Chiều 29/8, tại Nhà Quốc hội, sau 2 ngày làm việc khẩn trương hiệu quả, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 6 đã bế mạc, hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.
Trước khi tiến hành bế mạc, Hội nghị thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Một trong những nội dung được quan tâm là quy định kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử.
Dự thảo Luật đã quy định cụ thể loại thuốc được kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử. Cụ thể, quy định “Thuốc được bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử phải thuộc Danh mục thuốc không kê đơn trừ thuốc thuộc Danh mục hạn chế bán lẻ, thuốc phải kiểm soát đặc biệt”; “Thuốc, nguyên liệu làm thuốc được bán buôn theo phương thức thương mại điện tử trừ các thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt”.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn TP Hà Nội) nhận xét, nội dung này đã được Ban soạn thảo chỉnh sửa rất nhiều lần. Qua đó, nổi lên 2 nội dung chính. Đó là nếu bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử thì sẽ thực hiện danh mục thuốc không kê đơn. Tuy nhiên, Dự thảo quy định một hình thức nữa là bán buôn theo phương thức thương mại điện tử, tức là bán cả thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn, các thuốc quản lý đặc biệt và nguyên liệu làm thuốc.
|
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn TP Hà Nội) phát biểu ý kiến. |
Đại biểu cho rằng việc triển khai hình thức này sẽ rất vướng mắc trong thực tiễn, bởi vì nếu kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử thì khó phân biệt được hình thức bán buôn hay bán lẻ. Theo quy định việc bán buôn thuốc không phải là bán nhiều, bán lẻ thuốc không phải là bán ít mà bán buôn thuốc là bán cho một cơ sở có pháp nhân, bán lẻ thuốc là bán đến tay người tiêu dùng. Như vậy, cơ sở bán buôn thuốc cần phải chứng minh được mình bán cho ai, bán cho một nhà thuốc hoặc một công ty dược.
Đại biểu phân tích, pháp luật quy định nếu cơ sở kinh doanh thuốc mà không bán đúng đối tượng vào các cơ sở có pháp nhân thì bị phạt từ 20 triệu đến 30 triệu đồng. Như vậy, trong giao dịch bán buôn thuốc thực tế thì cơ sở bán buôn thuốc có trách nhiệm xác định bên có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược để thực hiện việc mua bán. Trên môi trường thương mại điện tử thì trách nhiệm này thuộc về bên bán thuốc hay là bên sàn thương mại điện tử? Sàn thương mại điện tử lại không phải là cơ sở kinh doanh dược nên rất khó phân biệt được giữa hình thức bán buôn và bán lẻ.
Hơn nữa, theo đại biểu, việc quy định là thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn, nguyên liệu làm thuốc thực sự cũng rất khó khăn, bởi vì có rất nhiều loại thuốc phải kê đơn theo giới hạn nồng độ. "Acyclovir là thuốc bôi ngoài da, nếu với nồng độ dưới 5% là thuốc không kê đơn nhưng trên 5% lại là thuốc kê đơn, như vậy chúng ta rất khó phân biệt là thuốc kê đơn hay không kê đơn trên sàn giao dịch thương mại điện tử" - đại biểu nêu ví dụ.
Từ đó, đại biểu khẳng định quan điểm “đã thương mại điện tử thì chỉ bán thuốc không kê đơn”. Đây là một mô hình rất nhiều nước trên thế giới đã áp dụng việc thực hiện thương mại điện tử với thuốc không kê đơn.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội) nêu rõ, dự luật quy định “thuốc bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử phải thuộc danh mục thuốc không kê đơn, trừ thuốc thuộc danh mục hạn chế bán lẻ, thuốc phải kiểm soát đặc biệt” là đúng nhưng chưa đủ. Bởi việc khám, chữa bệnh từ xa đang dần phát triển; do đó tất nhiên phải là kê đơn điện tử, bệnh án điện tử….
Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc có thêm quy định cho phép bán thuốc qua mạng cho những trường hợp thực hiện khám, chữa bệnh từ xa với hai điều kiện: Một là, thuốc phải do một nhà thuốc có uy tín, được cho phép mới cung cấp thuốc. Hai là, người giao hàng phải là người có đăng ký và nhà thuốc đó có danh sách quản lý.
“Việc khám, chữa bệnh từ xa, kê đơn từ xa để đưa thuốc đến là việc không ngăn chặn được, sớm, muộn cũng xảy ra và xảy ra rất mạnh mẽ”, đại biểu nói.
|
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu bế mạc Hội nghị. |
Kết thúc nội dung thảo luận, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã bế mạc, hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.
Phát biểu bế mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh khẳng định, qua 2 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đã thảo luận 11 dự án luật, gồm: dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Luật Công chứng (sửa đổi), Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Luật Phòng không nhân dân, Luật Công đoàn (sửa đổi), Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Luật Địa chất và khoáng sản, Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Luật Điện lực (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội; tiếp tục lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan để hoàn chỉnh dự thảo luật, báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để trình Quốc hội thảo luận, xem xét tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV./.