Ngày 28/9, lưỡng viện Mỹ đã vô hiệu hóa quyền phủ quyết của Tổng thống đối với JASTA
để chính thức ban hành văn bản này thành luật. (Ảnh: foxnews.com)
Trong tuyên bố đăng tải trên hãng thông tấn Saudi Press Agency, ngày 29/9, một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Saudi Arabia nêu rõ, nhiều nước trên thế giới không tán thành việc xóa bỏ nguyên tắc về đặc miễn quốc gia ngoại quốc – vốn đã trở thành kim chỉ nam trong các mối quan hệ quốc tế từ nhiều thế kỷ trước. Chính vì thế, các hành vi vi phạm nguyên tắc này sẽ để lại tác động tiêu cực đối với tất cả các nước khác trên thế giới, trong đó có Mỹ. “Đây cũng chính là lý do tại sao từ Tổng thống, Bộ trưởng Quốc phòng, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân cho tới Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ đều tỏ rõ quan điểm phản đối ngay từ thời điểm bản dự thảo JASTA được hình thành” – tuyên bố trên nêu rõ.
Theo lập luận của quan chức Bộ Ngoại giao Saudi Arabia thì hiện nhiều nước đã công khai phản đối JASTA, chưa kể tới việc hàng chục chuyên gia an ninh quốc gia Mỹ đã lường trước về những “mối nguy hiểm” tiềm tàng của văn bản này. Từ đó, đại diện ngoại giao trên của Saudi Arabia hy vọng, Quốc hội Mỹ sẽ nhìn nhận vấn đề một cách “khôn ngoan” và đưa ra những thay đổi cần thiết đối với JASTA để có thể tránh được những hậu quả nghiêm trọng mà không ai mong muốn.
Trước đó, ngày 28/9, lưỡng viện Mỹ đã lần đầu tiên biểu quyết vô hiệu hóa quyền phủ quyết của Tổng thống Barack Obama đối với JASTA – một văn bản vốn được các nhà làm luật Mỹ cho rằng không nhằm mục tiêu trước tiên vào Saudi Arabia mà nhằm ưu tiên lợi ích của gia đình và các nạn nhân trong vụ khủng bố 11/9. Điều này cũng đồng nghĩa với việc những lời cảnh báo và những nỗ lực “vận động hành lang” của chính quyền Riyadh đã không đủ sức thuyết phục để ngăn cản cơ quan lập pháp Mỹ thông qua dự luật cho phép gia đình và các nạn nhân trong vụ khủng bố đẫm máu từ hơn 15 năm trước có quyền kiện Saudi Arabia về những cáo buộc liên quan.
Giới chuyên gia cho rằng, hành động mới nhất của Quốc hội Mỹ sẽ không chỉ đơn thuần vấp phải những chỉ trích mạnh mẽ từ phía Saudi Arabia mà quốc gia Ả rập vốn được biết đến là có mối quan hệ lâu dài và phức tạp với Washington này có khả năng sẽ cân nhắc tới một loạt các biện pháp đáp trả về ngoại giao và thương mại. Trong số các biện pháp có nhiều khả năng được Saudi Arabia áp dụng sẽ bao gồm: cắt ngắn các cuộc tiếp xúc chính thức, rút hàng tỷ USD thuộc sở hữu của nước này tại nền kinh tế Mỹ và sử dụng quyền chi phối để thuyết phục các nước đồng minh thân cận trong 6 nước thuộc Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC – gồm: Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất) thu hẹp hợp tác chống khủng bố, đầu tư hay thậm chí là quyền tiếp cận của Mỹ đối với các căn cứ không quân quan trọng trong khu vực.
Ông Abdulkhaleq Abdullah – một chuyên gia về vùng Vịnh và là Giáo sư môn khoa học chính trị thuộc Đại học Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất nhấn mạnh: “Mỹ và các nước khác trên thế giới cần nhận thức rõ ràng rằng, khi một thành viên của GCC bị đối xử không công bằng thì các nước còn lại sẽ hành động để hậu thuẫn…Tất cả các nước này sẽ sát cánh bên Saudi Arabia theo mọi cách thức có thể” .
Còn nhớ, vào thời điểm Saudi Arabia muốn gây sức ép lên Qatar để hạn chế sự ủng hộ của nước này đối với phong trào Anh em Hồi giáo tại Ai Cập hồi năm 2014, chính quyền Riyadh đã thực hiện một bước đi “chưa từng có tiền lệ”, đó là rút Đại sứ các nước Arab thuộc vùng Vịnh khỏi Doha và có những động thái nhằm cô lập quốc gia nhỏ bé song giàu trữ lượng dầu mỏ này trong GCC. Cũng vào năm ngoái, Saudi Arabia đã đưa ra biện pháp quyết liệt sau khi Ngoại trưởng Thụy Điển Margot Wallstrom chỉ trích Riyadh về vấn đề nhân quyền và buộc Stockholm phải rút lại tuyên bố.
Nhà cựu ngoại giao Mỹ Chas Freeman cho rằng, Saudi Arabia có khả năng sẽ phản ứng theo cách nhằm “gây tổn hại” đến các lợi ích chiến lược của Mỹ, gồm việc đưa ra những nguyên tắc bắt buộc đối với các chuyến bay giữa châu Âu và châu Á cũng như đưa ra quy định đối với căn cứ không quân tại Qatar – vốn đang được Mỹ sử dụng trong các chiến dịch quân sự tại Afghanistan, Iraq và Syria.
Tuy nhiên, ông Fahad Nazer – người từng giữ vị trí chuyên gia phân tích chính trị tại Đại sứ quán Saudi Arabia ở Washington lại cho rằng, sẽ không có khả năng Saudi Arabia phản ứng việc Quốc hội Mỹ ban hành JASTA bằng cách thu hẹp hợp tác chống khủng bố với Mỹ bởi cuộc chiến này đang mang lại lợi ích cho cả hai phía.
Trong khi đó, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hội đồng doanh nghiệp Mỹ - Saudi Arabia Ed Burton nhận định, các mối quan hệ kinh doanh giữa hai nước sẽ tiếp tục được duy trì ngay cả khi một số thỏa thuận tiềm năng có nguy cơ bị tác động bởi JASTA.
Hiện vẫn đang xuất hiện nhiều nhận định khác nhau về những diễn biến tiếp theo trong quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia sau khi JASTA được ban hành thành luật. Tuy nhiên, lời khuyến cáo của Bộ Ngoại giao Saudi Arabia có nhiều khả năng sẽ mở màn cho “một giai đoạn mới” trong mối quan hệ kéo dài 8 thập kỷ giữa Riyadh và Washington. Thậm chí sự thay đổi này có thể sẽ mang lại những “khác biệt đáng kể” so với giai đoạn quan hệ nồng ấm giữa hai nước dưới thời cựu Tổng thống Mỹ George W.Bush. Chính vì thế, điều quan trọng hiện nay là cả Saudi Arabia và Mỹ cần thực hiện những bước đi tiếp theo một cách thận trọng và cân nhắc tới những lợi ích ràng buộc, cũng như các mối quan tâm chung giữa hai nước để tránh nguy cơ phải đối mặt với những hậu quả “không mong muốn” như cơ quan ngoại giao Saudi Arabia vừa tuyên bố./.