Đón nhận xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam

Thứ tư, 24/07/2024 15:43
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Địa điểm căn cứ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam giai đoạn 1962-1975 là nơi ghi dấu sự kiện mang nhiều giá trị lịch sử. Để bảo tồn, lưu giữ giá trị lịch sử của Di tích, cấp ủy, chính quyền tỉnh Tây Ninh và các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân để mọi người hiểu, thẩm thấu sâu sắc hơn giá trị truyền thống lịch sử cách mạng của dân tộc.
 Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cùng các đồng chí lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương và tỉnh Tây Ninh tham dự buổi Lễ

Đó là nhấn mạnh của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tại Lễ đón nhận xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam giai đoạn 1962 - 1975 (xã Tân Bình, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh), được diễn ra vào ngày 24/7/2024. Buổi Lễ do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tỉnh ủy Tây Ninh tổ chức.

Tham dự buổi Lễ có các đồng chí đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương và tỉnh Tây Ninh; các đồng chí trong Ban Liên lạc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam; đại diện Thường trực và lãnh đạo Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận.

Buổi Lễ còn có sự tham dự của đồng chí Thống tướng Kun Kim, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng Nhân dân Campuchia, Bộ trưởng cấp cao, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Cựu chiến binh Campuchia, cùng các đồng chí trong Đoàn công tác của Hội Cựu chiến binh Campuchia. 

Buổi Lễ còn có sự tham dự của đồng chí Thống tướng Kun Kim, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng Nhân dân Campuchia, Bộ trưởng cấp cao, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Cựu chiến binh Campuchia, cùng các đồng chí trong Đoàn công tác của Hội Cựu chiến binh Campuchia.

Trong không khí trang trọng, xúc động, tại buổi Lễ, các đại biểu đã cùng ôn lại những đóng góp to lớn mang tính quyết định của Trung ương Cục miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam.

Sau thắng lợi của phong trào Đồng Khởi, để kịp thời lãnh đạo phong trào cách mạng ở miền Nam, ngày 23/01/1961, Hội nghị lần thứ ba Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) đã quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam (thay thế Xứ uỷ Nam Bộ trước đó), đặt dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng mà thường xuyên là Bộ Chính trị. Ngày 10/10/1961 tại Hội nghị lần thứ Nhất, Trung ương Cục miền Nam đã chính thức thành lập bộ máy lãnh đạo của Trung ương Cục do đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Bí thư, đồng chí Võ Chí Công, Phan Văn Đáng (Hai Văn) làm Phó Bí thư.

  Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cùng các đại biểu dâng hương tại Di tích lịch sử quốc gia Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam

Ngày 23/11/1961, Hội nghị Trung ương Cục miền Nam họp tại Mã Đà, căn cứ chiến khu Đ (nay là tỉnh Đồng Nai) đã quyết định thành lập Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam do đồng chí Nguyễn Văn Linh - Bí thư Trung ương Cục làm Trưởng ban. Năm 1962, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam quyết định chuyển trụ sở về Lò Gò - Bến Ra - Xa Mát, huyện Châu Thành (nay là huyện Tân Biên), tỉnh Tây Ninh để có điều kiện mở rộng căn cứ.

Trong kháng chiến, công tác tư tưởng chính trị là mặt trận hàng đầu đi trước một bước, góp phần quyết định tạo nên phong trào cách mạng. Chấp hành chỉ đạo trực tiếp của Thường vụ Trung ương Cục miền Nam, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam đã chủ động sáng tạo, nghiên cứu tình hình, đề ra chủ trương, phương hướng công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng trong và ngoài Đảng, công tác văn hóa, giáo dục quần chúng; biên soạn tài liệu hướng dẫn công tác tuyên truyền cho cấp dưới; chỉ đạo nghiệp vụ cho ngành tuyên huấn các cấp, đào tạo cán bộ cơ sở. Đặc biệt, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam đã tham mưu kịp thời, sát đúng về công tác chính trị tư tưởng trong từng giai đoạn cách mạng, nhất là những thời điểm bước ngoặt của cách mạng miền Nam: chống chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ, chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh và cách mạng miền Nam sau khi ký kết Hiệp định Paris... Phong trào yêu nước và các khẩu hiệu hành động cách mạng dấy lên trên khắp miền Nam như: “Thi đua giết giặc, lập công”, “Thi đua Ấp Bắc”, “Năm xung phong”,…Các danh hiệu: Anh hùng, “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Dũng sĩ diệt xe cơ giới”. Những khẩu hiệu này đã chuyển tải lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc, quyết tâm chống Mỹ, cứu nước của cả dân tộc…

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm đón Bằng xếp hạng Di tích quốc gia căn cứ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam.

Góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc, hàng trăm anh hùng liệt sĩ thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam đã anh dũng hy sinh; nhiều tập thể, cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó có 03 cơ quan gồm: Thông tấn xã Giải phóng, Nhà in Trần Phú và Điện ảnh Giải phóng thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam; nhiều đồng chí được trao tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, huân chương hạng nhất, nhì, ba,… Với những thành tích đặc biệt trên, tháng 01/2015, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam đã được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ cứu nước.

Phát biểu tại buổi Lễ, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam giai đoạn 1962 - 1975 là sự kiện có ý nghĩa sâu sắc, là niềm vinh dự, tự hào của nhiều thế hệ cán bộ ngành Tuyên giáo, thể hiện sự tri ân trước những cống hiến, hy sinh của các anh hùng liệt sĩ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cùng tham dự buổi Lễ trang trọng và xúc động này, có các đồng chí trong Đoàn cán bộ của Đảng Nhân dân Campuchia. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, Việt Nam và Campuchia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao từ ngày 24/6/1967, nhưng sự gắn bó, đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước đã được hun đúc từ những năm tháng cùng chung chiến hào, đánh bại chế độ thực dân, đế quốc, giải phóng dân tộc, kề vai sát cánh lật đổ chế độ diệt chủng Khơ me Đỏ, hồi sinh đất nước Campuchia. Lịch sử hào hùng của Tây Ninh và Trung ương Cục miền Nam đã minh chứng những năm tháng đoàn kết, vượt qua khó khăn, gian khổ và thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp cách mạng của hai nước. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, mối quan hệ hữu nghị, truyền thống của hai dân tộc láng giềng được thử thách, tôi luyện và ngày càng khăng khít, bền chặt dưới sự chung tay vun đắp của hai Đảng, Chính phủ và Nhân dân hai nước.

Quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai nước thời gian qua giữ được đà phát triển ổn định. Trong hai ngày 12 - 13/7 vừa qua, đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước đã dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp Nhà nước tới Campuchia. Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì tiếp xúc, trao đổi thường xuyên, các cơ chế hợp tác song phương tiếp tục phát huy hiệu quả; hợp tác kinh tế tiếp tục là điểm sáng trong quan hệ hai nước. Việt Nam luôn nhất quán quan điểm đối ngoại “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” với Campuchia.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi Lễ.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, chúng ta trân trọng tình đoàn kết, sự chung vai, sát cánh bên nhau giữa hai dân tộc trong các cuộc chiến tranh vệ quốc, vì độc lập tự do, vì hòa bình, ổn định của khu vực. Việt Nam sẽ làm hết sức mình để cùng Campuchia vun đắp mối quan hệ hai nước, hai dân tộc ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả trên các lĩnh vực.

"Trong buổi Lễ trang trọng hôm nay, chúng ta bồi hồi tưởng nhớ các liệt sỹ là chuyên gia, quân tình nguyện Việt Nam đã hy sinh trong cuộc đấu tranh chống chế độ diệt chủng Pol Pot và hồi sinh đất nước Campuchia. Chúng ta càng trân trọng hơn mối quan hệ gắn bó, tương trợ lẫn nhau trong lịch sử đấu tranh, bảo vệ và xây dựng đất nước của hai nước, hai dân tộc", đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị: Địa điểm căn cứ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam giai đoạn 1962-1975 là nơi ghi dấu sự kiện mang nhiều giá trị lịch sử, góp phần tích cực giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho mỗi người Việt Nam. Để bảo tồn, lưu giữ giá trị lịch sử của Di tích, cấp ủy, chính quyền tỉnh Tây Ninh và các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân về nội dung của Luật Di sản văn hóa, để Nhân dân cùng tham gia bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích; phối hợp với ngành du lịch, với các cơ quan thông tin truyền thông kết nối di tích với các di tích khác trong tỉnh, trong vùng nhằm tạo ra sản phẩm du lịch mới; nâng cao chất lượng hướng dẫn tham quan để du khách và Nhân dân hiểu thẩm thấu sâu sắc hơn giá trị truyền thống lịch sử cách mạng của dân tộc.

Cũng tại buổi Lễ hôm nay, trong niềm tự hào về truyền thống 94 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển của ngành Tuyên giáo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, thời gian tới, toàn Ngành cần chủ động, tích cực hơn nữa trong tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy đảng các cấp các giải pháp về công tác tuyên giáo; làm cho công tác tuyên giáo gắn chặt và bám chắc với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị, với phong trào cách mạng của quần chúng, kịp thời giải đáp đúng và trúng những vấn đề đặt ra trong đời sống xã hội; lan tỏa và nhân rộng những gương điển hình tiên tiến; bồi dưỡng niềm tin của Nhân dân vào mục tiêu, lý tưởng, chủ trương, đường lối của Đảng.

Trong dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024) và kỷ niệm 94 năm Ngày Truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (01/8/1930 - 01/8/2024), cũng trong sáng ngày 24/7, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Tây Ninh tổ chức Lễ viếng Nghĩa trang liệt sĩ Đồi 82; Lễ truy điệu, Lễ an táng hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Campuchia đưa về nước đợt 2, giai đoạn XXIII (mùa khô 2023 - 2024); Chương trình tiếp xã giao Đoàn đại biểu Hội Cựu chiến binh Campuchia.

Địa điểm căn cứ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam là nơi lưu giữ trường tồn di tích lịch sử của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam nói riêng và ngành Tuyên giáo nói chung. Trong những năm qua, địa điểm căn cứ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam là điểm về nguồn của ngành tuyên giáo các cấp, nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang của ngành Tuyên giáo và thắp hương tưởng niệm các thế hệ tiền bối cách mạng, anh hùng, liệt sĩ ngành tuyên giáo.

Qua đó, giáo dục, tiếp sức cho thế hệ trẻ tiếp tục phát huy khí phách của các thế hệ đi trước, vững bước đi trên con đường đầy gian khổ nhưng hết sức vinh quang và đáng tự hào của ngành Tuyên giáo Đảng, tích cực đóng góp thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

 

 

V.Lê-P.Đức

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực