Hoãn tăng lương cơ sở là cần thiết

Thứ năm, 21/05/2020 16:26
(ĐCSVN) - Xung quanh đề xuất của Chính phủ đề nghị Quốc hội chưa tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2020, một số đại biểu Quốc hội cho rằng đây là việc làm cần thiết và ý nghĩa để cùng nhau chia sẻ, vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay.

Bên lề hành lang Quốc hội, nói về đề xuất của Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc trước mắt chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 01/7/2020, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Đức Kiên (Ninh Bình) nhận định: Vấn đề quan trọng  là nhà nước, doanh nghiệp và người lao động phải cùng chia sẻ để cùng nhau vượt khó khăn.

ĐBQH Nguyễn Đức Kiên (Ninh Bình). Ảnh: TH.

Đại biểu Nguyễn Đức  Kiên cho hay, chúng ta phải hiểu rằng Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh lương về cơ bản vẫn có hiệu lực, giờ chỉ là lùi để cân đối ngân sách, Chính phủ vẫn có trách nhiệm thực hiện nhưng do điều kiện hiện tại thì Chính phủ đề xuất lùi.

Chia sẻ với việc ai cũng mong muốn cuộc sống được tốt hơn, song đại biểu Nguyễn Đức Kiên cho rằng khả năng của đất nước, của doanh nghiệp không thể đáp ứng mong muốn đó. Đây cũng là trách nhiệm của mọi người, cùng nhau chia sẻ để cùng vượt qua khó khăn!.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên nêu rõ: Quốc hội đã đồng ý để Chính phủ chi số tiền 62 nghìn tỷ đồng “cấp cứu” cho người lao động gặp khó khăn trong dịch bệnh.

“Tiền ấy ở đâu? Chính là lấy từ tiền hỗ trợ tăng lương”, đại biểu Nguyễn Đức Kiên thẳng thắn nói.

“Điều kiện nước ta như vậy, chỉ có 1 túi thôi, tất cả chỉ có bằng ấy thôi, dùng việc này rồi thì không thể dùng vào việc kia, nghèo đói phải biết chia sẻ cho nhau”, đại biểu Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh.

ĐBQH Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị), Ủy viên Thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội  chia sẻ với phóng viên. (Nguồn: Thu Hằng )

Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị), Ủy viên Thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng đề xuất của Chính phủ là cần thiết. Thực tế thời gian qua dịch COVID-19 xảy ra đã ảnh hưởng rất lớn đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt đối với những người thu nhập không ổn định. Một mặt ngân sách nhà nước đã bỏ ra để kịp thời khắc phục hậu quả, mặt khác cũng đã huy động được các nguồn lực xã hội khác tham gia hỗ trợ như: Tổ chức xã hội, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, ATM gạo…

Đại biểu Đỗ Văn Sinh nhấn mạnh: Chúng ta là những lực lượng nòng cốt quản lý đất nước nên cần chia sẻ với Chính phủ. Mặc dù thời gian qua chúng ta đã có những chia sẻ rồi nhưng tạm thời chưa tăng lương cũng là một cách tiếp tục chia sẻ tích cực hơn để góp phần tăng thêm nguồn lực khắc phục hậu quả; đồng thời chia sẻ với những đối tượng khó khăn hơn để vượt qua thách thức này.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh cho rằng chúng ta không thể dự báo chính xác thời điểm “dập dịch” được , tùy vào tình hình kinh tế - xã hội  và khi nào kinh tế phục hồi, thu ngân sách tốt hơn thì chúng ta  có thể quay trở lại thực hiện việc tăng lương cơ sở.

Trước ý kiến cho rằng tại sao không tăng lương hưu vì đây là đối tượng được Bảo hiểm xã hội (BHXH) chi trả, đại biểu Đỗ Văn Sinh cho hay, đối tượng hưởng lương hưu hiện nay có 2 loại: Những người nghỉ hưu trước năm 1995 thì ngân sách nhà nước chi trả; sau năm 1995 thì BHXH chi trả. Nếu chỉ chi trả cho những người hưởng lương hưu sau năm 1995 thì lại bất bình đẳng với các đối tượng hưởng lương hưu trước năm 1995 (khoảng 50%).

ĐBQH  Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

(Ảnh: TH)

Đồng quan điểm, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội chia sẻ: Trong điều kiện hiện nay, nếu tiếp tục tăng lương vào dịp này sẽ khó cân đối ngân sách nhà nước. Bởi ngân sách phải chi ra cũng đang để cứu trợ cho các đối tượng đang hết sức khó khăn do dịch bệnh, trong đó có số lượng lớn người lao động.

“Nếu tạm hoãn tăng lương vào lúc này tức là cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang nhường bớt phần nào đó để cùng chia sẻ với nhà nước, với Chính phủ và những người lao động còn khó khăn khác. Đó là ý nghĩa lớn nhất!”,  đại biểu bày tỏ.

Cũng theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi, tạm hoãn tăng lương cơ sở sẽ giúp Chính phủ giải quyết khó khăn trước mắt, việc này chắc chắn sẽ có tác động, nhưng nếu thực hiện tốt, đồng bộ các giải pháp thì tác động này không lớn, hoàn toàn trong tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, ĐB Bùi Sỹ Lợi cũng lưu ý, Chính phủ phải tích cực kiềm chế, điều chỉnh giá xăng, giá điện và giá các mặt hàng tiêu dùng, làm sao để chính sách tạm hoãn tăng lương cơ sở không gây tác động tới người lao động.

“Nếu vừa không tăng lương cơ sở, vừa để giá tăng thì người lao động sẽ bị “thiệt đơn thiệt kép”, đại biểu Bùi Sỹ Lợi  nhận xét.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực