Tổng thống Cộng hòa Hungary Ader János và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, từ ngày 26-29/11/2014
Hung-ga-ri nằm giữa Trung Âu, có đường biên giới chung với các nước U-crai-na, Ru-ma-ni, Xéc-bi-a, Xlô-vê-ni-a, Crô-a-ti-a, Áo và Xlô-va-ki-a. Diện tích 93.030 km2. Dân số: 9.919.128 người (2016).
Hung-ga-ri theo mô hình dân chủ đại nghị. Tổng thống do Quốc hội bầu, nhiệm kỳ 5 năm. Quốc hội 1 viện gồm 199 ghế, hình thành từ danh sách trúng cử của các đảng lọt vào Quốc hội (phải đạt 5% tổng số phiếu bầu hợp lệ trở lên) và các đại biểu thắng cử trực tiếp tại các khu vực bầu cử. Quốc hội có nhiệm kỳ 4 năm. Thủ tướng do Tổng thống đề cử từ đảng hoặc liên minh giành được đa số trong Quốc hội và phải được Quốc hội bỏ phiếu thông qua. Các thành viên Chính phủ do Thủ tướng đề cử và Tổng thống bổ nhiệm.
Ngay từ năm 1968, Hung-ga-ri đã tìm cách tự do hóa nền kinh tế một cách giới hạn và từ năm 1990 đã chuyển hẳn sang nền kinh tế thị trường. Từ cuối năm 2008, Hung-ga-ri bị ảnh hưởng mạnh của khủng hoảng tài chính thế giới, thâm hụt ngân sách cao (9,5% GDP). Sang năm 2010, kinh tế Hung-ga-ri đã phục hồi: GDP tăng trưởng 0,8% và bắt đầu tăng trưởng dần đều trong các năm tiếp theo. Năm 2016 tăng trưởng GDP 1,9%; lạm phát 0%; thâm hụt ngân sách 2,5%; tỷ lệ thất nghiệp 6%. Dự kiến năm 2017, GDP của Hung-ga-ri sẽ tăng 4,1%, chủ yếu do tăng xuất khẩu và thu hút đầu tư của các nước ngoài EU (nhất là Nga và Thổ Nhĩ Kỳ).
Các ngành công nghiệp chủ chốt của Hung-ga-ri gồm: Chế tạo máy, thiết bị đo lường chính xác, ô tô, nhôm, lọc hóa dầu, hóa chất, dược phẩm, thiết bị y tế... Các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu gồm: Lúa mì, ngô, hạt hướng dương, củ cải đường, thịt gia súc, gia cầm, sữa... Hung-ga-ri quan hệ thương mại chủ yếu với các nước Châu Âu.
Xuất khẩu năm 2016 của Hung-ga-ri đạt 99,54 tỷ USD. Các mặt hàng xuất chủ yếu gồm: Máy móc, thiết bị (chiếm 53,5%); các sản phẩm chế tạo khác (31,2%); thực phẩm (8,7%); nguyên liệu thô (3,4%); nhiên liệu và điện (3,9%). Các đối tác xuất khẩu chủ yếu là: Đức (chiếm 25,6% tổng kim ngạch), Ru-ma-ni (6,2%), Xlô-va-kia (6,1%), Áo (6%), I-ta-li-a (4,8%), Pháp (4,8%), Anh (4,2%);
Nhập khẩu đạt 96,83 tỷ USD. Các mặt hàng nhập chủ yếu gồm: Máy móc, thiết bị (45,4%); các sản phẩm thiết bị khác (34,3%); nhiên liệu và điện (12,6%); thực phẩm (5,3%); nguyên liệu khác (2,5%). Các đối tác nhập khẩu chủ yếu là: Đức (25,5%), Nga (8,6%), Trung Quốc (8,7%), Áo (6,8%), Xlô-va-kia (5,8%), Ba Lan (4,9%), I-ta-li-a (4,4%), Séc (4,2%).
Hội nhập sâu rộng với EU vẫn là ưu tiên hàng đầu của Hung-ga-ri. Tuy nhiên, Thủ tướng Ô-rơ-ban Vích-tô-rơ đã có những điều chỉnh theo chiều hướng cứng rắn hơn, đề cao lợi ích dân tộc, cương quyết phản đối chính sách nhập cư của EU (xây dựng hàng rào biên giới với Xéc-bi-a và Cơ-ô-rát-ti-a; không tiếp nhận hạn ngạch phân bổ nhập cư của EU) và bảo vệ quyền lợi của cộng đồng gốc Hung-ga-ri ở các nước láng giềng. Tại khu vực Đông Âu, Hung-ga-ri tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước nhóm Visegrad (Séc, Xlô-va-kia, Ba Lan), đồng thời duy trì quan hệ kinh tế - thương mại tốt với Nga. Tại Châu Á, Hung-ga-ri chú trọng thúc đẩy quan hệ với các đối tác truyền thống, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam.
Hung-ga-ri là thành viên của các tổ chức khu vực và quốc tế như: EBRD (Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu), EIB (Ngân hàng Đầu tư Châu Âu), EU, FAO (Tổ chức Nông lương thế giới), IAEA (Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế), ICAO (Tổ chức Hàng không quốc tế), IMF, Interpol, IPU (Liên minh Bưu chính quốc tế), ISO (Tổ chức Tiêu chuẩn quốc tế), ITU (Liên minh Viễn thông quốc tế), NATO, OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Châu Âu), OIF (Tổ chức quốc tế Pháp ngữ - quan sát viên), OSCE (Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu), Hiệp ước Schengen, SECI (Sáng kiến Hợp tác Đông Nam Âu), UN (Liên hợp quốc), UNESCO, UNHCR (Cơ quan về Tị nạn của Liên hợp quốc), WHO (Tổ chức Y tế thế giới), WTO (Tổ chức Thương mại thế giới)...
Việt Nam và Hung-ga-ri thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 3/2/1950. Hung-ga-ri đã dành cho Việt Nam sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng đất nước. Những năm gần đây, quan hệ chính trị giữa hai nước ngày càng sâu sắc trên cơ sở tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, tạo nền tảng vững chắc để thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục, an ninh và quốc phòng. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là các đoàn cấp cao.
Cơ chế hợp tác song phương của Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế Việt Nam – Hung-ga-ri đã phát huy tốt vai trò thúc đẩy hợp tác song phương.Trong các ngày 22 - 23/3/2017, hai bên đã tổ chức Khóa họp thứ 7 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế Việt Nam – Hung-ga-ri tại Thủ đô Bu-đa pét. Quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước đã có những tiến triển đáng kể. Kim ngạch thương mại hai chiều tiếp tục tăng trưởng mạnh. Năm 2016, đạt 266 triệu USD (tăng 36,28% so với năm 2015). Kim ngạch 6 tháng đầu năm 2017 đạt 145 triệu USD (tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm trước). Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Hung-ga-ri là: Dệt may, giày dép, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, phương tiện vận tải và phụ tùng… Các mặt hàng xuất khẩu của Hung-ga-ri sang Việt Nam là: Tân dược, máy móc, phụ tùng, hóa chất, thức ăn gia súc…
Tính đến năm 2016, Hung-ga-ri có 15 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 50,66 triệu USD, đứng thứ 55 trong tổng số 105 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam. Các dự án đầu tư tập trung chủ yếu vào lĩnh vực chế biến chế tạo, truyền thông, kinh doanh bất động sản với các hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài; liên doanh; hợp đồng hợp tác kinh doanh… Các dự án đầu tư tiêu biểu của Hung-ga-ri tại Việt Nam như: Dự án Công ty Trách nhiệm hữu hạn Crest Asia Việt Nam, cấp phép ngày 15/09/2008 tại Bình Dương với tổng vốn đầu tư 40 triệu USD, sản xuất da thành phẩm, da thô mộc và các sản phẩm từ da; Dự án Công ty Trách nhiệm hữu hạn phát triển White Stone, cấp phép ngày 26/08/2009 tại Hà Nội, tổng vốn đầu tư 2 triệu USD, thuộc lĩnh vực tư vấn bất động sản…
Về hợp tác phát triển, tháng 1/2016, hai bên đã ký Hiệp định khung về hợp tác tài chính trị giá 60 triệu Euro cho Dự án đầu tư Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ. Tháng 1/2017, hai bên đã ký Hiệp định khung về Hợp tác tín dụng trị giá 440 triệu Euro trong các dự án liên quan đến lĩnh vực quản lý nước, dược phẩm - y tế, công nghệ thông tin, nông nghiệp, an ninh - quốc phòng để thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển tại Việt Nam.
Lĩnh vực hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Hung-ga-ri là giáo dục - đào tạo. Trước đây, Hung-ga-ri đã giúp Việt Nam đào tạo hàng nghìn chuyên gia, kỹ sư. Nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Áder Jánoss vào tháng 11/2014, Hung-ga-ri đã nâng số học bổng cấp cho sinh viên Việt Nam lên 100 suất/năm. Từ năm học 2017 – 2018, Hung-ga-ri nâng lên 150 suất học bổng cho sinh viên Việt Nam sang Hung-ga-ri học tập.
Hợp tác địa phương giữa hai nước được thúc đẩy. Quận Tây Hồ (Hà Nội) kết nghĩa với Quận 16 của Thủ đô Bu-đa-pét; thỏa thuận kết nghĩa thành phố Hội An với thành phố Szentendre của Hung-ga-ri; thỏa thuận hợp tác giữa thành phố Cần Thơ và thành phố Káposvár.
Hai bên đã ký một số các hiệp định, thỏa thuận, nghị định thư, biên bản ghi nhớ như: Hiệp định Hợp tác khoa học - công nghệ, Hiệp định hợp tác về Môi trường để tạo khuôn khổ cho hợp tác song phương trong các lĩnh vực này; tránh đánh thuế trùng; khuyến khích và bảo hộ đầu tư; hợp tác phát triển; hợp tác nông nghiệp… Cộng đồng người Việt Nam tại Hung-ga-ri hiện có khoảng trên 4.000 người, sống tập trung chủ yếu tại Thủ đô Bu-đa-pét, kinh doanh hàng may mặc tại các chợ, trung tâm thương mại châu Á, cuộc sống tương đối ổn định. Bà con luôn đoàn kết và hướng về Tổ quốc.
Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Hung-ga-ri Ô-rơ-ban Vích-tô-rơ nhằm khẳng định chính sách coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ nhiều mặt với Việt Nam, đưa hợp tác hai nước ngày càng phát triển hiệu quả và sâu rộng hơn. Bên cạnh đó, chuyến thăm cũng là dịp để hai bên trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực kinh tế - thương mại, đầu tư, giáo dục - đào tạo, y tế, môi trường, an ninh - quốc phòng, văn hóa, du lịch; trao đổi về các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm./.