Hào hùng và sâu lắng cùng "Giai điệu Tháng Mười"

Thứ bảy, 04/11/2017 22:07
(ĐCSVN) - Nhân kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, tối 4/11, tại Nhà hát Chèo Việt Nam, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức Chương trình nghệ thuật "Giai điệu Tháng Mười", để tôn vinh cuộc cách mạng vĩ đại nhất thế kỷ 20.

Tham dự chương trình có các đồng chí: Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng,Tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương; Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Viết Thảo, Phó Giám đốc Học viên Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cùng các đồng chí là lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương.

Về phía khách quốc tế, có ngài Vladimir Shustou – Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam; ngài Andrey Kiselenko, Tham tán Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam; ngài Alex Filimonov, Tham tán Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam.

Tiết mục "Nước Nga Tổ quốc tôi" qua phần thể hiện của các nghệ sĩ 2 nước Việt - Nga

Cách đây 100 năm, ngày 7/11/1917 cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga đã giành thắng lợi, một sự kiện lịch sử làm rung chuyển thế giới, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại. Cách mạng Tháng Mười không chỉ mở ra con đường giải phóng nước Nga, mà còn cho tất cả các dân tộc và loài người; mở đầu cho một thời đại mới trong lịch sử hiện đại, đó là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Cách mạng Tháng Mười đã để lại những bài học vô giá cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế…

Đối với Việt Nam, Cách mạng Tháng Mười không chỉ rọi sáng con đường cách mạng Việt Nam mà còn cổ vũ quần chúng công nông vùng lên làm cách mạng, đánh đổ ách thống trị của thực dân, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân. Tính khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, ý nghĩa thời đại và những bài học quý báu của Cách mạng Tháng Mười vĩ đại là tài sản vô giá, có giá trị bền vững, tiếp tục tỏa sức sống mạnh mẽ đối với cách mạng Việt Nam và nhân loại tiến bộ. Giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - ngọn cờ vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bậc cách mạng tiền bối đã trao lại cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau, nhất định chúng ta sẽ phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, năng động và sáng tạo, nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Với những giá trị vĩnh hằng, Cách mạng Tháng Mười sẽ còn mãi trong trái tim nhân loại. Chủ nghĩa xã hội vẫn là mục tiêu, là khát vọng cháy bỏng của hiện tại và tương lai của nhân loại.

"Giai điệu Tháng Mười" là chương trình tôn vinh những giá trị vĩnh cửu, trường tồn của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại đối với các dân tộc bị áp bức trên thế giới nói chung và với cách mạng Việt Nam nói riêng; khẳng định tình hữu nghị, đoàn kết, gắn bó giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Liên bang Nga và cộng đồng các nước thuộc Liên Xô trước đây. Đồng thời góp phần nâng cao nhận thức sâu sắc của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa to lớn của Cách mạng Tháng Mười Nga trong lịch sử nhân loại, qua đó nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Chương trình thể hiện tình hữu nghị Nga - Việt qua những tiết mục nghệ thuật đặc sắc của nghệ sĩ 2 nước: Ca sỹ Trọng Tấn; ca sỹ Hiền Anh; ca sỹ Phúc Tiệp; nghệ sĩ (Nga) Vietxoptro; tốp ca nam nữ Vietsopetro; vũ đoàn Ngày mới; nhóm 198x... Qua những lời ca, điệu múa, bản nhạc, các nghệ sĩ đưa khán giả sống trong một không gian đầy màu sắc Nga, chìm đắm trong những giai điệu da diết, những vũ điệu nồng nhiệt của nước Nga như: "Nước Nga Tổ quốc tôi" (Nhạc Nga); "Lòng Mẹ" (Nhạc Nga); "Đỉnh núi Lênin"; "Cuộc sống ơi ta mến yêu người", "Đồng đội", "Giờ này anh ở đâu"… Bên cạnh đó, 2 ca khúc “Tiếng hát giữa rừng Pắc Pó” và “ Đỉnh núi Lê nin”, như một lời tưởng nhớ sâu sắc, lòng cảm ơn chân thành đến những con người vĩ đại đối với nhân dân 2 nước Việt – Nga. Các ca khúc “Tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ” và “Thời thanh niên sôi nổi” ngợi ca tinh thần sức trẻ, lòng nhiệt huyết của cả một thế hệ, một lớp người để có được sự thành công của mỗi cuộc chiến...

Tiết mục "Ca ngợi Tổ quốc" mở đầu chương trình "Giai điệu Tháng Mười"

Nền thi ca âm nhạc Nga đã thấm đẫm tâm hồn nhiều thế hệ người Việt. Những ca khúc Nga, những điệu múa dân gian Nga, Ballet Nga, những bản nhạc giao hưởng của các nhà soạn nhạc lớn người Nga như Glinka, Tchaikosky, Shostakovich…luôn được chào đón nồng nhiệt tại Việt Nam. Chính vì vậy, ngoài những ca khúc hay về những biểu tượng đẹp đẽ trong thời chiến, chương trình “Giai điệu tháng Mười” mang đến chùm ca khúc ca ngợi vẻ đẹp về đất nước, văn hóa của 2 dân tộc. Đó là vẻ đẹp thanh bình, dịu dàng của Hà Nội, trái tim của Việt Nam được miêu tả qua những giai điệu nhẹ nhàng của “Chiều Hồ Gươm” và vẻ đẹp tĩnh lặng, đầy tự tình của Matxcơva qua ca từ của ca khúc “Chiều ngoại ô Matxcova”. Hay những làn điệu dân ca đặc trưng, được nhiều người yêu thích của hai đất nước: “Trống cơm” và “Kalinka”.

Với thời lượng gần 2 tiếng, “Giai điệu Tháng Mười” không chỉ là một thước phim tài liệu ôn lại những ký ức lịch sử mà còn để lại cho khán giả những cảm xúc khó phai mờ. Qua đó, một lần nữa tôn vinh cuộc cách mạng vĩ đại nhất thế kỷ 20, khẳng định tinh thần Cách mạng Tháng Mười Nga bất diệt và quyết tâm sắt đá của toàn Đảng, toàn dân kiên định trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; khẳng định mối quan hệ tốt đẹp, bền vững và gắn bó sâu sắc giữa Việt Nam - Liên Xô, Việt Nam - Nga./.

HN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực