Gần 100 triệu người mắc COVID-19 được chữa khỏi trên thế giới

Thứ bảy, 20/03/2021 10:28
(ĐCSVN) – Đến sáng 20/3, thế giới có tổng số 122.871.198 ca nhiễm và 2.712.642 ca tử vong vì đại dịch COVID-19. Trong một ngày qua có thêm 505.199 ca nhiễm và 9.694 ca tử vong mới. Mỹ vẫn là nước có số ca nhiễm bệnh và tử vong nhiều nhất do đại dịch này.
Các quốc gia trên thế giới tiếp tục triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19. (Ảnh minh họa: AFP) 

Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 20/3, đã có 99.027.807 ca nhiễm CODVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 21.130.749 ca bệnh đang điều trị, có 21.041.417 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,6%) và 89.332 ca (chiếm 0,4%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện vẫn hoành hành tại 221 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trong 24 giờ qua, với thêm 89.409 ca nhiễm, Brazil tiếp tục là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Mỹ (65.981 ca) và Ấn Độ (40.950 ca). Cùng với đó, Brazil cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất trong một ngày qua với 2.730 ca, sau đó là Mỹ (1.268 ca) và Nga (443 ca).

Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy trong 24 giờ qua, châu Âu đã ghi nhận thêm 172.692 ca nhiễm và 2.931 ca tử vong mới vì COVID-19. Đây là châu lục có số ca nhiễm COVID-19 nhiều nhất thế giới. Nga, Anh và Pháp tiếp tục là 3 nước bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch này tại châu Âu khi có lần lượt 4.437.938; 4.285.684 và 4.181.607 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, Anh lại hiện là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất khu vực, với tổng số 126.026 ca, sau khi có thêm 101 ca trong 24 giờ qua; tiếp sau đó là Italy (104.241 ca) và Pháp (91.679 ca).

Là khu vực có số ca nhiễm nhiều thứ hai thế giới, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ tiếp tục gia tăng, với tổng số 34.975.005 ca, trong đó có 801.047 ca tử vong và 26.390.416 ca được điều trị khỏi. Với 30.425.787 ca nhiễm và 554.104 ca tử vong vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau là Mexico và Canada với con số thống kê lần lượt là 2.182.188 và 927.064 ca nhiễm, cùng 196.606 và 22.617 ca tử vong vì COVID-19.

Với 26.720.499 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 20/3, châu Á là khu vực có nhiều ca nhiễm thứ ba thế giới. Trong đó, 414.618 ca đã tử vong do COVID-19 và 23.124.381 ca được điều trị khỏi. 3 quốc gia có số người nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất tại châu Á là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 ghi nhận tới thời điểm hiện tại là 11.554.895; 2.971.633 và 1.786.265 ca; và số trường hợp tử vong lần lượt là 159.594; 29.864 và 61.649 ca.

Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 116.963 ca nhiễm và 3.207 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 19.823.910 ca và 513.377 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê của khu vực, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực khi có thêm 89.409 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp bị nhiễm COVID-19 lên con số 11.877.009 vào thời điểm hiện tại. Với 2.730 ca tử vong được ghi nhận trong một ngày qua, Brazil cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất vì COVID-19; tiếp sau đó là Colombia với 135 ca tử vong mới và Argentina với 90 ca tử vong mới do COVID-19.

Tính đến sáng 20/3, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 4.119.180 ca, trong đó có 109.700 ca tử vong và 3.682.851 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 1.535.423 ca nhiễm và 52.035 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 1.462 ca nhiễm mới và 311 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Morocco và Tunisia, với tổng số lần lượt 481.263 và 228.937 ca nhiễm bệnh cùng 8.559 và 7.811 ca tử vong.

Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 53.361 ca nhiễm (tăng 245 ca) và 1.114 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19 (tăng 5 ca). Đứng đầu danh sách thống kê trên trang worldometers.info vẫn là Australia với 15 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 19.181 ca, trong đó 909 ca tử vong.

Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, tiến trình nghiên cứu, thử nghiệm, phát triển và tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 ngày càng được tăng cường tại các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, những ngày gần đây, cộng đồng quốc tế dấy lên lo ngại trước thông tin về mối liên hệ của vaccine AstraZeneca ngừa COVID-19 với hiện tượng đông máu ở những người được tiêm phòng. Song đến ngày 16/3, Giám đốc điều hành Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) Emer Cooke cho biết hiện "không có dấu hiệu” cho thấy việc tiêm vaccine AstraZeneca gây ra hiện tượng máu đông, đồng thời bày tỏ tin tưởng “lợi ích mà vaccine đem lại trong việc ngăn ngừa COVID -19 lớn hơn rủi ro về những tác dụng phụ”.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngày 19/3, tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ việc tiêm vaccine của hãng AstraZeneca, đồng thời kêu gọi các quốc gia duy trì triển khai tiêm chủng sau khi xem xét các báo cáo về hiện tượng đông máu ghi nhận ở một số trường hợp được tiêm vaccine này. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh "không có gì phải bàn cãi" về những lợi ích của việc tiêm vaccine AstraZeneca sau khi các chuyên gia về an toàn vaccine của WHO không phát hiện sự gia tăng hiện tượng đông máu liên quan việc tiêm loại vaccine này.

Trước đó cùng ngày, một số nước châu Âu, trong đó có Đức, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Italy, CH Cyprus, Latvia và Litva, đã nối lại việc tiêm vaccine của AstraZeneca sau khi Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) "bật đèn xanh" sử dụng loại vaccine này./.

Khánh Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực