Hội nghị Cấp cao ASEAN và các đối tác

Thứ hai, 13/11/2017 20:51
(ĐCSVN) - Chiều ngày 13/11/2017, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 31 và các Hội nghị Cấp cao liên quan, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm 40 năm quan hệ đối thoại ASEAN-Hoa Kỳ, các Hội nghị Cấp cao ASEAN+1 với Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản tại Manila, Philippines.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các nước ASEAN, các đối tác truyền thống ASEAN tham dự Hội nghị ASEAN-31. (ảnh: Cổng CP)

Tại các Hội nghị, các nhà Lãnh đạo ASEAN và Đối tác đã thực hiện kiểm điểm việc triển khai các Kế hoạch hành động và cam kết trong thời gian qua và thông qua các định hướng lớn nhằm làm sâu sắc thêm quan hệ nhiều mặt trong giai đoạn tới. Hội nghị nhấn mạnh cần thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa ASEAN và các bên đối tác trong những vấn đề phục vụ trực tiếp cho nhu cầu và lợi ích của người dân trong khu vực, đặc biệt các lĩnh vực về kinh tế, thương mại, đầu tư, kết nối, giáo dục, đào tạo, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống đang nổi lên…

Nhân dịp các Hội nghị, các nước đã gửi lời chúc mừng tới ASEAN dịp kỷ niệm 50 năm thành lập, bày tỏ tin tưởng vào sự phát triển của Cộng đồng ASEAN và ủng hộ vai trò của ASEAN ở khu vực; sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ nguồn lực, kinh nghiệm nhằm giúp ASEAN nâng cao năng lực, thu hẹp khoảng cách phát triển, cùng hợp tác với ASEAN ứng phó với các thách thức chung, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực.

* Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hoa Kỳ lần thứ 5, hai bên đã tổ chức Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 40 năm quan hệ hợp tác nhằm điểm lại những kết quả mà hai bên đã đạt được trong thời gian qua, cũng như cùng thảo luận về định hướng phát triển hợp tác trong giai đoạn tới. Kể từ khi thiết lập quan hệ đối thoại năm 1977, quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ đã phát triển sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, từ văn hóa-xã hội, kinh tế đến chính trị, an ninh. Quan hệ giữa hai bên có nhiều bước tiến quan trọng, điển hình là việc hai bên nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược vào năm 2015. Hoa Kỳ hiện đứng thứ ba trong các đối tác của ASEAN với thương mại hai chiều đạt mức 215 tỷ USD và đầu tư trực tiếp của Hoa Kỳ vào ASEAN đạt mức 11,7 tỷ USD trong năm 2016.

Đây cũng là Hội nghị Cấp cao của ASEAN đầu tiên Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tham dự kể từ khi lên nắm quyền. Điều này đã góp phần khẳng định cam kết của chính quyền Hoa Kỳ với khu vực, thể hiện chính sách ủng hộ các thể chế khu vực và tham gia tích cực vào các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, ủng hộ vai trò trung tâm của Hiệp hội. Trao đổi về lĩnh vực chính trị-an ninh, hai bên chia sẻ về tình hình Biển Đông, Bán đảo Triều Tiên, chống chủ nghĩa khủng bố và cực đoan; bày tỏ quan ngại về những diễn biến gây gia tăng căng thẳng trong thời gian gần đây, và nhắc lại những nguyên tắc đã thống nhất nhằm duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Hai bên khẳng định lại tầm quan trọng của an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; giải quyết hòa bình các tranh chấp; thực hiện kiềm chế, không sử dụng vũ lực, không quân sự hóa, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, tuân thủ những nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982; nghiêm túc thực hiện Tuyên bố DOC và sớm đạt được Bộ quy tắc COC hiệu quả. Về kinh tế, các nhà Lãnh đạo nhất trí định hướng quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến công nghệ cao nhằm hỗ trợ các nước ASEAN nâng cao năng lực về phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), thúc đẩy khởi nghiệp và nền kinh tế số. Về văn hóa-xã hội, hai bên cam kết tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là hợp tác về thanh niên thông qua các sáng kiến kết nối của Hoa Kỳ như Sáng kiến Lãnh đạo trẻ Đông Nam Á (YSEALI), Chương trình nghiên cứu Fulbright về ASEAN và Chương trình Khoa học và Kỹ thuật ASEAN-Hoa Kỳ.

Tại Hội nghị, ngoài Tuyên bố kỷ niệm 40 năm quan hệ và Tuyên bố Chủ tịch của Philippines, các nhà Lãnh đạo đã ghi nhận văn kiện về “Hợp tác ASEAN-Hoa Kỳ trong thúc đẩy thương mại trong truyền thông và dịch vụ công nghệ thông tin” với mục tiêu hướng tới phát triển kinh tế số và phát triển bền vững.

* Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 20, hai bên đã  điểm lại và đánh giá cao những thành tựu trong năm qua trên nhiều lĩnh vực như thương mại, kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển, phát triển cơ sở hạ tầng… Về thương mại, các nhà Lãnh đạo hoan nghênh việc Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại hàng đầu của ASEAN năm thứ 8 liên tiếp; nhấn việc triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động ASEAN-Trung Quốc 2016-2020 và các cơ chế sẵn có giữa hai bên như Hiệp định ACFTA, tranh thủ nguồn lực từ Quỹ Hợp tác ASEAN-Trung Quốc và Ngân hàng AIIB làm cơ sở tiếp tục phấn đấu thực hiện mục tiêu đưa tổng kim ngạch thương mại lên mức 1.000 tỷ USD và tổng đầu tư lên mức 150 tỷ USD vào năm 2020. Trên tinh thần đó, các nhà Lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc đã xem xét và thông qua Tuyên bố về tăng cường hợp tác kết nối cơ sở hạ tầng nhằm tăng cường liên kết trên các lĩnh vực từ vĩ mô như chính sách, chiến lược phát triển đến vi mô như các dự án giao thông và hợp tác doanh nghiệp để thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai bên cũng như thúc đẩy gắn kiến giữa Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN (MPAC) và Sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc. Tuyên bố này mang ý nghĩa quan trọng và hỗ trợ thiết thực cho nhu cầu và ưu tiên của ASEAN. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã thông báo sẽ cấp 20.000 suất học bổng, 500 lượt trao đổi khoa học và 1.500 học bổng đào tạo nghề cho ASEAN trong năm 2018.

Hội nghị cũng hoan nghênh và nhấn mạnh các thành công trong việc triển khai trọng điểm hợp tác năm 2017 về du lịch của cả hai bên khi lượng khách du lịch hai chiều đã vượt qua mốc 30 triệu lượt vào giữa năm nay (đây là chỉ tiêu được Trung Quốc đặt ra cho năm 2020). Nhân dịp này, các nhà Lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc đã thông qua Tuyên bố về Hợp tác du lịch khẳng định nhu cầu thúc đẩy hợp tác giữa hai bên, hướng tới việc quảng bá và quản lý du lịch tốt hơn, nâng cao chất lượng và tạo thuận lợi cho du khách, mở rộng nguồn lợi về du lịch cho cả Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN. Tuyên bố đã chỉ ra những nội dung cụ thể cần tăng cường hợp tác nhằm đáp ứng lợi ích trực tiếp của người dân như: tạo điều kiện đi lại và du lịch thuận lợi, nâng cao chất lượng du lịch, đào tạo nguồn nhân lực cho các đơn vị du lịch, tăng cường kết nối, tiếp tục cải thiện và tự do hóa kết nối hàng không và thúc đẩy du lịch tàu biển và du thuyền.

Liên quan đến Biển Đông, tại Hội nghị lần này, các nhà Lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc đã chính thức tuyên bố khởi động tham vấn và đàm phán về nội dung Bộ quy tắc COC, coi đây là cơ sở quan trọng góp phần duy trì hòa bình ở Biển Đông; đồng thời khẳng định lại việc thực hiện nghiêm túc và đầy đủ Tuyên bố DOC và tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Nhân dịp này, Lãnh đạo hai bên đã thông qua Tuyên bố về thập kỷ bảo vệ môi trường biển và bờ biển ở Biển Đông với mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống kinh tế giúp người dân trong khu vực ứng phó với các tác động từ biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường.

Kết thúc Hội nghị, các nhà Lãnh đạo nhất trí 2018 là dấu mốc quan trọng trong quan hệ ASEAN-Trung Quốc khi hai bên kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và dự kiến sẽ thông qua Tầm nhìn Đối tác Chiến lược ASEAN-Trung Quốc 2030 tại HNCC ASEAN-Trung Quốc lần thứ 21 vào năm sau. Bên cạnh đó, các nhà Lãnh đạo cũng nhất trí chọn nội dung “sáng tạo” là trọng tâm hợp tác của năm 2018.

* Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hàn Quốc lần thứ 19, các nhà Lãnh đạo hai bên đã điểm lại kết quả hợp tác trong năm qua, nhấn mạnh tầm quan trọng của thương mại đối với mỗi bên, tin tưởng sẽ hoàn thành mục tiêu tổng kim ngạch hai chiều đạt 200 tỷ USD vào năm 2020. Các Lãnh đạo ASEAN và Hàn Quốc hoan nghênh các hoạt động kỷ niệm được tổ chức trong Năm hợp tác văn hoá ASEAN-Hàn Quốc 2017, đặc biệt là lễ khai trương Nhà Văn hoá ASEAN tại Busan, Hàn Quốc với mục tiêu tăng cường kết nối văn hoá giữa nhân dân hai bên.

Nhân dịp lần đầu tiên tham dự Hội nghị Cấp cao với ASEAN, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khẳng định tiếp tục cam kết với ASEAN, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình, hỗ trợ ASEAN thực thi Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN (MPAC) 2025 và Kế hoạch thực hiện Sáng kiến Hội nhập ASEAN giai đoạn III. Hai bên nhất trí sẽ tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực bao gồm phát triển bền vững, xoá nghèo và tăng trưởng xanh, kinh tế-thương mại, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), thương mại điện tử, tăng cường giao lưu nhân dân, thu hẹp khoảng cách phát triển và nâng cao năng lực liên quan đến an ninh mạng. Các nhà Lãnh đạo ASEAN hoan nghênh kết quả mà hai bên đã đạt được và mong đợi Hàn Quốc sẽ đóng góp nhiều hơn vào các cơ chế do ASEAN dẫn dắt cũng như góp phần gìn giữ hoà bình và an ninh khu vực.

* Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần thứ 20, Lãnh đạo hai bên khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Nhật Bản, đánh giá đây là một trong những hợp tác tin cậy, thực chất và hiệu quả nhất. Hai bên điểm lại các lĩnh vực hợp tác trọng điểm, bao gồm an ninh, thương mại-đầu tư, giao lưu thanh niên, kết nối, hợp tác biển, phát triển năng lượng xanh, biến đổi khí hậu, y tế… Trên tinh thần đó, các nhà Lãnh đạo hoan nghênh và đánh giá cao 03 sáng kiến mới của Nhật Bản trong năm nay, gồm (i) Mạng lưới Sáng tạo ASEAN-Nhật Bản với mục tiêu thúc đẩy các hoạt động về sáng tạo và thiết lập các ngành công nghiệp mới thông qua hoạt động hợp tác và liên kết giữa các doanh nghiệp hai bên; (ii) Sáng kiến Sức khỏe và Y tế châu Á, (iii) Sáng kiến hợp tác về Môi trường ASEAN-Nhật Bản nhằm phát triển cơ sở hạ tầng thân thiện môi trường chất lượng cao, ứng phó ô nhiễm môi trường biển, ứng phó biến đổi khí hậu,… góp phần thúc đẩy thực hiện Chương trình nghị sự về Phát triển bền vững 2030 của Liên hợp quốc.

Trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực, Lãnh đạo hai bên nhấn mạnh nỗ lực chung để ứng phó với các thách thức đối với hoà bình, an ninh và ổn định khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông và Bán đảo Triều Tiên. Đáng chú ý, các nhà Lãnh đạo ASEAN và Nhật Bản nhất trí cần tăng cường hơn nữa hợp tác chống khủng bố, cướp biển, tội phạm mạng và an ninh biển thông qua các hoạt động nâng cao năng lực và chia sẻ thông tin tình báo.

* Phát biểu tại các Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với các đối tác, đánh giá cao cam kết của các đối tác tiếp tục hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng và phát huy vai trò trung tâm ở khu vực, và đề nghị các đối tác tiếp tục tăng cường hợp tác với ASEAN tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên và phát huy được thế mạnh của mỗi bên.

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hoa Kỳ, Thủ tướng chào mừng Tổng thống Donald Trump lần đầu tiên tham dự Hội nghị Cấp cao của ASEAN và đánh giá cao kết quả hợp tác giữa hai bên trong thời gian qua. Thủ tướng hoan nghênh các cam kết của Chính quyền Tổng thống Trump với ASEAN và khu vực, ủng hộ ASEAN thúc đẩy vai trò trung tâm và xây dựng thành công Cộng đồng cũng như thực hiện mục tiêu duy trì môi trường hoà bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Thủ tướng cũng kêu gọi hai bên tăng cường hợp tác về kinh tế, đặc biệt là kinh tế số và kinh tế sáng tạo trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 phục vụ mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm của khu vực và toàn cầu.

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc, thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng chúc mừng thành công của Đại hội Đảng lần thứ 19 của Trung Quốc và cùng các nước ASEAN bày tỏ tin tưởng cũng như đánh giá cao vai trò của Trung Quốc trong thúc đẩy hợp tác và phát triển ở khu vực. Thủ tướng hoan nghênh việc hai bên đã thông qua Khung COC và đề nghị sớm tiến hành đàm phán thực chất COC mang tính khả thi và ràng buộc pháp lý. Về định hướng hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới, Thủ tướng chia sẻ quan điểm ủng hộ đề xuất xây dựng Tầm nhìn Đối tác Chiến lược ASEAN-Trung Quốc 2030 của Trung Quốc theo hướng tiếp tục hỗ trợ xây dựng Cộng đồng ASEAN và nhất trí với các nước chọn chủ đề hợp tác ASEAN-Trung Quốc trong năm 2018 là sáng tạo. Với chủ đề này, Thủ tướng tin rằng hợp tác hai bên trong năm sau sẽ được thúc đẩy theo hướng năng động, sáng tạo nhằm tăng cường khả năng hội nhập và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp ASEAN.

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hàn Quốc, Thủ tướng chào mừng Tổng thống Mun Che-in lần đầu tiên tham dự Hội nghị Cấp cao với ASEAN, đánh giá cao những kết quả mà hai bên đã đạt được trong năm qua và chia sẻ một số đề xuất nhằm nâng tầm hợp tác trong thời gian tới. Thủ tướng nhấn mạnh hai bên cần tiếp tục đặt hợp tác kinh tế làm ưu tiên hàng đầu, đặc biệt thúc đẩy các hoạt động liên quan đến hỗ trợ nâng cao năng lực, chuyển giao công nghệ và chia sẻ kinh nghiệm quản lý phục vụ phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs).

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nhật Bản, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của Nhật Bản trong việc hỗ trợ ASEAN tăng cường kết nối và hội nhập khu vực. Thủ tướng cho rằng hai bên cần thúc đẩy hoạt động của Mạng lưới Sáng tạo ASEAN-Nhật Bản, tăng cường gắn kết cộng đồng doanh nghiệp giữa các nước ASEAN và Nhật Bản, thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo. Nhân dịp này, Thủ tướng cũng khẳng định Việt Nam sẽ tích cực phối hợp với các nước thành viên ASEAN và Nhật Bản để triển khai hiệu quả các kế hoạch hợp tác giữa hai bên trong vai trò nước điều phối quan hệ ASEAN-Nhật bản giai đoạn 2018-2021.

Tại các Hội nghị, Thủ tướng cũng chia sẻ quan điểm, lập trường của Việt Nam về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Về Bán đảo Triều Tiên, Thủ tướng chia sẻ quan ngại và đề nghị thực hiện nghiêm túc các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và khẳng định lập trường nhất quán về ủng hộ phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẵn sàng cùng các nước ASEAN đóng góp tích cực vào các nỗ lực chung vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực.

Về Biển Đông, Thủ tướng chia sẻ cùng các nước ASEAN và Đối tác những diễn biến phức tạp gần đây có khả năng đe doạ hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông. Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam mong các đối tác tiếp tục đóng góp xây dựng cho việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, thúc đẩy các bên tự kiềm chế, không tiến hành các hành động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, ủng hộ ASEAN và Trung Quốc thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và sớm hoàn thành Bộ quy tắc COC thực chất và ràng buộc pháp lý./.

 

Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực