Ngày 26/5/2020, hơn 40 triệu bác sĩ, y tá và các chuyên gia y tế từ 90 quốc gia, trong đó bao gồm nhiều cá nhân đang làm việc ở tuyến đầu của cuộc chiến chống đại dịch COVID -19, đã cùng gửi đi một lá thư chung đến các lãnh đạo G20, kêu gọi họ lấy sức khỏe cộng đồng làm trọng tâm cho các gói cứu trợ phục hồi kinh tế, nhằm tránh các cuộc khủng hoảng mới diễn ra trong tương lai và tăng cường khả năng chống chịu của thế giới trước các nguy cơ này.
Hơn 200 hiệp hội và nhóm y tế đại diện cho các chuyên gia, bao gồm: Hiệp hội Y tế Thế giới, Hội đồng Điều dưỡng Quốc tế, Liên đoàn Y tá và Hộ sinh Khối Thịnh vượng chung, Tổ chức Bác sĩ Gia đình Thế giới và Liên đoàn Y tế Công cộng Thế giới - đã thay mặt cho các thành viên của mình cùng đặt bút ký vào bức thư kêu gọi, bên cạnh hàng ngàn các cá nhân chuyên gia y tế khác. Đây là cuộc vận động cộng đồng y tế lớn nhất thế giới kể từ hoạt động chuẩn bị trước thềm thỏa thuận khí hậu Paris 2015.
Bức thư yêu cầu Chính phủ các nước khi xem xét đưa ra các gói kích thích kinh tế phải ưu tiên đầu tư vào y tế công cộng, đảm bảo không khí sạch, nước sạch và khí hậu ổn định. Những khoản đầu tư này, bức thư lý giải, sẽ giúp làm giảm ô nhiễm không khí và giảm các phát thải khiến khí hậu nóng lên – vốn là những yếu tố gây tổn hại sức khỏe con người– và giúp tăng cường năng lực phục hồi sau các đại dịch trong tương lai, đồng thời tạo ra nhiều việc làm bền vững hơn.
Để đạt được khả năng phục hồi lành mạnh này, lãnh đạo các nước G20 phải để cho cộng đồng y tế và khoa học tham gia vào quá trình xây dựng các gói kích thích kinh tế. Những quyết sách về gói kích thích cũng phải xét đến đánh giá y tế và khoa học về tác động sức khoẻ cộng đồng trong ngắn hạn và dài hạn mà những biện pháp này có thể đem lại.
Đại dịch COVID -19 đã và đang đẩy nhiều bác sĩ, y tá và các chuyên gia y tế vào chết chóc, bệnh tật và suy kiệt tinh thần ở mức độ chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ. Nỗi đau này đáng lẽ đã có thể được giảm thiểu phần nào nếu có những đầu tư thích đáng từ trước vào công tác phòng, chống đại dịch, y tế công cộng và quản lý môi trường, bức thư nêu rõ.
Các nhà lãnh đạo phải học hỏi từ những sai lầm trong quá khứ và đảm bảo một thế giới khi khôi phục sẽ mạnh mẽ hơn, khỏe mạnh hơn và kiên cường hơn, theo các chuyên gia y tế. Chính phủ các nước hiện nay có đủ năng lực thực hiện cú chuyển mình này trong 12 đến 18 tháng tới, tùy thuộc vào quyết định chỉ đạo sẽ chi vào đâu và bằng cách nào đối với hàng nghìn tỷ USD họ sắp bơm vào nền kinh tế. Các hội nghị thượng đỉnh quốc tế năm nay chính là dịp để các nhà lãnh đạo thế giới cùng thống nhất ưu tiên sức khỏe cộng đồng làm cốt lõi cho mọi nỗ lực phục hồi, bao gồm hội nghị G7 vào ngày 10/6, Hội đồng châu Âu vào ngày 18-19/6, cuộc họp giữa Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới vào ngày 16-18/10 và Hội nghị thượng đỉnh G20 vào ngày 21-22/11.
Đại dịch COVID-19 đã chứng minh nền kinh tế sẽ phải gánh chịu hậu quả khi sức khỏe con người bị tổn hại, các chuyên gia y tế chỉ rõ.
Thông điệp chung đưa ra là cách tiếp cận dựa trên cơ sở khoa học, hướng tới một cuộc phục hồi lành mạnh sau COVID-19 đòi hỏi các nước phải quyết định giảm thiểu cả ô nhiễm không khí – vốn làm suy yếu phổi, tim và các cơ quan khác, và khí thải nhà kính – có tác động gây ra hạn hán, hiện tượng nóng cực đoan, lũ lụt, cháy rừng và những đổ vỡ môi trường đe dọa tính mạng khác. Để đạt được mục tiêu phục hồi lành mạnh, Chính phủ các nước cần phải đầu tư vào các ngành công nghiệp bền vững và sáng tạo, vào việc làm và chuỗi sản xuất và cung ứng thực phẩm. Từ đây, các nhà lãnh đạo sẽ có thể khuyến khích chế độ ăn uống lành mạnh hơn, đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo nhiều hơn, khích lệ việc đi bộ, đạp xe và sử dụng giao thông công cộng không khí thải, tái sinh cây xanh và thiên nhiên trên diện rộng, cùng những thay đổi tích cực khác góp phần nâng cao sức khỏe của con người, của nền kinh tế và của hành tinh này trong tương lai, theo các chuyên gia y tế.
Tiến sĩ Miguel R. Jorge, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Thế giới cho biết: "Các chuyên gia y tế chính là những người chiến đấu ở tuyến đầu của bối cảnh nguy cấp hiện nay và chúng tôi đang phải chứng kiến tổn thất khủng khiếp về tính mạng con người do việc hành động quá muộn. Hơn bao giờ hết, chúng tôi hiểu rằng để có cuộc sống khoẻ mạnh, chúng ta buộc phải có một hành tinh khoẻ mạnh. Khi bắt đầu bước vào con đường phục hồi, chúng ta không thể bỏ qua việc thiết lập một hệ thống ứng phó sẵn sàng bảo vệ chúng ta khỏi thiệt hại trong tương lai. Đó là lý do tại sao Chính phủ các nước phải quan tâm đến sức khỏe cộng đồng khi thảo luận về các gói phục hồi. Chúng ta cần một hướng tiếp cận toàn diện, một cuộc phục hồi xanh và lành mạnh, và chúng ta cần nó ngay bây giờ. "
Bà Annette Kennedy, Chủ tịch Hội đồng Điều dưỡng Quốctế (ICN) cho biết: “COVID -19 đã buộc cả thế giới phải dừng lại và suy ngẫm, trao cho chúng ta cơ hội hiếm có để tạo ra những thay đổi tích cực cho hành tinh này và cho tất cả mọi người sống trên trái đất. Biến đổi khí hậu đang là mối đe dọa nghiêm trọng và gần kề đối với sức khỏe của toàn bộ dân số thế giới. Chúng tôi đang kêu gọi Chính phủ các nước đảm bảo mức ô nhiễm không trở lại ở cấp độ trước đại dịch, để con cháu chúng ta có thể lớn lên khỏe mạnh trong điều kiện khí hậu dễ sống và bền vững. Đây có thể là cơ hội duy nhất chúng ta có nếu muốn đạt được bất cứ điều gì tích cực khi bước ra từ đại dịch COVID-19, và để vuột mất cơ hội này sẽ là một tội lỗi không thể tha thứ. Các thành viên của ICN nhận thức được mối liên hệ trực tiếp giữa năng lực sẵn sàng ứng phó trong tương lai, mức đầu tư vào các dịch vụ y tế và biến đổi khí hậu. Chỉ có đầu tư vào cả chăm sóc sức khỏe và môi trường, chúng ta mới có thể tạo ra một tương lai bền vững.”
|
Bà Jeni Miller, Giám đốc điều hành, Liên minh khí hậu và sức khỏe toàn cầu. (Ảnh: breakingnewstoday.co.uk) |
Bà Jeni Miller, Giám đốc điều hành, Liên minh khí hậu và sức khỏe toàn cầu (GCHA) cho biết: “Để phục hồi lành mạnh, chúng ta cần hiểu rằng sức khỏe của con người, sức khỏe của nền kinh tế và sức khỏe của hành tinh có mối liên hệ chặt chẽ với nhau; đại dịch này đã chứng minh phục hồi kinh tế chỉ có thể đạt được thông qua những phương thức tăng cường khả năng phục hồi sức khỏe toàn cầu. Khi vạch ra các chiến lược khôi phục quốc gia sử dụng một lượng lớn quỹ công, Chính phủ các nước phải luônnhận thức rõ về những mối liên hệ then chốt này và họ không được để cho áp lực từ phía các doanh nghiệp làm suy yếu các tiêu chuẩn môi trường, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Đây không phải là lúc quay trở lại với mô hình kinh doanh cũ, đây là lúc cần có những bước đi táo bạo để tạo ra một tương lai bảo vệ cả con người và hành tinh của chúng ta.”
Giáo sư K Srinath Reddy, Chủ tịch, Tổ chức Y tế Công cộng Ấn Độ cho biết: “COVID- 19 đã vạch rõ những mối nguy hiểm đến từ việc bóc lột sinh thái bừa bãi, tạo ra những băng tải truyền bệnh cho các chủng virus vốn chủ yếu sống trong động vật hoang dã, giúp chúng trở thành mầm bệnh gây hại cho loài người. Ô nhiễm không khí và nguồn nước làm hao mòn năng lực kháng cự của chúng ta trước cuộc xâm lăng của virus, chính vì khả năng miễn dịch bẩm sinh bị giảm sút, cùng những tổn hại sức khỏe từ trước đã khuếch đại tác hại của virus gây ra cho con người. Đây là một bài học cơ bản nhất trong những bài học về sức khỏe môi trường và cũng là kinh nghiệm nhắc nhở để chúng ta sáng suốt hơn khi tái định hình tương lai. Nếu mối quan hệ hòa hợp với thiên nhiên bị phá vỡ, chúng ta sẽ phải gánh chịu hậu quả. Hãy học cách chung sống khôn ngoan để có thể tồn tại.”
|
Bà Mary Robinson, Chủ tịch của Người cao tuổi, cựu Cao ủy Nhân quyền LHQ (Ảnh: newsroom.ucla.edu/) |
Bà Mary Robinson, Chủ tịch của Người cao tuổi, Tổng thống nữ đầu tiên của Ireland, cựu Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc cho biết: "Tôi đồng tình với quan điểm của các chuyên gia y tế trên khắp thế giới: Tái thiết một xã hội lành mạnh phải đồng nghĩa với hành động thực chất và lâu dài trước khủng hoảng khí hậu. COVID-19 đã làm sáng tỏ quan hệ tác động qua lại của những mặt yếu kém của chúng ta và chứng minh rõ ràng rằng sức khỏe cộng đồng và việc bảo vệ hành tinh có mối liên hệ chặt chẽ với nhau."