Quy hoạch đô thị chưa theo kịp nhu cầu phát triển xã hội
Liên quan đến vấn đề quy hoạch đô thị, đa số các đại biểu tại nghị trường chưa đồng tình với cách bố trí quy hoạch thời gian qua của Đà Nẵng. Nhiều đại biểu cho rằng, TP chưa “đủ tầm” để quy hoạch tổng thể mà cần phải có chuyên gia nước ngoài tư vấn.
Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn giải trình về quy hoạch bán đảo Sơn Trà (Ảnh: Đình Tăng) Theo UBND TP.Đà Nẵng, trong gần 15 năm qua, TP. Đà Nẵng đã rà soát, điều chỉnh, phê duyệt hơn 4.500 đồ án quy hoạch. Trong đó, xét duyệt hơn 2.400 đồ án quy hoạch mới. Mạng lưới quy hoạch đã được phủ kín, với tổng diện tích hơn 10.000 héc ta. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa nhanh chóng dẫn đến công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị trên địa bàn vẫn còn nhiều bất cập. Công tác lập quy hoạch chưa thực hiện đúng theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị; các đồ án quy hoạch chưa bảo đảm tính khoa học, thống nhất, việc tổ chức, thẩm định, phê duyệt, công bố và giám sát quy hoạch sử dụng đất còn nhiều hạn chế, yếu kém.
Đề cập đến công tác quy hoạch của Đà Nẵng thời gian qua, đại biểu Trần Đình Hồng, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, TP đã chưa đánh giá hết mối quan hệ của quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, quy hoạch ngành, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, trong lúc các nội dung này là yếu tố rất quan trọng trong quy hoạch đô thị. Với cách làm hiện nay thì công tác quy hoạch mới chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị, triển khai các dự án chứ chưa theo một trình tự bài bản là từ quy hoạch chung đến quy hoạch phân khu chức năng và quy hoạch chi tiết.
Đại biểu Hồng cũng khẳng định, cử tri có ý kiến phản ánh là quy hoạch phát triển văn hóa của TP chưa phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế. Thành phố chưa dành quỹ đất thích hợp để xây dựng các thiết chế văn hóa, quy hoạch chưa gắn với đề án xây dựng thành phố môi trường... Một số dự án chưa đánh giá tác động môi trường, việc thực hiện chính sách giải tỏa đền bù chưa nhất quán; giải quyết hậu giải tỏa đền bù còn nhiều lúng túng. Việc khớp nối quy hoạch còn hạn chế nên xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ.
Đề cập đến hạn chế trong công tác quy hoạch trên địa bàn TP, đại biểu Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Liên đoàn lao động TP đề nghị UBND TP và ngành xây dựng cần điều chỉnh quy hoạch TP theo hướng tăng tỷ lệ sử dụng đất cho lĩnh vực văn hóa, giáo dục, công trình công cộng, đầu tư thêm hệ thống công viên cây xanh, nhất là ở khu vực trung tâm; quan tâm đến khu vực trung tâm thành phố theo mô hình chiều cao, dành quỹ đất cho công trình công cộng như nhiều thành phố phát triển khác trên thế giới đang thực hiện; chú ý điều chỉnh quy hoạch, đầu tư công trình, thiết chế văn hóa phía Tây và Tây Bắc của Đà Nẵng.
Cũng liên quan đến quy hoạch của TP.Đà Nẵng, một trong những vấn đề “nóng” được nhiều đại biểu đề cập là công tác quy hoạch tại bán đảo Sơn Trà. Trong đó, vấn đề quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà được các đại biểu thẳng thắn nêu lên. Hầu hết các ý kiến cho rằng, cần gắn bảo tồn với phát triển, quản lý chặt chẽ để đảm bảo mục tiêu an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường. Đối với Dự án Khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa (một trong các dự án đang xây dựng tại bán đảo Sơn Trà - PV), theo nhiều đại biểu, do giải pháp thi công không đúng đã dẫn đến nguy cơ sạt lở vào mùa mưa. Theo đó, các đại biểu đề nghị UBND TP cần có giải pháp cấp bách, buộc nhà đầu tư phải trách nhiệm xây kè chống sạt lở chứ TP không thể bỏ tiền ngân sách ra để kè chống sạt lở cho khu vực các dự án của doanh nghiệp đang đầu tư; doanh nghiệp phải có trách nhiệm trong vấn đề này.
Trả lời các kiến nghị của đại biểu, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho biết, TP sẽ tiếp tục triển khai phát triển Khu Du lịch bán đảo Sơn Trà phù hợp với tinh thần Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị. Việc quy hoạch phát triển khu du lịch Sơn Trà đảm bảo theo hướng bền vững, đi đôi giữa bảo tồn và phát triển.
Ông Tuấn cũng cho biết, UBND thành phố đã giao các ngành chức năng rà soát lại các dự án trên bán đảo Sơn Trà, hoàn thành trong tháng 7, bảo đảm phát triển Sơn Trà một cách bền vững.
Các đại biểu chất vấn, thảo luận tại kỳ họp (Ảnh: Đình Tăng)
Buông lỏng trong khai thác các mỏ cát, đá
Đây cũng là chủ đề mà Kỳ họp thứ 4 HĐND TP.Đà Nẵng lần này quan tâm. Mở đầu cho ý kiến về công tác liên quan đến việc cấp phép, quản lý, kiểm tra hoạt động của các mỏ cát, đá trên địa bàn huyện Hoà Vang, đại biểu Trần Minh Trường cho biết: Tình trạng khai thác mỏ cát, đất, đá trên địa bàn đang bị buông lỏng, ảnh hưởng đến đời sống người dân trong khu vực cũng như làm thất thoát ngân sách và ảnh hưởng đến môi trường cảnh quan của TP.
Theo đại biểu Trường, hiện trên địa bàn huyện Hòa Vang có 21 mỏ chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, hết giấy phép như Công ty Chu Lai, Trung Trung Bộ, Trường Bản, Quang Hưng…nhưng vẫn hoạt động. Nhiều công ty khai thác vượt khối lượng và phạm vi được cấp phép. Đặc biệt, trong đó có 7/21 mỏ khắc phục môi trường chậm làm ảnh hưởng đến đời sống người dân gần khu vực mỏ; có 9 đơn vị đã khai thác xong nhưng không chịu hoàn thổ. “Những công ty này được cho là đã phá sản, dừng hoạt động nhưng thực chất lại thay đổi tên và vẫn hoạt động trên địa bàn. Ví dụ như Công ty 405 đã đổi tên thành Công ty Biên Giới và đang nợ 6 tỷ đồng”- đại biểu Trường cho biết thêm.
Cũng liên quan đến hoạt động của các mỏ cát, đất, đá trên địa bàn, đại biểu Trần Minh Trường thông tin, đang có hiện tượng các chủ mỏ “thay tên, đổi họ” để gian lận thuế và trốn thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến môi trường. Vấn đề này cần được cơ quan quản lý, cấp phép kiểm tra để xử lý, nhất là công tác hậu kiểm sau khi đã cấp phép. Nếu những đơn vị, chủ mỏ cố tình chây ì nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ liên quan đến môi trường cần dừng hoạt động khai thác và không cho gia hạn tiếp tục khai thác nữa.
Liên quan đến vấn đề này, Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cho rằng, các vấn đề chưa đảm bảo về nghĩa vụ tài chính, nghĩa vụ môi trường của các mỏ khai thác cát, đất, đá ở Hòa Vang là vấn đề lâu nay nhưng chưa được xử lý triệt để. Thời gian qua có một số mỏ tiếp tục được gia hạn. Tuy nhiên, chủ trương chung của TP là không mở rộng phạm vi, số lượng và cấp phép khai thác mới.
"Tôi đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP cần mạnh tay hơn vấn đề này. Hết phép, hay chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính thì phải đình chỉ ngay. Tôi cũng đề nghị HĐND TP phải đưa vào Nghị quyết kỳ này để giám sát xem cuối năm có thay đổi được không.”- Ông Nguyễn Xuân Anh chỉ đạo.
Quan tâm hơn đến công tác giải toả đền bù và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dân
Về nội dung này, đại biểu Lê Trung Chinh, Bí thư quận Ngũ Hành Sơn cho rằng, trong những năm gần đây, công tác giải toả đền bù được TP chỉ đạo, xem là công tác trọng tâm của toàn TP. Và với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự phối hợp giữa các quận, huyện với Trung tâm phát triển Quỹ đất nên đã mang lại nhiều kết quả tích cực, tạo sự thay đổi đáng kể về diện mạo của đô thị Đà Nẵng và góp phần vào ổn định đời sống nhân dân. Tuy nhiên trong quá trình triển khai đã gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là sự phản đối của những hộ không đồng ý với mức đền bù của TP đưa ra; việc sao lục hồ sơ gặp khó khăn do sự bàn giao hồ sơ giữa các công ty, Ban quản lý thực hiện các dự án này đã bị giải thể chuyển cho Trung tâm phát triển Quỹ đất và nhiều lý do khác… Chính những khó khăn trên đã làm ảnh hưởng đến tiến độ các dự án trên địa bàn, gây kéo dài và ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan cũng như sự phát triển của đô thị TP.
Để làm tốt hơn công tác này, đại biểu Lê Trung Chinh đề nghị cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các quận, huyện với Trung tâm phát triển Quỹ đất TP. Theo đó nên xem việc giải toả đền bù không phải là việc chỉ riêng của các quận huyện mà là trách nhiệm chung của toàn TP. Đồng thời, nên thành lập các chi nhánh của Trung tâm phát triển Quỹ đất tại các quận, huyện để phối hợp hiệu quả, kịp thời hơn.
Cạnh đó, UBND TP cần quan tâm chỉ đạo xử lý sớm các kiến nghị của Hội đồng giải toả quận, huyện; ưu tiên giải quyết dứt điểm các dự án kéo dài quá lâu; phải tăng cường phân cấp quản lý công tác giải toả đền bù mạnh hơn cho quận, huyện.
Đối với vướng mắc trong cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân phường Hoà Hải (quận Ngũ Hành Sơn), đại biểu Lê Trung Chinh cho biết hiện trên địa bàn phường này có 100 hộ dân có nhu cầu cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng bị vướng và thiệt thòi.
Về vấn đề này, Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cho rằng đây không phải là lỗi của người dân. Do đó yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan, đơn vị xác định lại, nếu có nguồn gốc đất rõ ràng thì cấp cho người dân, không nên để kéo dài và gây khó khăn cho dân.
Ngoài ra, liên quan đến việc quản lý, sử dụng nhà chung cư, nhiều ý kiến đề nghị TP kiểm tra lại chất lượng xây dựng các khu chung cư, cần có đội ngũ quản lý nhà chung cư chuyên nghiệp hơn; trong quy hoạch cần bố trí đất phát triển nhà chung cư; giám sát chặt chẽ từ khâu thiết kế đến khâu xây dựng nhà chung cư nhằm đảm bảo chất lượng. Thành phố cần tiếp tục quan tâm đầu tư các khu chung cư dành cho công nhân lao động các khu công nghiệp...
Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh bày tỏ sự bất ngờ khi nghe thông tin quy mô dự án FDI tại TP quá nhỏ bé (ảnh: Đình Tăng) Quy mô dự án FDI quá nhỏ bé!
Nhận định này được đại biểu Nguyễn Đức Trị nêu ra làm nhiều đại biểu và chủ trì Kỳ họp bất ngờ. Theo đại biểu Trị, thu hút FDI 6 tháng đầu năm 2017 của Đà Nẵng đạt 32 triệu USD, tăng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, so với con số hơn 104 tỷ USD của cả nước thì Đà Nẵng rất thấp, chỉ chiếm 0,27%.
Cùng với đó, đại biểu Nguyễn Đức Trị còn nêu thêm: Quy mô dự án và cả số vốn của Đà Nẵng rất nhỏ, thậm chí có những dự án chỉ đầu tư 1.000 USD hay có dự án chỉ sử dụng 50 m2 đất. Trong khi đó, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh TP.Đà Nẵng đứng đầu cả nước 4 năm liên tiếp nhưng có 4 chỉ số thành phần quan trọng lại sụt giảm, trong đó có các chỉ số như chi phí gia nhập thị trường, chí phí sử dụng đất đai…
Bày tỏ sự bất ngờ, Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cho rằng, dự án 50m2 đất hay chỉ đầu tư 1.000 đô la đúng là quá nhỏ bé. Hiện chỉ số thu hút đầu tư và xuất khẩu đạt và tăng so với cùng kỳ năm 2016 nhưng so với cả nước là rất thấp. “Tập thể lãnh đạo TP đã có nhiều cuộc họp để bàn các phương án tăng thu hút đầu tư trong thời gian tới. Về việc TP.Đà Nẵng đứng đầu cả nước 4 năm liên tiếp chỉ số năng lực cạnh tranh, chúng ta rất tự hào. Tuy nhiên, chúng ta không tự mãn, luôn nhìn xem mình đã làm tốt nhất chưa” – Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh chia sẻ./.