Kiểm toán Nhà nước đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Thứ năm, 11/07/2024 11:12
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Trong quá trình 30 năm xây dựng và trưởng thành, Kiểm toán Nhà nước luôn đổi mới, sáng tạo để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực kiểm toán; góp phần quan trọng vào sự minh bạch, phát triển bền vững nền tài chính quốc gia...

Sáng 11/7, tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập (11/7/1994 - 11/7/2024) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự, phát biểu chỉ đạo và có lẵng hoa chúc mừng KTNN.

30 năm Kiểm toán Nhà nước (Nguồn: vtvgo.vn)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã gửi lẵng hoa chúc mừng.

Dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương; lãnh đạo tổ chức kiểm toán các nước; đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Hà Nội; đại diện các thế hệ lãnh đạo cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành KTNN.

Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm. 

Củng cố ngày càng vững chắc vị thế, uy tín của KTNN

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng và những thành tích nổi bật của KTNN đã đạt được trong thời gian qua. Từ khi thành lập đến nay, thông qua các hoạt động kiểm toán đã góp phần tiết kiệm chi hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước, ngăn chặn và xử lý nhiều sai phạm; hỗ trợ hiệu quả công tác điều tra, thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng, nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. 

KTNN đã luôn bám sát hoạt động của Quốc hội và công tác điều hành, quản lý kinh tế - xã hội của đất nước; giúp Quốc hội có nguồn thông tin, dữ liệu tin cậy để phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước; quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương hằng năm; giúp cho hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được hiệu quả hơn. Thông qua hoạt động kiểm toán đã phát hiện những bất cập trong quy định, chính sách, có những kiến nghị nhằm hoàn thiện chính sách về tài chính công, tài sản công. Đồng thời qua kiểm toán, hỗ trợ Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các địa phương trong quản lý, điều hành, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương…

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Lễ kỷ niệm.

Trong thời gian tới, tình hình quốc tế có thể còn diễn biến phức tạp, khó lường; đất nước ta bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới. Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị KTNN thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm:

Trước hết, nắm vững và thực hiện đúng chủ trương, định hướng chiến lược của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và đối ngoại; chỉ đạo quản lý, điều hành của Chính phủ về ngân sách nhà nước, chính sách tài khóa, tiền tệ; lựa chọn và tập trung ưu tiên thực hiện các mục tiêu trọng tâm của Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030. 

 Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần quán triệt sâu sắc chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính: Ngành Kiểm toán phải “luôn nắm vững, nắm chắc và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phải “đúng vai thuộc bài”, thực sự am hiểu và thực hiện nghiêm các nguyên tắc, pháp luật, quy chế, quy định, đặc biệt phải rất công tâm, khách quan, trong sáng; phải sử dụng và kiểm soát có hiệu quả quyền lực mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó”.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị KTNN tiếp tục củng cố, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để hoạt động của Kiểm toán nhà nước ngày càng hiệu lực, hiệu quả; nghiên cứu, rà soát Luật Kiểm toán nhà nước để đề xuất Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung kịp thời, bảo đảm phù hợp với thực tiễn hoạt động và đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành.

Đồng thời tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa KTNN với các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan liên quan; tổ chức và hoạt động công khai, minh bạch, hiệu quả, chuyên nghiệp, chính quy, hiện đại. Xác định mục tiêu, trọng tâm kiểm toán, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, phục vụ cho công tác quản lý, điều hành, giám sát tài chính công, tài sản công, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. 

 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước tặng Kiểm toán Nhà nước.

Tiếp tục quan tâm chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ vững vàng về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất, bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp; củng cố, xây dựng toàn ngành Kiểm toán đoàn kết, vững mạnh toàn diện. 

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị KTNN chủ động hội nhập quốc tế trong lĩnh vực Kiểm toán nhà nước; củng cố ngày càng vững chắc vị thế, uy tín của Kiểm toán nhà nước trong hệ thống các cơ quan nhà nước Việt Nam và trong hệ thống các cơ quan kiểm toán quốc tế.

“Tiếp nối truyền thống tốt đẹp của Ngành 30 năm qua, Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng với quyết tâm mới, nỗ lực mới, động lực mới, đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động KTNN tiếp tục chung sức, đồng lòng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, đạt được nhiều thành tích hơn nữa, vì nền tài chính quốc gia minh bạch, bền vững, xứng đáng với vai trò, vị thế, uy tín trong nước và quốc tế” - Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước cho KTNN. 

30 năm - một chặng đường đầy tự hào

Trình bày diễn văn tại Lễ kỷ niệm, Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn cho biết, ngày 11/7/1994, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70-CP thành lập KTNN, đây là văn bản pháp lý đầu tiên có giá trị như một tuyên ngôn khai sinh ra KTNN Việt Nam. 

Năm 2005 địa vị pháp lý của KTNN đã được luật định. Đặc biệt đến năm 2013, Quốc hội khóa 13, đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó Khoản 1, Điều 118 đã quy định về địa vị pháp lý của KTNN, nâng tầm từ cơ quan luật định thành cơ quan hiến định; nguyên tắc hoạt động của KTNN là độc lập và chỉ tuân theo pháp luật đã trở thành nguyên tắc hiến định, nâng cao vị trí, vai trò và trách nhiệm của KTNN trong thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. 

Theo Tổng KTNN, từ một cơ quan chưa có tiền thân về tổ chức và tiền lệ về hoạt động ở nước ta, trong suốt chặng đường 30 năm xây dựng và trưởng thành, với phương châm “Chuyên nghiệp - Liêm chính - Hội nhập”, hoạt động kiểm toán, của KTNN đã có nhiều đổi mới và ngày càng đi vào chiều sâu. 

“KTNN đã từng bước khẳng định vị trí, vai trò là công cụ hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực” - Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh. 

Từ khi thành lập đến nay, KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý về tài chính trên 740 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, KTNN đã kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ hơn 2.200 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý có nội dung không phù hợp quy định của Nhà nước và thực tiễn, kịp thời khắc phục “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách, ngăn ngừa thất thoát, lãng phí. Cụ thể, đã đề xuất nhiều ý kiến có giá trị để hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật quan trọng như: Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đất đai, Luật Quản lý thuế, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Bảo hiểm xã hội... Bên cạnh đó, KTNN đã kiến nghị chuyển cơ quan điều tra và các cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo, xử lý trách nhiệm đối với nhiều tập thể, cá nhân có sai phạm theo quy định của pháp luật.

Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn phát biểu tại Lễ kỷ niệm. 

Tổng KTNN cho biết, Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, xác định mục tiêu phát triển KTNN là công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng, nâng cao trách nhiệm giải trình và bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

“Từng thành viên của KTNN sẽ không ngừng rèn luyện để có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, chuyên nghiệp, tinh thông nghiệp vụ chuyên môn, “nghệ tinh - tâm sáng”, tương xứng với chuẩn mực quốc tế và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới với đầy đủ 4 tiêu chí: Trung thực - tỉ mỉ - chăm chỉ và nhạy bén, giữ vững giá trị cốt lõi “Độc lập - Liêm chính - Chuyên nghiệp - Uy tín - Chất lượng”; tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, không ngừng nỗ lực phấn đấu, biết đồng cảm, chia sẻ và cống hiến, xây dựng KTNN xứng tầm một cơ quan kiểm tra tài chính công chuyên nghiệp, hiện đại, uy tín và trách nhiệm; xứng đáng hơn nữa với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân” - Tổng KTNN nhấn mạnh./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực