kiện kinh doanh được cải thiện tốt hơn, nhiều đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng mạnh, số lượng đơn đặt hàng từ nước ngoài đã tăng ở mức kỷ lục, hỗ trợ cho tăng trưởng phát triển. Bên cạnh đó, với mục tiêu thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, Chính phủ đã tạo động lực cho các địa phương và cả nước tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, thuận lợi cho người dân khi tiến hành thủ tục thành lập doanh nghiệp. Những kết quả trên đã góp phần tăng số doanh nghiệp thành lập năm 2016 trên 110.000 doanh nghiệp; 4 tháng năm 2017, Việt Nam đã thành lập trên 40.000 doanh nghiệp.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thẳng thắn chỉ ra những rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp hiện nay. Trong đó, thể chế chính sách chưa giải quyết được các vấn đề còn mâu thuẫn trong các văn bản dưới luật; chính sách ban hành chưa đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Bên cạnh đó, những khó khăn còn xuất phát từ vấn đề chi phí phát sinh trong quá trình hoạt động của các doanh nghiệp. Đó là những chi phí về thuế, những chi phí bôi trơn, phí sử dụng công trình BOT, bến bãi, cảng biển, cầu đường... Về vấn đề thủ tục hành chính, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các thủ tục cấp phép, điều kiện kinh doanh vẫn còn gây khó khăn cho doanh nghiệp; thủ tục giải phóng mặt bằng, giấy phép xây dựng, chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy phép con vẫn còn và chưa được loại bỏ; vẫn tồn tại tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ công chức, viên chức gây chậm trễ, khó khăn ở các cơ quan công quyền.
Tiếp thu những kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp tục có những giải pháp, chương trình hành động đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp thời gian tới. Trong đó tập trung kiến tạo môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện, khuyến khích đầu tư, bảo đảm thực thi pháp luật thông qua các việc làm cụ thể như: bảo đảm tinh thần thượng tôn pháp luật và tinh thần đó phải thực hiện hệ thống từ Trung ương đến địa phương, phải chuyển biến thực thi công vụ nghiêm túc, không được gây nhũng nhiễu, khó khăn cho doanh nghiệp. Chính phủ cần cải cách thể chế theo hướng cởi mở, thân thiện, trao cơ hội cho mọi thành phần kinh tế đóng góp và hưởng lợi một cách bình đẳng, công bằng từ những thành quả tăng trưởng thương mại.
Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ hoàn thiện và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba các dự án luật, trong đó có dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; nhanh chóng ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành; đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi quy định các loại thuế, hải quan theo hướng liên thông giữa các Bộ, cơ quan liên quan để giảm thủ tục, giảm thời gian và chi phí thực hiện. Chính phủ tiếp tục rà soát các quy định và thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp như: chi phí thủ tục hành chính về thuế, hải quan, giấy phép, phí BOT, chi phí về logicstic, chi phí sử dụng các công trình dịch vụ công, nhất là chi phí kiểm định, thẩm định, giám định, các chi phí kiểm tra khác của Nhà nước.
Đông đảo doanh nghiệp đã có mặt tại Hội nghị để lắng nghe những cam kết của Chính phủ
trong hỗ trợ doanh nghiệp thời gian tới (Ảnh:Kim Sơn)
Chính phủ sẽ từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, thông qua xây dựng và kiến tạo các yếu tố để tạo lợi thế cạnh tranh cho nền kinh tế như: cơ sở hạ tầng thông minh, phát triển hệ thống tài chính, cải cách giáo dục, nâng cao trình độ nghề nghiệp, cải thiện chất lượng đào tạo nhân lực… Đặc biệt, tiếp tục nâng cao năng lực quản trị của Nhà nước và của doanh nghiệp để tương thích với yêu cầu phát triển nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay và xu hướng tương lai. “Chúng ta không cho phép những tồn tại yếu kém về năng lực quản trị kìm hãm sự năng động của nền kinh tế, tạo nên những trì trệ trong phát triển kinh tế và giải phóng nguồn lực xã hội. Quản trị của anh phải đáp ứng yêu cầu mới, quản lý theo yêu cầu công nghệ”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Để thực hiện được những giải pháp trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, Chính phủ cần có sự đồng lòng, đồng tâm của tất cả các doanh nghiệp, doanh nhân đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, cùng với quyết tâm của hệ thống chính trị, của các Bộ, ngành, địa phương, trong đó yếu tố con người đóng vai trò quyết định. “Tôi nghĩ rằng bình minh đang đến đất nước ta, tôi tin tưởng các bạn, những doanh nghiệp sẽ đóng góp cho bình minh rực sáng trên Tổ quốc Việt Nam thân yêu. Với tinh thần đó, tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ xây dựng một hệ sinh thái lành mạnh, mà ở đó tất cả các thành phần kinh tế đều phát triển bình đẳng, kết nối và hỗ trợ nhau, đem lại sự thịnh vượng và phát triển kinh tế chung cho Việt Nam”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận Hội nghị./.