|
OPEC lo ngại về tác động của COVID-19 đối với giá dầu thế giới.
(Ảnh: EPA-EFE/ Christian Bruna)
|
Đây là nhận định do Bộ trưởng Dầu lửa Algerie - Mohamed Arkab, hiện là Chủ tịch Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đưa ra khi trả lời báo chí, ngày 3/3.
Theo sự lý giải của ông Arkab thì hiện nhiều nhà máy, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất ô tô đã buộc phải ngừng hoạt động, kéo theo nhiều hệ lụy đối với toàn bộ chuỗi sản xuất ở Trung Quốc – nước tiêu thụ dầu mỏ số 1 thế giới và một số nước láng giềng khác.
Trong khi đó, sự bùng phát của dịch bệnh Covid -19 ở ngoài lãnh thổ Trung Quốc đã tác động nghiêm trọng tới các hoạt động giao thông vận tải, khiến nhu cầu đối với dầu thô và các sản phẩm từ dầu bị tụt giảm. Điều này đòi hỏi các nước đã từng ký kết bản Tuyên bố hợp tác (Declaration of Cooperation), gồm cả các nước trong và ngoài OPEC, cần đóng vai trò quan trọng trong việc khôi phục sự ổn định và đưa thị trường dầu mỏ thế giới về thế cân bằng.
Kết thúc phiên họp kéo dài 9 tiếng đồng hồ, ngày 3/3, Ủy ban kỹ thuật thuộc Liên minh OPEC + (gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC và các nước đồng minh như Nga) cũng đã ra khuyến nghị các nước tiếp tục cắt giảm sản lượng xuống 0,6-1,0 triệu thùng dầu/ngày trong quý II năm nay trước những lo ngại về tác động của dịch bệnh Covid -19. Theo đó, các nước OPEC+ sẽ cắt giảm sản lượng ở mức 1,7 triệu thùng dầu/ngày so với mức khai thác vào tháng 10/2018 và sẽ giữ nguyên định mức này cho tới cuối năm 2020.
Trước những lo ngại về Covid -19, Ban thư ký OPEC vừa ra thông báo giới hạn số đại biểu tham dự các phiên họp bộ trưởng diễn ra trong các ngày 4-6/3 xuống mức tối thiểu. Trong khi báo chí sẽ không được tham dự phiên họp thứ 18 Ủy ban Giám sát hỗn hợp OPEC và ngoài OPEC (JMMC), phiên họp bất thường lần thứ 178 OPEC cùng phiên họp cấp Bộ trưởng lần thứ 8 của các nước trong và ngoài OPEC.
Tình hình dịch bệnh Covid -19 tiếp tục diễn biến nghiêm trọng
Theo số liệu do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa công bố, trong ngày 3/3, thế giới đã ghi nhận thêm 1.922 ca nhiễm Covid -19, với 1.792 ca ở Trung Quốc. Như vậy cho tới nay, thế giới đã có 90.870 ca nhiễm Covid -19 (với 80.304 ở Trung Quốc và 10.566 ở các nước khác). Số ca tử vong vì Covid -19 tính đến thời điểm hiện tại là 2.946 trường hợp, trong đó chủ yếu là ở Trung Quốc còn lại 166 trường hợp được ghi nhận ở các nước khác.
Ngoài Trung Quốc, các nước ghi nhận nhiều ca nhiễm Covid -19 nhất là: Hàn Quốc, Italy và Iran. Bộ Y tế Italy cho biết tính đến cuối ngày 3/3 ở nước này có tổng cộng 2.502 ca mắc COVID-19 với 79 ca tử vong, tăng so với 2.036 ca mắc Covid -19 và 52 ca tử vong của ngày trước đó, đưa số ca nhiễm Covid -19 tại quốc gia châu Âu này cao thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc đại lục và Hàn Quốc.
Theo cập nhật của Hãng tin Yonhap lúc 8h10 ngày 4/3, trong ngày hôm qua số ca COVID-19 ở Hàn Quốc tăng thêm 516 ca, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 5.328 ca. Trong khi đó, số ca tử vong vì Covid -19 ở Hàn Quốc đã tăng lên 32 ca, theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC).
Theo tính toán của WHO, với nhu cầu hiện nay, mỗi tháng, thế giới sẽ cần tới 89 triệu khẩu trang y tế và 76 triệu găng tay y tế nhằm ứng phó với sự lây lan của dịch bệnh Covid -19.
“WHO kêu gọi các ngành công nghiệp và chính phủ các nước tăng cường sản xuất thêm 40 % để đáp ứng nhu cầu đang gia tăng trên thế giới…WHO cũng đã cảnh báo rằng, sự gián đoạn nghiêm trọng và xáo trộn đối với việc cung cấp thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) trên toàn cầu- gây ra bởi nhu cầu tăng cao, tâm lý hoảng loạn, các hành vi tích trữ và lạm dụng, đang khiến cuộc sống của con người phải đối mặt với những rủi ro từ dịch bệnh Covid -19 và các bệnh truyền nhiễm khác” – thông điệp của WHO nêu rõ./.