Các lực lượng trung thành với Tướng Khalifa Haftar làm nhiệm vụ tại khu vực Sebha, miền Nam Libya, ngày 6/2/2019. Ảnh: AFP/ TTXVN
Trong diễn văn trên truyền hình, ông Sarraj tuyên bố chính quyền của ông đang nỗ lực hành động vì hòa bình, đồng thời ông cũng khẳng định lực lượng của GNA sẽ tăng cường “sức mạnh và quyết tâm” sau khi lực lượng của Tướng Haftar gây hấn và tuyên bố giành kiểm soát một số thành phố và thủ đô Tripoli. Ông Sarraj cáo buộc Tướng Hafta phản quốc và cảnh báo đó là “một cuộc chiến không có người chiến thắng”.
Tình hình tại Libya trở nên căng thẳng từ ngày 4/4 khi Tướng Haftar - người đứng đầu lực lượng đối lập Quân đội Quốc gia Libya (LNA) ủng hộ chính quyền tại miền Đông Libya – phát động tấn công nhằm giành lại thủ đô Tripoli từ GNA. LNA đã giành được một số khu dân cư trên đường hành quân tới thủ đô Tripoli. Trong khi đó, Thủ tướng Sarraj đã cho phép quân đội sử dụng vũ lực nếu cần thiết.
Hai ngày sau khi Tướng Haftar ra lệnh tấn công, lực lượng trung thành với Tướng Haftar tuyên bố đã giành quyền kiểm soát sân bay chính của thủ đô Tripoli. Trong một bài đăng tải trên mạng, bộ phận truyền thông của Tướng Haftar công bố nhiều hình ảnh các tay súng tiến vào trong sân bay, đồng thời tuyên bố lực lượng này đang đứng ở trung tâm của sân bay quốc tế Tripoli. Cuộc tấn công của Tướng Haftar nhằm vào Tripoli có thể khiến quốc gia giàu dầu mỏ này rơi vào vòng xoáy bạo lực mới, thậm chí có thể là kịch bản tồi tệ nhất kể từ cuộc nội chiến năm 2011 lật đổ chế độ của nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi (Mô-a-mơ Ca-đa-phi).
Trước tình hình trên, Liên minh châu Phi (AU) nhắc lại sự cần thiết của một tiến trình do chính Libya thực hiện và tạo ra một chế độ chính trị mới ở một đất nước Bắc Phi đang bị chiến tranh tàn phá này. Tuyên bố được đưa ra sau chuyến thăm của Chủ tịch Ủy ban AU Moussa Faki Mahamat (Mu-xa Pha-ki Ma-ha-mát) tới Libya vào đầu tuần này.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Libya, ông Faki đã gặp Thủ tướng GNA Fayez al-Sarraj. Chủ tịch Ủy ban AU cũng kêu gọi tất cả các nhân tố bên ngoài kiềm chế mọi can thiệp vào công việc nội bộ của Libya. Ông nói thêm rằng AU cam kết tiếp tục hợp tác đầy đủ với LHQ và các đối tác khác để giúp người dân Libya đạt được hòa bình, hòa giải và phát triển.
Về phần mình, ông Al-Sarraj bày tỏ sự ủng hộ đối với sáng kiến của AU trong việc tổ chức một hội nghị hòa giải dân tộc tại thủ Addis Ababa (Ethiopia) vào tháng 7/2019 để thực hiện cuộc đối thoại dân tộc do LHQ dẫn dắt. Ông cũng tuyên bố sẵn sàng cùng phối hợp để thiết lập một cơ chế chuẩn bị để đảm bảo thành công cho hội nghị này.
Cùng ngày 6/4, Bộ trưởng Nội vụ Tunisia, ông Hichem Fourati (Hi-chem Pho-ra-ti) cho biết Tunisia đang theo sát tình hình ở Libya và đã thực hiện các biện pháp an ninh và quân sự đặc biệt ở biên giới phía Đông và phía Tây nước này.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Tunisia thông báo đã thực hiện một số biện pháp để bảo đảm biên giới phía Đông Nam nước này trước những hậu quả có thể xảy ra do leo thang xung đột vũ trang ở Libya. Theo đó, quân đội Tunisia đã được yêu cầu cảnh giác và thận trọng hơn, đồng thời tăng cường quân sự tại các khu vực biên giới phía Đông Nam Dhehiba (Đê-hi-ba) và Ras Jedir (Rát Giê-đia). Quân đội cũng được lệnh tăng cường kiểm soát bằng cách khai thác các phương tiện không quân và hệ thống giám sát điện tử để quan sát nhanh và hiệu quả hơn bất kỳ chuyển động đáng ngờ nào.
Động thái trên được đưa ra sau khi Tổng thống Tunisia bày tỏ quan ngại về tình hình ở Libya cũng như mức độ nghiêm trọng của các diễn biến tại quốc gia láng giềng, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải tránh leo thang xung đột và đẩy nhanh giải pháp chính trị dựa trên đối thoại giữa tất cả các bên.
Tại Pháp, Điện Elysée thông báo Tổng thống nước này Emmanuel Macron (Em-ma-nuy-en Ma-crông) đã có cuộc điện đàm với Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres (An-tô-ni-u Gu-te-rết) để bàn về tình hình tại Libya.
Thông báo cho biết hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng của Libya hiện nay, đặc biệt về luật nhân quyền và nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ. Theo thông báo, Pháp sẽ tiếp tục ủng hộ vai trò trung gian của LHQ tại Libya.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian (Giăng Y-vơ Lơ Đri-ăng) cũng cho rằng không thể giải quyết cuộc khủng hoảng ở Libya thông qua biện pháp quân sự vì giải pháp chính trị vẫn là lựa chọn duy nhất đối với tình hình căng thẳng đang gia tăng tại quốc gia này. Theo ông, giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Libya bao gồm việc kêu gọi tổ chức một hội nghị đối thoại toàn quốc và sau đó là tổ chức bầu cử. Ông Le Drian đưa ra phát biểu này khi kết thúc hội nghị Ngoại trưởng Nhóm Các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại Pháp./.