Các đại biểu đã đặt ra nhiều vấn đề liên quan tới các nội dung như: các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, chất lượng các công trình giao thông, vấn đề nước sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh trật tự, việc quản lý và sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, quy hoạch đô thị…
Nhiều đại biểu đề nghị cần làm rõ 3/20 chỉ tiêu phát triển năm nay không đạt kế hoạch là do thiếu tính dự báo, chủ quan hay chưa thật sự phát huy được tiềm lực phát triển của thành phố. Từ đây, các đại biểu đề xuất các mục tiêu, chỉ tiêu và giải pháp để phát triển thành phố trong cơ chế chính sách thí điểm đặc thù.
Các vấn đề về điều chỉnh, bổ sung phí, lệ phí và thuế cũng được các đại biểu đề nghị mở rộng hơn so với danh mục tờ trình của HĐND Thành phố như: mức xử phạt vi phạm giao thông, môi trường, quản lý sử dụng tốt hơn nhà đất thuộc sở hữu nhà nước.
Về an toàn vệ sinh thực phẩm, các đại biểu cho rằng, thời gian qua Thành phố đã tích cực đưa ra các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, trên thực tế, thực phẩm chưa bảo đảm an toàn vẫn đang là nỗi lo của người dân. Các đại biểu kiến nghị, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh việc kiểm soát tại nguồn, truy xuất nguồn gốc thực phẩm rõ ràng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, Thành phố cần kiểm tra và xử lý các cơ sở buôn bán hóa chất, phụ gia công nghiệp trong chế biến thực phẩm, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Kỳ họp thảo luận nhiều vấn đề quan trọng của Thành phố. (Ảnh:VL)
Giải trình những vấn đề đại biểu đặt ra, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan cho biết: Về việc ngăn chặn thực phẩm bẩn, Ban đã tiến hành làm việc với 24 quận, huyện và đã bố trí Đội Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với các quận, huyện để xử lý các hiện tượng, những vi phạm xảy ra trên địa bàn một cách kịp thời nhất.
Theo bà Lan, Thành phố đã tiến hành truy xuất nguồn gốc một số thực phẩm và đã đạt được kết quả tốt, được người tiêu dùng ủng hộ. Trong thời gian tới, Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh giải pháp này.
Về vấn đề chất phụ gia, bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết, trong khi chờ đợi Sở Công thương Thành phố thành lập Trung tâm Phân phối hương liệu và phụ gia của Thành phố, Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố đã lựa chọn Quận 5 để xuống thực hiện các chương trình tập huấn, thông tin, giáo dục cho những hộ kinh doanh, buôn bán trong chợ Kim Biên và xung quanh chợ liên quan đến phụ gia thực phẩm. Đội Quản lý an toàn thực phẩm các quận: Quận 5, 10, 11 cũng đang tiếp tục tiến hành kiểm soát gắt gao việc mua bán phụ gia để phát hiện những trường hợp vi phạm và có biện pháp xử lý.
Đối với vấn đề giao thông, các đại biểu đặt vấn đề hiện nay nhiều công trình giao thông mới đưa vào sử dụng đã xuống cấp, nhất là các tuyến đường giao thông vào cửa ngõ Thành phố, vào các khu công nghiệp. Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường cho biết: Liên quan đến một số công trình giao thông ở các khu vực cửa ngõ Thành phố kết nối các khu công nghiệp, khu chế xuất, cảng biển lớn hiện nay sau thời gian đưa vào sử dụng đã xuống cấp như đường Trần Văn Giàu, đường dẫn cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương, Nguyễn Hữu Thọ, sở đã triển khai khảo sát và xác định đây đều là tuyến đường xây dựng mới trên nền đất yếu. Ngoài ra, trong quá trình khai thác hệ thống thoát nước không được đầu tư đồng bộ làm đường ngập dẫn đến chất lượng mặt đường bị bong tróc. Về trường hợp liệu có hay không việc rút ruột công trình trong thi công, cho đến nay Sở vẫn chưa phát hiện ra vấn đề này.
Liên quan đến quy hoạch đô thị, các đại biểu đề cập nhiều tới quy hoạch treo. Các đại biểu cho rằng, bài toán quy hoạch thành phố đang có nhiều nút thắt cần phải tháo gỡ, quy hoạch treo đã ảnh hưởng đến đời sống người dân khá dài. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề cập tới đời sống người dân tái định cư gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề việc làm, các tiện ích của người dân. Mặt khác, việc hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội các khu tái định cư hiện nay làm chưa tốt, chậm hơn so với việc triển khai thực hiện các khu tái định cư.
Trả lời chất vấn của các đại biểu, ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Thành phố cho rằng, để giải quyết bài toán quy hoạch treo thì phải có nhiều giải pháp, có nơi phải giải quyết quy hoạch, có nơi phải giải quyết chính sách nhà đất. Vấn đề quan trọng là giải quyết chính sách về đất thỏa đáng để người dân an tâm.
Còn theo ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.Hồ Chí Minh, sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa địa phương cũ với địa phương mới nơi người dân tới định cư, giữa Sở Lao động - Thương binh và Xã hội với địa phương dẫn đến xuất hiện hạn chế. Thời gian tới phải xác định để có trách nhiệm toàn diện, nhìn ra những bài học thực tế để khắc phục.
Theo Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm, hiện nay nhiều dự án quy hoạch treo đến hơn chục năm, thậm chí hơn 20 năm như Bình Chánh, Thanh Đa, Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi… Vì thế sắp tới, cần phải xác định quy hoạch nào chưa phù hợp, vấn đề nào còn yếu kém để xử lý, làm sao để đảm bảo chất lượng sống của người dân.
Ngày 6/12,HĐND Thành phố sẽ tiếp tục làm việc với phiên chất vấn Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Lê Hồng Sơn và Cục trưởng Cục thuế TP.Hồ Chí Minh Trần Ngọc Tâm.
*Chiều 5/12, trong ngày làm việc thứ hai, Kỳ họp thứ 6 HĐND TP.Hồ Chí Minh khóa IX đã bầu 2 Ủy viên UBND Thành phố. Ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa -Thể thao TP.Hồ Chí Minh được giới thiệu để HĐND Thành phố bầu giữ chức Ủy viên UBND TP.Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2016 - 2021, thay cho ông Nguyễn Hữu Việt, đã điều động nhận công tác khác. Ông Dương Anh Đức, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.Hồ Chí Minh được giới thiệu để HĐND Thành phố bầu giữ chức Ủy viên UBND TP.Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2016 - 2021, thay ông Lê Thái Hỷ đã nghỉ hưu theo quy định.
Kết quả, 2 nhân sự được giới thiệu đã trúng cử chức danh Ủy viên UBND TP. Cụ thể, ông Huỳnh Thanh Nhân đạt 96 phiếu bầu (đạt 91,2% tổng số đại biểu HĐND Thành phố). Ông Dương Anh Đức đạt 97 phiếu bầu (đạt 92,38% tổng số đại biểu HĐND Thành phố)./.