Hơn 4 triệu người tử vong vì COVID-19 trên toàn cầu

Thứ tư, 07/07/2021 07:56
(ĐCSVN) – Đến sáng 7/7, thế giới có tổng số 185.346.825 ca nhiễm và 4.008.260 ca tử vong vì dịch COVID-19. Trong một ngày qua có thêm 417.924 ca nhiễm và 7.596 ca tử vong mới. Tính đến nay, Mỹ vẫn là nước có tổng số ca nhiễm bệnh và tử vong nhiều nhất do đại dịch này.
 Xét nghiệm sàng lọc COVID-19 tại Bồ Đào Nha. (Ảnh minh họa: BFM TV)

Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 7/7, đã có 169.694.327 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 11.644.238 ca bệnh đang điều trị, có 11.566.536 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,3%) và 77.702 ca (chiếm 0,7%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện vẫn hoành hành tại 222 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trong 24 giờ qua, với thêm 62.504 ca nhiễm mới, Brazil là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Ấn Độ (43.344 ca) và Indonesia (31.189 ca). Cùng với đó, Brazil cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất trong một ngày qua với 1.663 ca, sau đó là Ấn Độ (909 ca) và Nga (737 ca).

Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy với 56.742.965 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 7/7, châu Á tiếp tục là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất thế giới. Trong đó, 806.132 ca đã tử vong do COVID-19 và 53.998.747 ca được điều trị khỏi. 3 quốc gia có số người nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất tại châu Á là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 ghi nhận tới thời điểm hiện tại là 30.662.283; 5.454.763 và 3.286.923 ca; và số trường hợp tử vong lần lượt là 404.132; 49.996 và 85.095 ca. 

Trong 24 giờ qua, châu Âu đã ghi nhận thêm 82.324 ca nhiễm và 969 ca tử vong mới vì COVID-19. Đây là châu lục có số ca nhiễm COVID-19 nhiều thứ hai thế giới. Pháp, Nga và Anh tiếp tục là 3 nước bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch này tại châu Âu khi có lần lượt 5.790.584; 5.658.672 và 4.958.868 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, Nga là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất khu vực, với tổng số 139.316 ca, sau khi ghi nhận thêm 737 ca tử vong mới trong 24 giờ qua; tiếp sau đó là Anh (128.268 ca) và Italy (127.704 ca).

Là khu vực có số ca nhiễm nhiều thứ ba thế giới, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ cũng tiếp tục gia tăng, với 40.774.472 ca, trong đó có 921.421 ca tử vong và 34.285.922 ca được điều trị khỏi. Với 34.616.076 ca nhiễm và 621.562 ca tử vong vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau là Mexico và Canada với con số thống kê lần lượt là 2.541.873 và 1.418.080 ca nhiễm, cùng 233.689 và 26.381 ca tử vong vì COVID-19.

Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 116.101 ca nhiễm và 2.788 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 33.536.764 ca và 1.022.832 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê của khu vực, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực khi có thêm 62.504 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp bị nhiễm COVID-19 lên con số 18.855.015 vào thời điểm hiện tại. Với 1.663 ca tử vong được ghi nhận trong một ngày qua, Brazil cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất vì COVID-19; tiếp sau đó là Colombia với 553 ca tử vong mới và Argentina với 462 ca tử vong mới do COVID-19.

Tính đến sáng 7/7, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 5.779.958 ca, trong đó có 148.262 ca tử vong và 5.012.647 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 2.090.909 ca nhiễm và 62.628 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 15.500 ca nhiễm mới và 457 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Morocco và Tunisia, với tổng số lần lượt 535.974 và 455.091 ca nhiễm bệnh cùng 9.336 và 15.601 ca tử vong.

Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 77.457 ca nhiễm (tăng 662 ca) và 1.299 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19 (tăng 6 ca). Đứng đầu danh sách thống kê trên trang worldometers.info vẫn là Australia với 26 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 30.829 ca, trong đó 910 ca tử vong.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục hoành hành mạnh mẽ trên thế giới với số lượng ca mắc và tử vong không ngừng gia tăng, đặc biệt là sự lây lan mạnh của  biến thể Delta, các quốc gia đang nỗ lực không ngừng đẩy nhanh tiến trình tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân. Khuyến cáo mới của Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) của Đức cho biết nước này sẽ cần đạt tỷ lệ tiêm chủng tối thiểu là 85% đối với người từ 12 – 59 tuổi và 90% đối với người từ 60 tuổi trở nên. RKI nhận định nếu sớm đạt tỷ lệ tiêm chủng theo khuyến cáo mới, Đức có thể tránh được nguy cơ làn sóng lây nhiễm thứ 4 vào mùa Thu và mùa Đông tới. Ngoài ra, việc giảm tiếp xúc khi đó cũng sẽ giúp giảm mạnh tỷ lệ bệnh nhân nặng phải nhập viện.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Marise Payne và Bộ trưởng phụ trách khu vực Thái Bình Dương Zed Seselja của Australia thông báo nước này sẽ cung cấp thêm 15 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho các quốc đảo Thái Bình Dương và Timor-Leste trong 6 tháng đầu năm 2022. Lượng vaccine trên dự kiến được lấy từ nguồn vaccine của hãng AstraZeneca được sản xuất tại Australia. Cho đến nay, Australia đã tặng hơn nửa triệu liều vaccine và nhiều thiết bị y tế cần thiết cho khu vực Thái Bình Dương, bao gồm các nước như Papua New Guinea, Fiji và Timor-Leste.

Hạ viện Brazil ngày 6/7 đã thông qua nội dung chính của một dự luật cho phép phá vỡ bản quyền trong việc sản xuất vaccine và các loại dược phẩm trong các trường hợp tình trạng y tế công khẩn cấp hoặc tình trạng khẩn cấp quốc gia. Đồng thời, cơ quan quản lý y tế Brazil Anvisa thông báo đã phê chuẩn thử nghiệm lâm sàng mới đối với ứng cử viên vaccine phòng COVID-19 do Sanofi Pasteur - bộ phận sản xuất vaccine của tập đoàn dược phẩm Sanofi của Pháp, phát triển và thử nghiệm. Theo Anvisa, đây sẽ là vaccine "thế hệ tiếp theo" sử dụng công nghệ mRNA và nghiên cứu lâm sàng ở giai đoạn 1 và 2, với khoảng 150 tình nguyện viên ở Brazil./.

Khánh Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực