Hội nghị Quốc tế về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh

Thứ hai, 07/12/2020 23:13
(ĐCSVN) -“Thông qua Hội nghị này, Việt Nam mong muốn cộng đồng quốc tế tiếp tục khẳng định cam kết thúc đẩy bình đẳng giới, đề ra các biện pháp và thu hút các nguồn lực cần thiết để tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia thiết thực hơn nữa trong xây dựng, củng cố hòa bình và an ninh.” Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, Phạm Bình Minh nói.
Bên lề Hội nghị Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, và Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao, Phạm Bình Minh, tham quan Triển lãm “Phụ nữ Việt Nam chung tay vì sự an toàn trên những miền đất Việt” 

Ngày 7/12/2020, Việt Nam và Liên Hợp Quốc tổ chức Hội nghị toàn cầu thúc đẩy hành động đối với các cam kết toàn cầu về phụ nữ, hòa bình và an ninh, theo hình thức trực tuyến giữa New York, và Hà Nội.

Là một phần trong các hoạt động kỷ niệm 25 năm Cương lĩnh Hành động Bắc kinh về thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ và 20 năm ra đời Nghị quyết lịch sử số 1325 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về phụ nữ, hòa bình và an ninh, các vị Lãnh đạo cấp cao, các nhà ngoại giao, lãnh đạo chính trị, các tổ chức phụ nữ và những người đang hoạt động trong lĩnh vực xây dựng hòa bình từ khắp nơi trên thế giới sẽ gặp gỡ đế cùng thảo luận tại một sự kiện toàn cầu được tổ chức tại Việt Nam. 

Việt Nam, hiện là một thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (2020 - 2021), sẽ là quốc gia chủ trì tổ chức một Hội nghị Quốc tế về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh với chủ đề Tăng cường vai trò của phụ nữ trong xây dựng và củng cố hòa bình: Từ Cam kết đến Kết quả từ ngày 7- 9 /12/2020. Hội nghị được Chính phủ Việt Nam phối hợp với Liên Hợp Quốc tổ chức, trong đó UNWOMEN và Văn phòng Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam đóng vai trò chính hỗ trợ các Quốc gia Thành viên.    

Việc Việt Nam đóng vai trò lãnh đạo trong soạn thảo nghị quyết 1889 (2009) của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc kêu gọi lồng ghép quan điểm về giới trong tất cả các quá trình ra quyết định, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của quá trình khôi phục và xây dựng hòa bình, là nền tảng quan trọng để tăng cường hỗ trợ hơn nữa sự tham gia của phụ nữ trong xây dựng hòa bình tại thực địa. Các quyền của phụ nữ và quyền được tham gia đầy đủ, bình đẳng và có ý nghĩa của phụ nữ phải được đặt ở vị trí cốt lõi của tất cả các phương pháp tiếp cận nhằm ngăn ngừa, giải quyết xung đột và các nỗ lực phục hồi sau xung đột. Đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng và ảnh hưởng đến công việc của những phụ nữ đang thực thi công việc xây dựng hòa bình, những người đã và đang đảm nhận những vai trò mới để bảo vệ thành quả xây dựng hòa bình và đóng góp vào quá trình phục hồi lâu dài hơn sau đại dịch. 

Hội nghị sẽ củng cố các thông điệp chính của báo cáo của Tổng Thư ký LHQ tại Hội đồng Bảo an LHQ trong phiên Tranh luận mở hàng năm về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh trên vào ngày 29 tháng 10 năm 2020, kỷ niệm 20 năm ra đời của nghị quyết lịch sử 1325. Báo cáo cung cấp đánh giá về thành tựu của hai mươi năm thực hiện Chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh và vạch ra năm mục tiêu để hiện thực hóa hòa bình toàn diện và bền vững trong thập kỷ tới. Năm mục tiêu này sẽ cung cấp chủ đề chính cho các cuộc thảo luận trong hội nghị lần này, nhằm góp phần tạo ra một lộ trình rõ ràng trong việc tiếp tục triển khai Chương trình nghi sự về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh.   

Hội nghị sẽ tập trung vào các cam kết và kết quả sự tham gia của phụ nữ trong việc xây dựng và duy trì hòa bình được phản ánh trong các chiến lược thành công về bao trùm, trao quyền cho phụ nữ, và hỗ trợ cho công việc xây dựng hòa bình và phòng chống xung đột do những phụ nữ trẻ tuổi đang thực hiện tại thực địa. Những đại biểu tham dự hội nghị từ khắp nơi trên thế giới sẽ tập hợp trực tuyến cũng như tham gia trực tiếp cùng các đối tác tại Việt Nam để cùng rà soát một loạt các chủ đề, trong đó có sự tham gia của phụ nữ trong quá trình hòa bình, xây dựng hoà bình và hồi phục hậu xung đột, phụ nữ trong gìn giữ hòa bình, an ninh kinh tế của phụ nữ và tiếp cận các nguồn lực, các xu hướng đang nổi lên và bối cảnh mới cho Phụ nữ, Hòa bình và An ninh. Sự kiện này cũng sẽ cung cấp không gian cho tư duy phản biện xung quanh các ưu tiên, hành động và các nỗ lực đẩy mạnh thực hiện trên phạm vi toàn cầu, khu vực và quốc gia, bao gồm việc thông qua các Kế hoạch Hành động về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh. Các đại biểu cũng sẽ thảo luận các ưu tiên trong thập kỷ tới và nhất trí về một loạt các cam kết cụ thể nhằm đẩy nhanh hành động và thu hẹp khoảng cách thực hiện. Những kết quả này sẽ bổ sung và đáp ứng các kêu gọi hành động của các mạng lưới và tổ chức phụ nữ vào tháng 10.

“Chủ trương nhất quán của Đảng cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam là luôn phát huy cao độ vai trò và tiềm năng to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao địa vị phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội. Những định hướng lớn này đã được thể chế hóa trong Hiến pháp, Luật bình đẳng giới và nhiều văn bản trong hệ thống pháp luật Việt Nam, đã có chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến năm 2030, góp phần tăng cường đóng góp của phụ nữ trong thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2045.” Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Việt Nam Tòng Thị Phóng phát biểu.

“Thông qua Hội nghị này, Việt Nam mong muốn cộng đồng quốc tế tiếp tục khẳng định cam kết thúc đẩy bình đẳng giới, đề ra các biện pháp và thu hút các nguồn lực cần thiết để tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia thiết thực hơn nữa trong xây dựng, củng cố hòa bình và an ninh.” Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, Phạm Bình Minh nói.

“Đại dịch COVID-19 đang đe dọa những lợi ích mong manh mà phụ nữ đạt được, hòa bình và an ninh, gia tăng nghèo đói, bất bình đẳng và căng thẳng trên khắp thế giới. Phụ nữ rất cần thiết trong phản ứng. Chúng ta phải bao gồm đầy đủ họ trong mọi nỗ lực hòa bình và bảo vệ nhân quyền của họ; giảm chi tiêu quân sự toàn cầu và chi tiêu nhiều hơn cho bình đẳng giới; và nhận dữ liệu có thể hỗ trợ hành động nhanh chóng. Chúng ta cần đặt phụ nữ làm trung tâm, lắng nghe và học hỏi từ những người phụ nữ xây dựng hòa bình, bao gồm cả những phụ nữ trẻ, những người có tầm nhìn và sức mạnh là trọng tâm của Bình đẳng Thế hệ.” Tiến sĩ Phumzile Mlambo-Ngcuka, Giám đốc Điều hành tổ chức UNWOMEN cho biết.

“Trong hơn một thập kỷ qua, Việt Nam đã ủng hộ mạnh mẽ các chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh, hợp tác chặt chẽ với Liên Hợp Quốc, đặc biệt là tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đồng thời triển khai ngày càng nhiều phụ nữ tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Hội nghị toàn cầu này tạo cơ hội tuyệt vời cho các Lãnh đạo Chính phủ, những người đang hoạt động trong xây dựng hòa bình, các chuyên gia và các đại sứ của tuổi trẻ cùng gặp nhau và cùng thúc đẩy các cam kết hướng tới hành động nhằm nâng cao vai trò của phụ nữ trong việc đạt được hòa bình và an ninh ở mọi cấp độ từ địa phương đến toàn cầu. Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng Việt Nam sẽ vẫn luôn đi đầu trên toàn cầu trong chương trình nghị sự này và tiếp tục phát triển trong tương lai. ” Điều phối viên Thường trú LHQ tại Việt Nam, Ông Kamal Malhotra chia sẻ./.

Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực