Kỷ niệm 45 năm Hàm Rồng chiến thắng (3-4/4/1965 – 3-4/4/2010): Cầu Hàm Rồng huyền thoại

Thứ bảy, 03/04/2010 14:46
Untitled 1
“Cầu Hàm Rồng là tượng đài về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân và thanh niên Việt Nam; một biểu tượng trước toàn thế giới về sự thất bại của chính sách xâm lược và hiếu chiến của đế quốc Mỹ”-Ông M.Da-ga-ren, Ủy viên Bộ Chính trị ÐCS Mỹ.

Trong chiến tranh leo thang đánh phá miền Bắc nước ta, không quân Mỹ đã tập trung đánh phá cầu Hàm Rồng (tỉnh Thanh Hoá), nhằm cắt đứt huyết mạch giao thông quan trọng, ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc cho chiến trường lớn miền Nam. Các máy bay do thám của không quân Mỹ xác định: Từ Hà Nội vào đường mòn Hồ Chí Minh có 60 điểm tắc, trong đó, Hàm Rồng được xem là một “điểm tắc lý tưởng”, là “đầu mút của khu vực cán xoong”.

Đúng 13h chiều 3/4/1965, từng tốp máy bay phản lực với đủ các loại F8-RF10, F105 dồn dập lao vào đánh phá Hàm Rồng. Cả bầu trời Hàm Rồng vang lên tiếng gầm rú của máy bay địch, mặt đất rung chuyển bởi những loạt bom hạng nặng dội xuống. Trước đó chỉ mấy giờ, máy bay Mỹ đã mở cuộc tấn công ồ ạt vào cầu Đò Lèn (Hà Trung) cũng trên Quốc lộ 1A, cách cầu Hàm Rồng không xa, thực hiện ý đồ phong toả lực lượng và cô lập Hàm Rồng để tấn công dứt điểm.

Với thế trận hiệp đồng giữa bộ đội phòng không- không quân và dân quân tự vệ, quân và dân Hàm Rồng bám chắc trận địa, nhả đạn vào lũ giặc trời.

Những người chiến sĩ Hàm Rồng bên cây cầu huyền thoại (ảnh tư liệu)

Trong ngày 3/4/1965 – ngày đầu tiên đối đầu với sức mạnh không lực Hoa Kỳ, quân và dân ta đã bắn rơi 17 máy bay địch trên bầu trời Hàm Rồng, cổ vũ to lớn cho quân và dân ta trong cuộc kháng chiến trường kỳ.

Bị thất bại nặng nề, ngày 4/4/1965, Mỹ đã huy động hàng trăm chiếc máy bay, điên cuồng trút bom đạn xuống Hàm Rồng và vùng phụ cận như Phà Ghép, Khoa Trường, Văn Trai... Trong trận này, phía ta điều động 2 tàu chiến của bộ đội Hải quân và Biên đội Míc 12 của Không quân Việt Nam. Sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả của các lực lượng chiến đấu đã tạo nên “trận đồ bát quái” vây chặt lũ giặc trời.

Đến 17h, trận chiến đấu vô cùng ác liệt kết thúc, quân và dân Hàm Rồng đã bắn rơi 30 máy bay Mỹ, nâng tổng số máy bay Mỹ bị bắn rơi trong 2 ngày 3 và 4/4/1965 lên 47 chiếc, làm nức lòng quân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Đây là kỷ lục về thành tích tiêu diệt máy bay Mỹ trên bầu trời miền Bắc.

Chiến thắng Hàm Rồng đã tiếp thêm niềm tin, ý chí và sức mạnh của cả dân tộc quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Tuy nhiên, đây mới chỉ là chiến thắng mở đầu cho cuộc chiến suốt hàng nghìn ngày đêm để bảo vệ cầu Hàm Rồng, giữ vững huyết mạch giao thông quan trọng của đất nước.

Các cụ dân quân thăm giếng làng Đông Sơn (TP Thanh Hoá)-nơi hậu cần của cuộc chiến Hàm Rồng

Trong cuộc chiến đó, đường lối chiến tranh nhân dân, nghệ thuật quân sự của Đảng ta và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân ta đã được thể hiện một cách sinh động nhất. Những địa danh như: Hàm Rồng, Nam Ngạn, Yên Vực, núi Ngọc, núi Rồng, tập thể Nhà máy Điện Hàm Rồng, Nhà máy phân lân lò cao, Đội cầu 19/5...; những tên người như Ngô Thị Tuyển, Ngô Thị Dung, Nguyễn Thị Hằng... đã đi vào lịch sử như một huyền thoại.

Trong mưa bom bão đạn của quân thù, cầu Hàm Rồng vẫn vững vàng, hiên ngang như thách thức sức mạnh tàn bạo của giặc Mỹ. Mạch máu giao thông Bắc – Nam vẫn được giữ vững cho những đoàn quân cùng vũ khí, đạn dược thẳng tiến vào Nam, cùng với đồng bào, chiến sĩ miền Nam quyết tâm “đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào”, thống nhất nước nhà.

Các cụ dân quân Hoằng Trường-Hoằng Hoá- với chiến công bắn rơi máy bay Mỹ. Ảnh chụp tại buổi tổng duyệt Lễ kỷ niệm 45 năm Hàm Rồng chiến thắng.

Với bạn bè quốc tế và lực lượng yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới, mỗi khi nhắc đến Hàm Rồng, đều dành cho mảnh đất này những tình cảm tốt đẹp và sự ngưỡng mộ sâu sắc. Ông M.Da-ga-ren, Ủy viên Bộ Chính trị Ðảng Cộng sản Mỹ đã từng viết: “Hàm Rồng là chiếc cầu đẹp nhất mà trước đây chúng ta chưa từng thấy. Không phải vì nó rộng, dài, nguy nga hơn các cây cầu khác, mà chính truyền thống anh hùng của chiến sĩ và nhân dân Việt Nam đã mang lại cho cầu vẻ đẹp diệu kỳ. Cầu Hàm Rồng là một tượng đài kỷ niệm về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân và thanh niên Việt Nam; một biểu tượng trước toàn thế giới về sự thất bại của chính sách xâm lược và hiếu chiến của chủ nghĩa đế quốc Mỹ”.

Ngày 3/4/2010, Ðảng bộ, quân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 45 năm Hàm Rồng chiến thắng, để ôn lại tinh thần chiến đấu dũng cảm, kiên cường của quân dân Hàm Rồng năm xưa; qua đó giáo dục lòng yêu nước, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống cách mạng, văn hóa lịch sử của vùng đất xứ Thanh anh hùng. Ðây cũng chính là nén tâm nhang thành kính tưởng nhớ với lòng biết ơn vô hạn sự hy sinh cao cả của bao lớp anh hùng liệt sĩ, đồng bào trong và ngoài tỉnh đã anh dũng chiến đấu quên mình bảo vệ Hàm Rồng, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc./.

Anh hùng Ngô Thị Tuyển: Chỉ biết chiến đấu quên mình

Anh hùng Ngô Thị Tuyển

“Trong lúc bom rơi đạn nổ ác liệt, chúng tôi chỉ biết chiến đấu quên mình. Ban ngày, lực lượng dân quân nữ chúng tôi đi tải đạn, vận chuyển thương binh; ban đêm cấy lúa, tăng gia sản xuất phục vụ chiến trường. Phong trào “Thanh niên 3 sẵn sàng, phụ nữ 3 đảm đang” được quán triệt và thể hiện nhuần nhuyễn. Thế hệ trẻ lúc đó thể hiện cao độ nhiệt huyết với chiến trường.

Việc tôi mang trên vai hai hòm đạn nặng 98kg, trong khi trong lượng cơ thể chỉ 42kg, lúc đó cũng hết sức bình thường thôi, vì tôi không vác cũng sẽ có đồng chí khác vác”.

Nữ Anh hùng Ngô Thị Tuyển đã trở thành biểu tượng cho ý chí chiến đấu quật cường của quân và dân Hàm Rồng. Bà nhớ lại, sau đó có đoàn nhà báo Liên Xô đã đề nghị bà “diễn” lại cảnh này. Và khi được tận mắt chứng kiến hình ảnh diệu kỳ đó, họ đã thốt lên: “Giờ thì chúng tôi và cả thế giới đã tin. Thật tuyệt vời! Nhân dân Việt Nam thật tuyệt vời!”.

Bà Dương Thị Viện, nguyên nữ dân quân làng Đông Sơn: Chiến đấu bằng niềm tin, sự lạc quan và tình yêu

Ông Quý, bà Viện bên Bia Căm thù
Tôi là dân quân làng Đông Sơn, chồng tôi là Phạm Quỳ, nguyên Đại đội phó quân sự C4. Chúng tôi vô cùng tự hào được trực tiếp tham gia chiến đấu những ngày ác liệt nhất để bảo vệ cầu Hàm Rồng. Mặc dù luôn cận kề giữa sự sống và cái chết, song chúng tôi chiến đấu với tinh thần lạc quan, ý chí sắt đá, đặc biệt tình yêu trong bom đạn đã giúp vững tin vào ngày chiến thắng.

Bom đạn là thế, nhưng tiếng hát luôn át tiếng bom. Lúc bom đạn lắng xuống, chúng tôi đem lời ca tiếng hát để động viên, cổ vũ mặt trận. Cũng từ đó mà đã có 10 đôi nên vợ nên chồng và đến ngày hôm nay, vừa là bạn đời, vừa là đồng chí tuyệt vời!.

Xin được tặng những đồng đội của tôi vài câu thơ mộc mạc: Em là con gái làng Đông/Chồng em là lính Hàm Rồng năm xưa/Nhớ ngày gian khổ sớm, trưa/Sản xuất, chiến đấu nắng mưa dãi dầu/Khó khăn, gian khổ đi đầu/Bom rơi, đạn nổ, sông sâu sợ gì…/Hàm Rồng chiến tích lừng danh/Bốn lăm năm đã trưởng thành vươn lên.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực