Đưa những chủ trương của Đảng về chính sách dân số trở thành ý nguyện của mỗi người dân

Thứ hai, 26/12/2011 10:55

(ĐCSVN)Trải qua 50 năm xây dựng và trưởng thành (26/12/1961-26/12/2011), ngành Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo và cải thiện đời sống nhân dân, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, giúp Việt Nam vượt qua khỏi ngưỡng của một nước nghèo.

Việt Nam là một trong những quốc gia sớm đi đầu trong việc thực hiện công tác DS-KHHGĐ. Năm 1961, khi dân số nước ta mới khoảng 30 triệu người, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 216/CP ngày 26/12/1961 về sinh đẻ có hướng dẫn cho nhân dân, do cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ban hành. Quyết định 216/CP được coi là văn bản pháp quy đầu tiên của Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ. Để kỷ niệm và đánh dấu sự kiện này, ngày 19/5/1997, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 326, lấy ngày 26/12 hàng năm làm Ngày Dân số Việt Nam.

Những con số đáng tự hào

50 năm qua, những người làm công tác DS-KHHGĐ có thể tự hào về những thành tựu quan trọng của công tác DS-KHHGĐ. Đây thực sự là một cuộc cách mạng trong sinh đẻ: từ việc sinh đẻ mang tính tự nhiên, bản năng sang việc sinh đẻ mang tính chủ động, có kế hoạch; từ việc sinh nhiều con, chất lượng thấp sang việc sinh ít con, chất lượng ngày càng cao.

Cụ thể là số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã giảm được 4,3 con, từ 6,3 con năm 1960 xuống còn 2,0 con vào năm 2010, trong khi trung bình trên toàn thế giới giảm được 2,5 con từ 5 con xuống còn 2,5 con.

Tuổi thọ bình quân tăng thêm 33 tuổi, từ 40 tuổi năm 1960 lên 73 tuổi năm 2010, trong khi tuổi thọ trung bình của thế giới chỉ tăng thêm là 21 tuổi, từ 48 tuổi lên 69 tuổi. Tỷ lệ tăng dân số giảm từ 3,8% năm 1960 xuống còn 1,05% năm 2010. Tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai tăng nhanh từ 53,2% năm 1988 lên 78% năm 2010.

 

Truyền thông dân số để người dân hiểu ích lợi của công tác DS - KHHGĐ. Ảnh:giadinh.net.vn 


Cách đây 20 năm, các nhà khoa học đã dự báo đến năm 2010, dân số nước ta sẽ lên tới 105,5 triệu người. Tuy nhiên, trên thực tế, quy mô dân số năm 2010 chỉ là 87 triệu người, thấp hơn so với dự báo là 18,5 triệu người. Chính sách dân số của nước ta từng bước được điều chỉnh theo hướng bao quát toàn diện hơn, chú trọng nâng cao chất lượng dân số và thích ứng với những biến đổi về cơ cấu dân số.

Đáng chú ý, năm 2010 là năm thứ 2 liên tiếp, ngành Dân số đạt chỉ tiêu Quốc hội giao và là năm đầu tiên vượt chỉ tiêu: Tỷ suất sinh thô giảm 0,3%o, vượt 50% chỉ tiêu giảm sinh Quốc hội giao (0,2%o). Đây cũng là năm, công tác DS-KHHGĐ chuyển hướng từ số lượng sang chất lượng - tập trung nâng cao chất lượng dân số qua các mô hình, dự án: Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; Sàng lọc trước sinh và sơ sinh; Can thiệp giảm tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại một số tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số; Đề án nâng cao chất lượng dân số của đồng bào Cống, Mảng, La Hủ, Si La; Can thiệp giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh...

Cũng trong năm 2010, tại kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong hai điểm sáng trong việc thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ. Dù mới đi hơn được 2/3 chặng đường nhưng Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn được phần lớn các mục tiêu Thiên niên kỷ đặt ra.

Có thể nói, những thành tựu của công tác DS-KHHGĐ đã góp phần quan trọng trong việc tiết kiệm các khoản chi cho các dịch vụ xã hội, để dành vốn đầu tư cho các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội nhằm thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo và cải thiện đời sống nhân dân, tăng cường bình đẳng giới, đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ.

Những khó khăn, thách thức cần vượt qua

Năm 2011, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, nhiều văn bản quan trọng có tính chiến lược trong giai đoạn tới về công tác DS-KHHGĐ đã được Bộ Y tế trình các cấp có thẩm quyền ban hành như: Chương trình mục tiêu Quốc gia Dân số và Kế hoạch hoá gia đình giai đoạn 2012-2015 đã được Quốc hội thông qua; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2011 phê duyệt Chiến lược Dân số và Sức khoẻ sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020; Đề án can thiệp giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2011-2020 đã được trình Chính phủ...

Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác KHHGĐ vẫn đang đối mặt với khó khăn, thách thức. Tuy Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế, nhưng mức sinh ở các vùng, miền, các tỉnh còn rất khác nhau. Số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ vẫn tiếp tục tăng trong những năm tới, sẽ đạt mức cực đại vào khoảng năm 2027-2028 nên nhu cầu về KHHGĐ vẫn sẽ tiếp tục tăng.

Đặc biệt, một vấn đề mới xuất hiện trong công tác dân số là tỷ số giới tính khi sinh đã tăng nhanh, nếu không có giải pháp tích cực, sự mất cân bằng giới tính sẽ để lại những hệ lụy nặng nề, tác động xấu đến trật tự, an ninh xã hội. Cơ cấu dân số đã chuyển từ cơ cấu “dân số trẻ” sang cơ cấu “dân số vàng” và bắt đầu bước vào giai đoạn “già hóa dân số”.

Cùng với đó, các mô hình “tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân”, “sàng lọc và chẩn đoán trước sinh, sàng lọc và chẩn đoán sơ sinh” để nâng cao chất lượng giống nòi mới bắt đầu được thử nghiệm trong mấy năm gần đây. Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống dẫn tới suy thoái giống nòi của một số dân tộc ít người đang là vấn đề hết sức đáng quan tâm.

Thêm vào đó, chỉ số phát triển con người (HDI) tuy đạt mức trung bình khá, đạt mục tiêu của Chiến lược Dân số Việt Nam giai đoạn 2001-2010 đề ra nhưng thứ bậc xếp hạng của Việt Nam vẫn chưa được cải thiện…

Để giải quyết được những khó khăn, thách thức trên, ngành DS-KHHGĐ xác định, công tác truyền thông phải đi trước một bước bởi bản chất của công tác DS-KHHGĐ là một "cuộc vận động lớn", do đó, những người làm công tác dân số phải tiếp tục tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục mọi người dân hiểu cho đúng và thực hiện thật tốt chính sách dân số của Đảng và Nhà nước, phải làm sao đưa những chủ trương quan điểm của Đảng về chính sách dân số trở thành ý nguyện của mỗi người dân. Các thông điệp tuyên truyền, vận động được đưa ra trong thời gian tới cần ngắn gọn, sắc bén, dung dị, dễ hiểu, dễ nhớ.

Mục tiêu của công tác DS-KHHGĐ trong thời gian tới là tập trung giải quyết đồng bộ các vấn đề về dân số, sức khỏe sinh sản bao gồm nâng cao chất lượng dân số; cải thiện tình trạng sức khỏe bà mẹ trẻ em; phát huy lợi thế cơ cấu "dân số vàng"; chủ động điều chỉnh tốc độ tăng dân số và kiểm soát tỉ số giới tính khi sinh.

 
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gắn Huân chương Độc lập hạng Nhất lên lá cờ truyền thống của ngành DS- KHHGĐ Việt Nam. Ảnh:dangcongsan.vn 

Có thể khẳng định, 50 năm qua, đội ngũ những người làm công tác DS-KHHGĐ, từ cán bộ chuyên trách các cấp đến cộng tác viên ở thôn, ấp, bản, làng, địa bàn dân cư, tổ dân phố đã luôn phát huy tinh thần đoàn kết, kiên định, bền bỉ vượt qua những khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu trong công tác vận động, tuyên truyền, thuyết phục mọi tầng lớp nhân dân tích cực thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về DS-KHHGĐ. Họ đã "đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà và rà từng đối tượng" để tuyên truyền lợi ích của việc sinh ít con đến mọi đối tượng. Nhiều cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số đã tạm gác việc nhà, lên nương, ra ruộng, bám các âu thuyền, cảng cá để truyền thông dân số.

Nhìn lại chặng đường phát triển, mỗi cán bộ, nhân viên của ngành Dân số có quyền tự hào với những thành tựu đã đạt được trong những năm vừa qua.

Ghi nhận những đóng góp to lớn của ngành DS-KHHGĐ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống ngành DS-KHHGĐ./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực