Công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc ngày càng đi vào chiều sâu

Thứ tư, 16/08/2023 13:15
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên ngày càng đi vào chiều sâu, cụ thể hơn, chặt chẽ hơn, phát huy hiệu quả thiết thực, được cấp ủy, chính quyền ghi nhận, đánh giá cao...
 Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Ngọc Ánh trình bày báo cáo.

Nội dung giám sát đáp ứng yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Ngọc Ánh cho biết như trên trong phiên họp sáng 16/8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 15/6/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Nghị quyết liên tịch số 403).

Trình bày Báo cáo, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Ngọc Ánh cho biết, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết này, công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên ngày càng đi vào chiều sâu, cụ thể hơn, chặt chẽ hơn, phát huy hiệu quả thiết thực, được cấp ủy, chính quyền ghi nhận, đánh giá cao; vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp ngày càng được khẳng định, phát huy trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội.

Khẳng định với những quy định cụ thể tại Nghị quyết liên tịch số 403, công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội từng bước đi vào nền nếp; hoạt động giám sát, phản biện xã hội không ngừng mở rộng trong hệ thống Mặt trận cũng như các tổ chức chính trị - xã hội. Số lượng, chất lượng các cuộc giám sát, phản biện xã hội ngày càng nâng lên, lĩnh vực, nội dung giám sát ngày càng đáp ứng yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, những vấn đề bức xúc của Nhân dân; nội dung kiến nghị sau giám sát ngày càng cụ thể, có căn cứ pháp lý.

Trong 5 năm qua (từ năm 2018 - 2022), Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức 14 hội nghị phản biện xã hội với quy mô đại biểu tham gia tương đối lớn và phản biện có chiều sâu. Các dự án Luật, đề án được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức phản biện là những dự thảo văn bản liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của công dân, đóng vai trò quan trọng đối với đời sống xã hội và được Nhân dân quan tâm. Sau các Hội nghị phản biện xã hội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đều có văn bản phản biện gửi các cơ quan, tổ chức có dự thảo được phản biện và cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phê duyệt hoặc ban hành văn bản. Văn bản phản biện xã hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được dư luận đánh giá cao, nhiều nội dung phản biện được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu và một số cơ quan, tổ chức có ý kiến phản hồi…

 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung phiên họp.

Bên cạnh những ưu điểm đã đạt được, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Ngọc Ánh cũng cho biết việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 403 ở một số địa phương chưa thường xuyên. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở một số địa phương, nhất là cấp cơ sở, còn lúng túng trong lựa chọn nội dung giám sát; chất lượng một số cuộc giám sát còn hạn chế, chưa đưa ra những kiến nghị cụ thể sau giám sát, chưa giám sát kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát...

Một số địa phương mới chú trọng hình thức giám sát theo đoàn và phối hợp giám sát; chưa quan tâm đến giám sát theo hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản. Phương pháp giám sát chưa thu hút được sự quan tâm, tham gia của Nhân dân. Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng nhiều nơi còn hạn chế, hình thức. Việc theo dõi, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị sau giám sát, theo dõi, đôn đốc, tiếp thu, phản hồi sau phản biện xã hội ở nhiều nơi chưa được chú trọng. Một số địa phương, điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí cho công tác giám sát và phản biện xã hội còn khó khăn, kính phí bảo đảm cho công tác giám sát, phản biện, nhất là cho hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng còn nhiều hạn chế, vướng mắc.

Nghiên cứu, điều chỉnh các hình thức giám sát, phản biện phù hợp với yêu cầu, thực tiễn

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Ngọc Ánh, qua sơ kết 5 năm triển khai thi hành Nghị quyết liên tịch 403 cho thấy một số nội dung của Nghị quyết cần được sửa đổi, bổ sung như: bổ sung quy định cụ thể về đối tượng của phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; bổ sung quy định cụ thể thời điểm thực hiện phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản trong quy trình soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan chủ trì soạn thảo phải gửi văn bản đề nghị và dự thảo văn bản đến Mặt trận Tổ quốc cùng cấp để thực hiện phản biện xã hội; trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, phản hồi ý kiến phản biện của Mặt trận Tổ quốc đối với dự án, dự thảo văn bản.

Sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đối với công tác phản biện xã hội các dự án, dự thảo văn bản, chính sách theo hướng tăng cường chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tới các cơ quan của Quốc hội trong việc phối hợp các chương trình giám sát giữa hai cơ quan; quy định cụ thể về trách nhiệm của Chính phủ trong việc chỉ đạo các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật về việc gửi văn bản đến Mặt trận Tổ quốc để phản biện. Nghiên cứu, điều chỉnh các hình thức giám sát, phản biện phù hợp với yêu cầu, thực tiễn, khả năng thực hiện và điều kiện bảo đảm…

Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến đánh giá cao tinh thần chủ động của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc sơ kết, chuẩn bị báo cáo để trình tại phiên họp với cách thức triển khai sơ kết khá bài bản, khoa học. Đồng thời, đánh giá nội dung báo cáo được xây dựng khá đầy đủ về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện công tác tuyên truyền nghị quyết ở Trung ương và địa phương. Công tác phối hợp, chia sẻ giữa Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp với Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp, ý kiến của Chủ tịch Quốc hội để xây dựng dự thảo báo cáo chung của 3 cơ quan (Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc) nêu bật vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc trong thời gian qua, đánh giá nhận thức các cơ quan đối với giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền.

Đề nghị cần đánh giá sâu sắc hơn nữa, có thêm nội dung báo cáo của Chính phủ để tổng hợp một cách đầy đủ toàn diện, cần đưa ra được các số liệu chứng minh cho kết quả đạt được, chưa đạt được trong thực hiện Nghị quyết để làm căn cứ cho việc đánh giá cả định tính và định lượng về chất lượng, hiệu quả giám sát, phản biện xã hội, cũng như nêu rõ những vướng mắc, khó khăn để triển khai thực hiện trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, tiếp tục gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ bằng văn bản trước khi ký ban hành. Đồng thời, giao Thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo dõi, phối hợp về nội dung sửa đổi Nghị quyết liên tịch số 403 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan./.

Tú Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực