HĐND TP.Hồ Chí Minh thông qua Nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù

Thứ năm, 07/12/2017 22:40
(ĐCSVN) – Chiều 7/12, Kỳ họp thứ sáu HĐND TP.Hồ Chí Minh khoá IX đã bế mạc. Tại kỳ họp này, nhiều nội dung quan trọng đã được các đại biểu thảo luận, chất vấn, kiến nghị và đặc biệt là đã thông qua Nghị quyết thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.Hồ Chí Minh.

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch HĐND TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết, TP.Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều thành công trong năm 2017, tuy nhiên, vẫn còn một số mặt hạn chế, yếu kém và đứng trước khó khăn thách thức. Dự báo trong 2018, tình hình kinh tế TP.Hồ Chí Minh tiếp tục phục hồi. Đặc biệt, đây là năm đầu tiên Thành phố triển khai thí điểm nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù vừa được Quốc hội thông qua. Đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, việc triển khai thí điểm nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù sẽ mở ra cho Thành phố nhiều cơ chế thoáng, được quyết định nhiều vấn đề quan trọng. Thực hiện tốt Nghị quyết này sẽ có nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo sự phát triển nhanh bền vững cho Thành phố, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, có điều kiện đóng góp nhiều hơn, lớn hơn cả về cơ chế và thực tiễn cho Thành phố.

“Đây là thời cơ phải nắm bắt đi kèm với trách nhiệm nặng nề. TP.Hồ Chí Minh phải có tầm nhìn và giải pháp đủ mạnh để tạo đột phá nhằm đóng góp lớn hơn và nhiều hơn cho cả nước cả về nguồn lực, chính sách”, Chủ tịch HĐND Thành phố nhấn mạnh.

 

Chủ tịch HĐND TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu bế mạc kỳ họp. (Ảnh: VL).


Triển khai thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù

Chiều 7/12, HĐND TP.Hồ Chí Minh đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Hồ Chí Minh. Nghị quyết  có hiệu lực từ ngày 15/1/2018.

Theo đó, HĐND Thành phố giao UBND Thành phố căn cứ vào tình hình thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, tham mưu trình HĐND xem xét, quyết định.

Các nội dung này bao gồm: Danh mục các dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên; Danh mục các dự án nhóm A sử dụng ngân sách của Thành phố theo quy định của Luật Đầu tư công; Dự toán, phân bổ ngân sách Thành phố hàng năm bảo đảm phù hợp với các định hướng cơ cấu lại ngân sách, phát triển kinh tế - xã hội và các lĩnh vực quan trọng theo quy định của Quốc hội và Chính phủ.

UBND Thành phố phải khẩn trương nghiên cứu các đề án cụ thể, hoàn tất các quy trình, thủ tục theo quy định để trình HĐND Thành phố xem xét, quyết định tại kỳ họp giữa năm 2018.

Cụ thể, gồm: Đề án sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư; Đề án thực hiện các loại phí, lệ phí chưa có trong danh mục phí, lệ phí ban hành; Đề án tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí trong danh mục phí, lệ phí ban hành; Đề án tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập.

Ngoài ra còn có Đề án thí điểm tăng mức hoặc thuế suất đối với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường; Đề án huy động vốn đầu tư xã hội (phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn Chính phủ vay ngoài nước về cho Thành phố vay lại...). Đồng thời, đề xuất phương án triển khai đường Vành đai 3 bằng chuyển đổi vốn và hợp tác công tư.

UBND Thành phố cần phối hợp chặt chẽ các bộ ngành Trung ương trong quá trình chuẩn bị, thẩm định các đề án nêu trên để trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước tháng 12/2018 để triển khai thực hiện. Trong trường hợp khó khăn, vướng mắc báo cáo HĐND Thành phố cho ý kiến.

Đối với nội dung phân cấp, ủy quyền, UBND Thành phố cũng phải khẩn trương nghiên cứu các đề án, quyết định các nội dung thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố trước tháng 6/2018.

Cụ thể, gồm: Đề án phân cấp, ủy quyền; Đề án sắp xếp tổ chức, điều chỉnh tên gọi, chức năng, nhiệm vụ các phòng thuộc các cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố; Đề án sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ các cơ chế chính sách đặc thù về tài chính - ngân sách để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội.

UBND Thành phố phải thường xuyên rà soát các quy định khác nhau giữa nghị quyết này với luật, nghị quyết của Quốc hội về cùng một vấn đề. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật khác có quy định cơ chế, chính sách ưu đãi hoặc thuận lợi hơn nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Hồ Chí Minh thì đề xuất HĐND Thành pố xem xét, quyết định.

Trong quá trình xây dựng các đề án, UBND Thành phố cần đánh giá tác động cụ thể, thực hiện tốt quy chế lấy ý kiến nhân dân thông qua mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan có liên quan; lắng nghe, tiếp thu ý kiến góp ý trước khi ban hành cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố theo nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm cơ chế, chính sách được ban hành đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển thành phố nhanh hơn, bền vững hơn vì cả nước.

Điều chỉnh tăng mức thu một số phí và lệ phí

Sáng 7/12, các đại biểu đã thông qua nhiều tờ trình của UBND TP.Hồ Chí Minh trong đó có việc điều chỉnh tăng mức phí, lệ phí ở nhiều lĩnh vực.

Theo đó, về mức thu lệ phí đăng ký cư trú trên địa bàn (cấp mới, cấp lại, cấp đổi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú) là 15.000 đồng ở các quận; 8.000 đồng ở huyện. So với mức cũ là 15.000 đồng ở quận và 7.500 đồng ở huyện.

Mức thu đăng ký thường trú, tạm trú cả hộ hoặc một người là 10.000 đồng ở quận, 5.000 đồng ở huyện.

Mức thu điều chỉnh thay đổi trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú là 5.000 đồng ở quận, 3.000 đồng ở huyện. Mức cũ là 5.000 đồng ở quận và 2.500 đồng ở huyện.

Mức thu gia hạn tạm trú là 10.000 đồng ở quận, 5.000 đồng ở huyện. Đây là danh mục thu phí hoàn toàn mới được HĐND Thành phố thông qua.

Ngoài ra, đối với trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng, hộ nghèo; bố, mẹ, vợ (chồng) của liệt sĩ, con dưới 18 tuổi của liệt sĩ; thương binh, con dưới 18 tuổi của thương binh được miễn lệ phí đăng ký cư trú.

Đối với lệ phí cấp giấy phép xây dựng mới tăng 1,5 lần so với trước và tương đương với Hà Nội, Khánh Hòa, Phú Yên, Bến Tre, Hưng Yên, Tây Ninh, Cà Mau, Quảng Ngãi.

Cụ thể, cấp phép nhà ở riêng lẻ của nhân dân là 75.000 đồng/giấy phép (mức cũ là 50.000 đồng); công trình khác là 150.000 đồng/giấy phép (mức cũ là 100.000 đồng); gia hạn là 15.000 đồng/giấy phép (mức cũ là 10.000 đồng).

Theo UBND Thành phố, sở dĩ tăng như thế bởi với mức thu hiện nay không thể bù đắp chi phí phục vụ công việc thu lệ phí cấp giấy phép xây dựng.

TP.Hồ Chí Minh cũng tăng giá vào cửa một số bảo tàng: Bảo tàng Chứng tích chiến tranh là 40.000 đồng một lượt người. Bảo tàng thành phố, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Lịch sử là 30.000 đồng. Toàn bộ tiền phí thu được để lại cho các bảo tàng phục vụ tái đầu tư, phát triển.

Tuy nhiên, đối với trẻ em dưới 6 tuổi, người khuyết tật, hộ nghèo được miễn phí tham quan bảo tàng; trẻ em từ 6 đến 16 tuổi, sinh viên, học sinh trường công, người cao tuổi... được giảm 50%.

Riêng Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, Bảo tàng Tôn Đức Thắng, Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh không thu phí tham quan.

Chi 380 tỷ đồng hỗ trợ công chức nghỉ việc, về hưu sớm

HĐND TP.Hồ Chí Minh cũng vừa thông qua Nghị quyết về chế độ hỗ trợ đối với cán bộ nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ việc. Theo đó, ngân sách Thành phố sẽ hỗ trợ dựa theo mức lương hiện hưởng và số năm nộp bảo hiểm xã hội.

Đây được coi là phương án thúc đẩy việc tinh giản biên chế, tinh gọn tổ chức, bộ máy của TP.Hồ Chí Minh theo lộ trình giảm 10% biên chế năm từ 2015 đến năm 2021. Nghị quyết này áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc cơ quan Đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội quận huyện và cán bộ thuộc diện Ban thường vụ Thành uỷ quản lý.

Với đối tượng xin nghỉ hưu trước tuổi, Nghị quyết quy định phải đủ 55 đến 58 tuổi đối với nam, 50 đến 53 tuổi đối với nữ. Ngoài chế độ chính sách được hưởng theo quy định của Chính phủ, ngân sách Thành phố sẽ trợ cấp thêm 3 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi, trợ cấp 5 tháng tiền lương hiện hưởng cho 20 năm đầu công tác có đóng bảo hiểm xã hội. Từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác, được trợ cấp thêm nửa tháng tiền lương.

Đối với các đối tượng nghỉ việc, Thành phố trợ cấp thêm 3 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm. Ngoài ra, công chức được trợ cấp thêm 1,5 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội.

Cán bộ do Ban Thường vụ Thành uỷ quản lý tự nguyện xin nghỉ công tác trước tuổi căn cứ vào độ tuổi và thời gian tham gia công tác tại cơ quan Nhà nước có đóng bảo hiểm xã hội, xem xét hưởng trợ cấp giống như cho công chức, viên chức Thành phố.

Kinh phí thực hiện chế độ hỗ trợ đối với cán bộ nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ việc đối với 1.062 người từ nay đến năm 2021 là hơn 380 tỷ đồng.

Tại kỳ họp lần này, Đại biểu HĐND Thành phố cũng đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng, trong đó có Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công năm 2018 với gần 40.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu là 843 tỷ đồng, vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương là 2.864 tỷ đồng, vốn ngân sách Thành phố là 36.165 tỷ đồng. 

 

 

Vương Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực