HĐBA Liên hợp quốc họp công khai về tình hình Somalia

Thứ tư, 26/05/2021 22:48
(ĐCSVN) - Các báo cáo viên đánh giá tiến trình chính trị tại Somalia hiện vẫn gặp nhiều trở ngại. Việc Hạ viện Somalia thông qua Luật đặc biệt thay thế Thỏa thuận ngày 17/9/2020 trước đây đã làm cho tình hình càng thêm phức tạp, trong đó các cuộc đụng độ vũ trang, bạo lực diễn ra ngày 25/4 đã có nguy cơ bùng phát thành xung đột.

Ngày 25/5, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã họp công khai về tình hình Somalia và hoạt động của Phái bộ Hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Somalia (UNSOM).

UNSOM được thành lập theo NQ 2102 (2013) ngày 3/6/2013. UNSOM có nhiệm vụ hỗ trợ tiến trình hòa bình và hòa giải cho Chính phủ Liên bang Somalia; hỗ trợ Chính phủ Liên bang và AMISOM về xây dựng hòa bình và xây dựng nhà nước; giúp đỡ Chính phủ Liên bang Somalia trong điều phối hỗ trợ tài trợ quốc tế; giúp đỡ xây dựng năng lực cho Chính phủ Liên bang Somalia. Từ 2013 đến nay, HĐBA LHQ duy trì họp định kỳ 3 tháng/lần để nghe báo cáo về hoạt động của Phái bộ.

HĐBA LHQ  họp công khai về tình hình Somalia và hoạt động của Phái bộ Hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Somalia. (Ảnh:HĐBA LHQ)

Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ, Trưởng Phái bộ hỗ trợ LHQ tại Somalia (UNSOM) James Swan và Đại diện Đặc biệt của Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (SRCC) tại Somalia, Trưởng Phái bộ Liên minh châu Phi tại Somalia (AMISOM) Francisco Madeira đã tham dự và báo cáo tại cuộc họp.

Các báo cáo viên đánh giá tiến trình chính trị tại Somalia hiện vẫn gặp nhiều trở ngại. Việc Hạ viện Somalia thông qua Luật đặc biệt thay thế Thỏa thuận ngày 17/9/2020 trước đây đã làm cho tình hình càng thêm phức tạp, trong đó các cuộc đụng độ vũ trang, bạo lực diễn ra ngày 25/4 đã có nguy cơ bùng phát thành xung đột.

Trước tình hình đó, ngày 1/5, Hạ viện Somalia đã quyết định hủy bỏ Luật đặc biệt nhằm hạ nhiệt sức ép trong nước và hướng tới các cuộc đối thoại mang tính xây dựng. Các báo cáo viên cũng ghi nhận nỗ lực của Thủ tướng Muhammed Hussein Roble trong việc tổ chức đối thoại giữa Chính phủ Liên bang và các bang thành viên.

Các nước thành viên HĐBA phát biểu ủng hộ tiến trình bầu cử sắp tới tại Somalia và ghi nhận nỗ lực của Thủ tướng Somalia trong thúc đẩy đối thoại giải quyết những khác biệt về chính trị và hướng tới đồng thuận về thời gian và lộ trình bầu cử.

Các nước cũng nêu quan ngại về các vụ tấn công khủng bố nhằm vào dân thường và lực lượng của LHQ. Nhiều ý kiến chia sẻ với những khó khăn mà Somalia đang đối mặt, đặc biệt là tác động của đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu. Các nước ủng hộ vai trò, hoạt động của UNSOM, AMISOM và các tổ chức khu vực trong hỗ trợ Chính phủ Somalia.

Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn đại diện Việt Nam tại LHQ nhấn mạnh, việc theo đuổi hòa bình, ổn định và phát triển ở Somalia cần được thực hiện theo một tiến trình chính trị do Somalia làm chủ và dẫn dắt trên cơ sở Thỏa thuận ngày 17/9/2020. Đại sứ bày tỏ quan ngại trước các cuộc đụng độ vũ trang ở thủ đô Mogadishu và cho rằng đụng độ vũ trang, chia rẽ chính trị là nguyên nhân trung tâm gây mất ổn định ở Somalia.

Về tình hình an ninh, Đại diện Việt Nam lên án mạnh mẽ bạo lực và các cuộc tấn công khủng bố gần đây của lực lượng Al-Shabaab nhằm vào dân thường, quan chức chính phủ, lực lượng an ninh Somalia, Phái bộ AMISOM. Đại sứ đề nghị Chính phủ Somalia nỗ lực triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh cho dân thường và đẩy mạnh điều tra các vụ vi phạm, giết hại nhằm vào dân thường, đặc biệt là trẻ em, và đưa thủ phạm ra trước pháp luật.

Về tình hình kinh tế, xã hội, Trưởng Phái đoàn đại diện Việt Nam tại LHQ chia sẻ với những khó khăn của Somalia trước sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nước ở nhiều khu vực ở Somalia và cho rằng các cuộc khủng hoảng do thiên tai là mối đe dọa và thách thức lâu dài đối với Somalia, làm cho tình hình ngày càng thêm tồi tệ và tác động tiêu cực đến đại bộ phận dân cư vốn đã bị tổn thương do nghèo đói và xung đột.

Đại sứ Đặng Đình Quý đề nghị LHQ, các tổ chức khu vực và quốc tế tăng cường hỗ trợ Somalia thông qua các chương trình nhân đạo và các dự án phát triển kinh tế. Đại sứ nhắc lại sự ủng hộ của Việt Nam đối với Somalia trong các nỗ lực hướng đến mục tiêu hòa bình, ổn định và phát triển./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực