|
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn điều hành phiên thảo luận tại tổ. |
Chiều 5/7, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 7 HĐND TP Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND TP đã tổ chức 5 tổ thảo luận về 4 nhóm nội dung: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022 của TP; phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, KT-XH trên địa bàn TP; giao kế hoạch vốn đầu tư công và kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của TP; tình hình triển khai và tiến độ công tác đấu giá quyền sử dụng (QSD) đất trên địa bàn TP.
Giải pháp đủ mạnh, áp chế tài trong giải ngân vốn đầu tư công
Thảo luận tại tổ về kế hoạch phát triển KT-XH, các đại biểu đánh giá, các kết quả thành phố đạt được có nhiều nổi bật, ấn tượng, nhờ những đổi mới, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành cùng sự đồng thuận của Nhân dân, doanh nghiệp. Các đại biểu cũng nhấn mạnh việc TP quan tâm phát triển hạ tầng giao thông đô thị và hạ tầng xã hội; dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư;…
Tuy nhiên, trước diễn biến của chủng mới Omicron, Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Lê Ngọc Anh cho rằng, thành phố cần bổ sung các biện pháp phòng, chống trong kịch bản 6 tháng cuối năm. Ngoài ra, thành phố cũng cần tập trung nâng cao các chỉ số xếp hạng cải cách hành chính, đặc biệt là chỉ số PCI và PAR Index; tập trung cải thiện các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, người dân,...
Về công tác đấu giá quyền sử dụng đất, Bí thư Quận ủy Hà Đông Nguyễn Thanh Xuân cho rằng, những tháng cuối năm, tranh thủ bất động sản còn nóng sốt, thành phố cần đẩy nhanh công tác này. Với những dự án lớn hơn 30 tỷ đồng thuộc thẩm quyền phê duyệt giá sàn của thành phố, đề nghị thành phố cần có chỉ đạo để chốt ngày mở phiên, chốt giá sàn, đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan, không có sự thông thầu. Từ đó, đảm bảo tính khả thi và đẩy nhanh tiến độ trong đấu giá đất và thu ngân sách từ đấu giá đất. Liên quan giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu đề nghị có tổ công tác đủ mạnh, phát huy hiệu quả hơn trong thực hiện công tác này của thành phố, cũng như có giải pháp đủ mạnh để áp chế tài trong thực hiện giải ngân.
Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Việt cho rằng: Cần nhìn thẳng vào những tồn tại, khó khăn để mổ xẻ những nguyên nhân, tập trung giải pháp thực hiện. Đặc biệt trong việc giải ngân vốn đầu tư công hay những vấn đề dân sinh bức xúc (rác thải, cấp thoát nước)...
Đồng ý với việc cấp nào thực hiện thuận lợi thì giao cho cấp đó, tuy nhiên đại biểu Nguyễn Ngọc Việt cho rằng, cần đánh giá thường xuyên và phân rõ nhóm các quận, huyện có nguồn lực có thể thực hiện nhiệm vụ phân cấp, ủy quyền bởi nhiều địa phương không có nguồn lực còn e ngại việc này. Đặc biệt, trong điều kiện ngân sách khó khăn, thành phố đã quyết định đầu tư hơn 40.000 tỷ đồng theo các giai đoạn cho các lĩnh vực y tế, giáo dục…nhưng với những dự án phân cấp ủy quyền cho các quận, huyện thực hiện cần có đánh giá, khảo sát, rà soát kỹ để quá trình thực hiện được thuận lợi.
Cùng mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Thành Nam, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội cho rằng việc phân cấp phải được thí điểm, có lĩnh vực cần phân cấp mạnh nhưng có những lĩnh vực cần phải thận trọng.
Trao đổi về những vấn đề đại biểu đặt ra cho TP, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, do vậy, thành phố cần xây dựng phương án nếu xảy ra bùng phát trở lại; phải có kế hoạch về trang thiết bị, lực lượng y tế, hỗ trợ đời sống Nhân dân...
Liên quan vấn đề giải ngân đầu tư công còn thấp được nhiều đại biểu đề cập, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội nhấn mạnh, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, 7 quận huyện có dự án đi qua cần tập trung thực hiện. Các công trình trọng điểm, hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật khác cũng cần được chuẩn bị tốt nhất cho công tác đầu tư. Các tổ công tác của thành phô hằng tháng cần có giao ban để tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc...
Khắc phục tâm lý sợ trách nhiệm, sợ vi phạm khi mua thiết bị y tế
Phát biểu tại thảo luận tổ, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương nhận định, tác động của dịch COVID-19 đến với mỗi cá nhân là về tâm lý, sức khoẻ nhưng với ngành Y tế, "hậu COVID-19" còn rất nặng nề. Đó là vấn đề về tâm lý, nhân lực, thiếu trang thiết bị, thiếu thuốc, vật tư y tế. Tuy nhiên, người thiệt thòi nhất vẫn là Nhân dân, vì Nhân dân là đối tượng được thụ hưởng chăm sóc sức khoẻ.
Ví dụ thứ nhất là năm 2021, Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội thực hiện sự chỉ đạo của Thành uỷ (theo đề xuất của UBND TP), thực hiện phân bổ kinh phí 2 lần, lần thứ nhất là trang bị tủ lạnh đựng vắc xin cho tất cả các xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã. Thời điểm đó, theo rà soát cụ thể của ngành Y tế, báo cáo UBND TP, Thành uỷ chỉ đạo Uỷ ban MTTQ TP là cần trang bị 1.009 tủ lạnh đựng vắc xin cho trạm y tế xã, phường, thị trấn. Sở dĩ thời điểm đó rất cần tủ lạnh bảo quản vắc xin phòng COVID-19 là sau khi xảy ra sự cố tiêm nhầm vắc xin tại huyện Quốc Oai và Hà Nội đang tập trung cho chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19.
|
Chử tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương thảo luận tại tổ. |
Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Lan Hương, cho đến thời điểm này, chỉ có 7 đơn vị triển khai mua tủ lạnh bảo quản vắc xin: Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Sóc Sơn, Thường Tín, Mê Linh, Long Biên và Phú Xuyên. Còn 23 đơn vị gửi lại tiền với lý do không có nhu cầu mua tủ lạnh đựng vắc xin trang bị cho các trạm y tế.
“Chúng tôi rất băn khoăn với lý do này, phải chăng Sở Y tế khảo sát chưa chính xác nhu cầu? Phải chăng một số quận, huyện không khó khăn về trang thiết bị y tế phục vụ cho y tế cơ sở? Trong khi đây là trang thiết bị rất cần thiết”, Chủ tịch MTTQ TP Việt Nam TP Hà Nội nêu ý kiến.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đặt câu hỏi, vậy chúng ta suy nghĩ gì: Nếu cứ là tâm lý e ngại, sợ thanh tra, kiểm tra thì cuối cùng người thiệt thòi là nhân viên ngành y tế và Nhân dân Thủ đô. Chúng ta nếu vì Nhân dân, vì lợi ích Nhân dân thì hãy suy nghĩ về tâm lý sợ trách nhiệm và sợ vi phạm.
Việc thứ 2 được Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội nêu là 12 máy xét nghiệm PCR có giá gần 50 tỷ đồng nhưng các đơn vị cũng hoàn trả tiền vào quỹ phòng, chống COVID-19, không đơn vị nào mua được, trong khi lúc cao điểm của Hà Nội một ngày rất nhiều ca bệnh.
Từ 2 ví dụ nêu trên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội nhấn mạnh việc bên cạnh sự chia sẻ với ngành Y tế thì cần phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương. Nếu chỉ phân cấp, phân quyền mạnh mẽ nhưng không phối hợp chặt chẽ, không có sự chia sẻ, không trách nhiệm thì mục tiêu có rõ ràng, giải pháp có cụ thể thì cũng không thể đi đến đích.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội nêu quan điểm, nếu đặt lợi ích của Nhân dân lên trên hết trong tất cả mọi lĩnh vực; trong mọi công việc đổi mới về phong cách, cải cách thủ tục hành chính hướng tới công khai, minh bạch, thì kết quả phát triển kinh tế-xã hội sẽ tốt hơn.
Theo đại biểu, đại dịch COVID-19 được kiểm soát là chiến thắng của sự đoàn kết của cả hệ thống chính trị và người dân. Trong đó, có vai trò rất lớn của hệ thống y tế dự phòng. Tuy nhiên, qua đại dịch COVID-19 cho thấy, số người công tác trong lĩnh vực y tế dự phòng tại địa bàn Hà Nội còn quá ít. Tại nhiều trung tâm y tế dự phòng, thời điểm cao điểm dịch bệnh, có nơi 50% cán bộ y tế bị nhiễm bệnh nhưng vẫn phải bố trí làm việc.
Qua đó cho thấy ngành Y tế nhận định còn nhiều bất cập. Trước tiên là bất cập về con người, định biên mỗi Trạm Y tế tối đa có 10 người, trong khi đó Hà Nội có phường dân số có thể bằng 1 huyện của tỉnh khác. Bất cập thứ 2 với y tế cơ sở là tuyển dụng khó; thứ 3 là liên quan đến chính sách của ngành y, việc làm để tăng thu nhập không nhiều; thứ 4 là y tế cơ sở đãi ngộ thấp, hầu như chỉ có lương cơ bản, trong 2 năm chống dịch không có khoản nào thu nhập tăng thêm. Cán bộ y tế dự phòng lương trung bình là 5 triệu đồng/tháng.