Cuối tháng 4, đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông thử nghiệm chở khách

Thứ ba, 19/03/2019 21:47
(ĐCSVN) - Ông Vũ Hồng Trường, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho biết, Công ty đang tích cực triển khai các công tác để tiếp nhận, vận hành và khai thác tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh – Hà Đông. Với tiến độ như hiện nay, đến cuối tháng 4/2019, tuyến đường sắt này có thể thử nghiệm chở khách.
Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội Vũ Hồng Trường thông tin với phóng viên. (Ảnh:TA)

Thông tin cụ thể với báo giới chiều 19/3, ông Vũ Hồng Trường cho biết, tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông, điểm đầu là Ga Cát Linh, điểm cuối là Ga Yên Nghĩa, có chiều đài 13,05 km, gồm 12 nhà ga trên cao, 13 đoàn tàu. Mỗi đoàn tàu gồm 4 toa. Mỗi toa chở được 240 hành khách. Mỗi chuyến chở được 960 hành khách.

Thời gian mở tuyến từ 5h và đóng tuyến vào 23h. Tần suất giờ cao điểm từ 5-6 phút/chuyến, giờ bình thường 10 phút/chuyến. Vận tốc khai thác bình quân là 35km/h. Thời gian đi từ đầu tuyến đến cuối tuyến bình quân hết 23 phút. Hành khách lên xuống tàu có thang máy, thang cuốn, thang bộ.

Về phương án giá vé, ông Vũ Hồng Trường cho biết, ngày 5/3/2019, UBND TP Hà Nội đã họp thông qua phương án giá vé, hiện đang được lấy ý kiến đóng góp của nhân dân. Cụ thể, giá vé gồm vé lượt (vé chặng) được tính theo khoảng cách đi lại thực tế giữa các ga, gồm giá mở cửa 7.000 đồng + đơn giá 600 đồng x khoảng cách đi lại (km). Vé tháng có 2 loại, loại bình thường là 200.000 đồng/tháng và loại ưu tiên là 100.000 đồng/tháng. Ngoài ra, còn có vé ngày (giá vé 30.000 đồng/ngày, không giới hạn số lượt đi và được tính từ thời điểm mua đến thời điểm đóng tuyến).

Theo ông Vũ Hồng Trường, phương án giá vé trên được xây dựng dựa trên 5 tiêu chí: Thu nhập người dân và khả năng chi trả; sự cạnh tranh với các phương tiện khác; khảo sát chi phí người dân; cân đối chi phí vận hành và khả năng trợ giá của ngân sách Nhà nước. So với giá vé xe buýt cùng hạng thì mức giá đường sắt đô thị như trên cao hơn 1,57 lần, nhưng tốc độ di chuyển lại nhanh hơn 2,1 lần so với xe buýt (không kể xe buýt bị tắc đường).

Trong 1 ngày, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông sẽ vận hành 288 lượt, năng lực vận chuyển tối đa 260-270 nghìn hành khách mỗi ngày, đáp ứng vận chuyển 55-65% tổng lưu lượng giao thông trên tuyến. Trong 3 năm đầu khai thác, vận hành, trung bình 1 năm tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông sẽ vận chuyển từ 30-40 triệu hành khách, năng lực vận chuyển này sẽ tăng dần theo các năm.

Để chuẩn bị tiếp nhận, vận hành khai thác tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, công ty đang tiến hành 6 nhóm công việc: Hoàn thiện các hành lang pháp lý; xây dựng phương án giá vé và chính sách ưu tiên, ưu đãi cho hành khách đi lại trên tuyến; chuẩn bị về nhân lực; hoàn thiện các quy trình vận hành, bảo trì phục vụ công tác vận hành thử.

Trả lời câu hỏi của báo giới, ông Vũ Hồng Trường thông tin, 37 lái tàu đầu tiên được tuyển chọn đã trải qua quá trình 1 năm học lý thuyết, thực hành lái tàu tại Trung Quốc và hiện tiếp tục lái tại Việt Nam với quy trình sát hạch kỹ càng.

Thông tin tại cuộc họp, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, hiện nay, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội đang trình UBND TP phương án để tăng cường kết nối, trung chuyển hành khách giữa hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt với tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh - Hà Đông.

Theo đó, Sở GTVT kiến nghị điều chỉnh 04 tuyến buýt trùng lộ trình với tuyến đường sắt đô thị 2A, trong đó chuyển tuyến 02 Bác Cổ - Bến xe Yên Nghĩa thành Bác Cổ - Bến xe Mỹ Đình; tuyến 27 từ Bến xe Yên Nghĩa - Nam Thăng Long thành KĐT Định Công - Nam Thăng Long; tuyến 33 từ Bến xe Yên Nghĩa - Xuân Đỉnh thành Cụm công nghiệp Thanh Oai - Xuân Đỉnh; điều chỉnh hợp nhất 2 nhánh tuyến 21A và 21B thành tuyến buýt ngang 21 KĐT Pháp Vân, Tứ Hiệp - Trần Vỹ.
 
Tại ga Cát Linh, Sở kiến nghị điều chỉnh điểm đầu cuối tuyến 90 (Kim Mã - Nội Bài thành Hào Nam - Nội Bài) và điều chỉnh lộ trình tuyến 25. Tại Bến xe Yên Nghĩa, mở mới và đưa vào hoạt động 5 tuyến buýt có điểm đầu tại bến xe Yên Nghĩa trong năm 2019, gồm: Bến xe Yên Nghĩa - Phùng; Bến xe Yên Nghĩa - Hoài Đức; Bến xe Yên Nghĩa - Miếu Môn; Bến xe Yên Nghĩa - Hồng Dương (Thanh Oai); Bến xe Yên Nghĩa - Chúc Sơn - Thị trấn Kim Bài.
 
Cùng với đó, trên dọc lộ trình tuyến đường sắt đô thị 2A sẽ bổ sung 17 điểm, di chuyển 09 điểm dừng xe buýt. Sau khi tổ chức lại, toàn tuyến có tổng số 65 điểm dừng (tính cả 2 chiều) với cự ly bình quân giữa các điểm dừng khoảng 400m. Ngoài ra, Sở đề xuất bổ sung thêm 14 nhà chờ xe buýt, nâng tổng số điểm dừng có nhà chờ lên 28 điểm.
 
Như vậy, sau điều chỉnh tại Ga Cát Linh sẽ có 7 tuyến buýt kết nối, tại Bến xe Yên nghĩa sẽ có 11 tuyến buýt kết nối. Tại các ga sẽ có từ 2 tuyến buýt trở lên để kết nối, trung chuyển hành khách với đường sắt đô thị./.

Trung Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực