Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành cần hết sức thận trọng

Thứ năm, 24/10/2019 20:56
(ĐCSVN) - Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, xây dựng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, gồm 3 giai đoạn đầu tư với mục tiêu khi hoàn thành sẽ đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 05 triệu tấn hàng hóa/năm.
 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khó XIV 

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV chiều nay (24/10): Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ke Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.. 

Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành: Cần hết sức thận trọng, chặt chẽ, bảo đảm cơ sở pháp lý

Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, xây dựng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, gồm 3 giai đoạn đầu tư với mục tiêu khi hoàn thành sẽ đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 05 triệu tấn hàng hóa/năm. Trong đó, giai đoạn 1, có tổng mức đầu tư gần 4,8 tỷ USD, có thể đón 25 triệu lượt khách/năm. Thời gian thực hiện từ năm 2020 đến 2025. Cảng hàng không quốc tế Long Thành được xếp vào dự án quan trọng quốc gia, được xác định theo hình thức và phương án đầu tư cho từng dự án thành phần. Theo đó, Chính phủ đề xuất giao Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư các hạng mục thiết yếu của dự án. Sau khi được Quốc hội cho ý kiến, việc lựa chọn nhà đầu tư cho sân bay Long Thành sẽ thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, để dự án có thể được khởi công vào đầu năm 2021.

Xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đạt cấp 4F, là Cửa khẩu hàng không cửa ngõ lớn và quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực ở giai đoạn 2, giai đoạn 3 của Dự án. Quy mô đầu tư giai đoạn 1: Đầu tư xây dựng 01 đường cất hạ cánh; 01 nhà ga hành khách với công suất 25 triệu hành khách/năm; nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm và các hạng mục phụ trợ.

Nhiều đại biểu cho rằng, đây là công trình quan trọng quốc gia, có liên quan đến quốc phòng, an ninh, cần giao cho các doanh nghiệp nhà nước có đủ điều kiện để huy động vốn đầu tư.

Thảo luận tại Tổ, các đại biểu phân tích, để bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia và đạt được hiệu quả đầu tư Dự án sân bay Long Thành, Quốc hội có thể giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định giao cho các doanh nghiệp nhà nước, có đủ điều kiện để huy động vốn không cần có sự bảo lãnh của Chính phủ, không gây nợ xấu, có năng lực quản lý vận hành cảng hàng không. Đại biểu Dương Trung Quốc, (đoàn Đồng Nai) cho rằng, giao cho các doanh nghiệp Nhà nước là một lựa chọn đúng cũng tương tự như đầu tư dự án đường cao tốc Bắc Nam, trong bối cảnh phương thức đầu thầu hiện nay còn nhiều bất cập và tiềm ẩn rủi ro.

Đại biểu Dương Trung Quốc, cho rằng: "Ai cũng biết phương thức đấu thầu là hết sức phù hợp với xu thế hiện nay, nhưng rõ ràng trên thực tế vừa qua việc thực hiện đấu thầu có những bất cập nảy sinh mà chúng ta chưa kịp điều chỉnh luật pháp. Vì vậy đã chuyển sang hình thức giao cho các doanh nghiệp Nhà nước huy động vốn đầu tư dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đại biểu Dương Trung Quốc lưu ý cần phải tạo điều kiện tối đa để huy động nguồn lực về công nghệ, kinh nghiệm. Thứ hai là phải giám sát thật chặt…"

Các đại biểu cho rằng, việc lựa chọn nhà đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai) cần hết sức thận trọng, chặt chẽ, bảo đảm cơ sở pháp lý. Theo quy định của pháp luật hiện hành về đấu thầu thì việc lựa chọn nhà đầu tư Dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Có ý kiến đề nghị Quốc hội có thể đồng ý giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định giao cho các doanh nghiệp nhà nước, có đủ điều kiện để huy động vốn không cần có sự bảo lãnh của Chính phủ, không gây nợ xấu, có năng lực quản lý vận hành cảng hàng không để trực tiếp đầu tư, quản lý, khai thác đồng bộ cảng hàng không này. Dự án gồm 3 giai đoạn đầu tư với mục tiêu khi hoàn thành sẽ đạt công suất 100 triệu hành khách mỗi năm. Giai đoạn 1 đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ với công suất 25 triệu hành khách một năm với tiến độ chậm nhất đưa vào khai thác là năm 2025.

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành có 3 giai đoạn đầu tư với mục tiêu khi hoàn thành sẽ đạt công suất 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Giai đoạn 1 đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga, công suất 25 triệu hành khách và hơn 1 triệu tấn hàng hóa một năm với tiến độ chậm nhất đưa vào khai thác trong năm 2025. Tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 là hơn 100.000 tỷ đồng. Nhiều đại biểu đề nghị việc triển khai quy hoạch xây dựng đô thị xung quanh phải phù hợp, đồng bộ với dự án sân bay Long Thành để tránh phát sinh những bất cập về an ninh quốc phòng và an toàn bay. Bên cạnh đó, việc đền bù giải phóng mặt bằng phải thống nhất về giá để đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Dự án hồ chứa nước Ka Pet: Cần cân nhắc, thận trọng khi phải phá 675ha rừng

Cũng thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet tại huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, nhiều đại biểu phân tích lợi ích về việc xây dựng hồ chứa nước có dung tích hơn 50 triệu m³ nước, nhằm tạo nguồn cung cấp nước ổn định, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp huyện Hàm Thuận Nam. Bởi đây là một trong những khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán nhất cả nước. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến của đại biểu băn khoăn về việc phải phá bỏ hàng trăm héc ta rừng để xây dựng hồ chứa nước này.

Đại biểu Trương Anh Tuấn, (đoàn Nam Định) cho rằng: "Chúng ta dành diện tích để làm hồ chứa nước là có lợi cho môi trường. Đây là công trình có ích cho xã hội, được Bộ Tài nguyên môi trường khảo sát và nhất trí. Tuy nhiên tôi rất băn khoăn về việc chúng ta sẽ phải phá bỏ 675ha rừng, trong đó có 162 ha rừng đặc dụng và hơn 400 ha rừng trồng. Vài ha rừng bị chặt hạ đã là lớn rồi. Nay lại quyết định phá nhiều rừng như thế. Có lần tôi đi giám sát thì thấy ở đây nhiều vùng cát trắng, rõ ràng diện tích rừng rất cần thiết ở đây, nên cần phải cân nhắc thận trọng.”  

* Trước đó, qua thẩm tra, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã nhất trí với sự cần thiết đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét tại huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

* Tại phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng thuận về việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng để xây dựng Hồ chứa nước Ka Pét có dung tích hơn 50 triệu m³ nhằm tạo nguồn cung cấp nước ổn định phục vụ cho sản xuất nông nghiệp huyện Hàm Thuận Nam, một trong những vùng thường xuyên xảy ra hạn hán nhất của cả nước./.

Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực