|
ĐB Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) phát biểu thảo luận |
Sáng 9/6, Quốc hội đã nghe Tờ trình và báo cáo về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.
Theo dự thảo Nghị quyết, thành phố Hà Nội được thí điểm một số cơ chế, chính sách về quản lý tài chính - ngân sách đặc thù thuộc thành phố quản lý như quản lý thu ngân sách nhà nước; quản lý chi ngân sách nhà nước; mức dư nợ vay (nâng mức trần nợ vay từ 70% lên 90% trên nguyên tắc Thủ đô phải đảm bảo khả năng trả nợ) và sử dụng Quỹ dự trữ tài chính (cho phép tạm ứng Quỹ dự trữ tài chính của thành phố để đầu tư hạ tầng và bảo đảm thu hồi trong thời hạn 36 tháng)…
Dự thảo Nghị quyết quy định thời gian thực hiện thí điểm là 5 năm và xác định rõ trách nhiệm của thành phố Hà Nội, Chính phủ trong việc thực hiện Nghị quyết.
Ngay sau đó, Quốc hội thảo luận tại tổ về nội dung trên.
Đại biểu (ĐB) Vũ Thị Lưu Mai (TP Hà Nội) cho biết, đây không phải lần đầu tiên bàn về cơ chế đặc thù với TP Hà Hội, hiện có 3 văn bản điều chỉnh vấn đề này. “Nhưng lần nào cũng băn khoăn về quy mô, tính đột phá của văn bản, mỗi lần chỉ sửa đổi một chút, một chút. Trong tương lai tới đây khi bàn về sửa đổi Luật Thủ đô có lẽ lại thêm một chút nữa” – ĐB thẳng thắn.
ĐB nêu quan điểm, lần này ban hành cơ chế thí điểm, sẽ có những quy định thực hiện thành công, có thể có những quy định chưa thành công nhưng quan trọng là mạnh dạn đề xuất những hướng đi mới. Đây chính là điều mà đại biểu và cử tri kỳ vọng.
Tuy nhiên, ĐB nhận xét nội dung dự thảo nghị quyết còn “mỏng”, thiếu những quy định mang tính đột phá. “So sánh với TP Hồ Chí Minh, có nhiều vấn đề thủ đô chưa bằng, ví dụ về chính sách thuế, Hà Nội không có những quy định đặc thù về thuế. So sánh với Đà Nẵng thì cũng mạnh dạn hơn khi đề xuất những chính sách liên quan đến thuế thu nhập cá nhân” – ĐB đối chiếu
Tán thành với đề xuất để TP Hà Nội quyết định bổ sung các khoản phí, lệ phí nhằm tạo sự linh hoạt, chủ động cho HĐND Thành phố Hà Nội song ĐB lưu ý, tại thời điểm hiện nay chưa áp dụng triển khai được ngay khi đang chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Vì vậy, cần có lộ trình để đảm bảo sức chịu đựng của người dân, cũng như sự đồng tình, ủng hộ của dư luận.
Về việc sử dụng ngân sách cấp Thành phố để hỗ trợ các huyện còn khó khăn trên địa bàn TP Hà Nội; hỗ trợ cho các địa phương khác, ĐB đề nghị khi tổ chức thực hiện cần ban hành tiêu chí để phân bổ nguồn lực, điều chỉnh nguồn lực để đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch.
Chốt lại phát biểu, ĐB nhấn mạnh: “Chúng tôi mong muốn có những bước đột phá, quy định mang tính mạnh mẽ hơn để tạo cơ sở pháp lý. Tới đây, khi tiến hành sửa đổi Luật Thủ đô, chúng ta cần nghiên cứu tổng thể, đưa ra chính sách mạnh mẽ hơn để tạo sự ổn định, tránh việc thường xuyên điều chỉnh manh mún, trong khi quy mô chưa đạt được mức như kỳ vọng”.
Cũng cho ý kiến về nội dung này, ĐB Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) nhận xét, những cơ chế chính sách đề xuất cho TP Hà Nội không phải những vấn đề mới, mà hầu hết thực hiện thí điểm đối với Thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội. Ngoài ra, theo ĐB, TP Hồ Chí Minh có nhiều cơ chế khác để tạo nguồn lực thêm nữa nhưng Hà Nội lại không đề xuất, ví dụ được tự quyết chuyển đổi đất nông nghiệp sang các quỹ đất khác.
Về việc đề nghị cho Tp Hà Nội được chủ động bổ sung các khoản phí, lệ phí và tăng mức thu phí, lệ phí, ĐB cho rằng, TP đề xuất để trở thành quy định chính thống, còn trên thực tế có việc đang thu nguồn phí này ở những đô thị phát triển. “Các khu đô thị mới như Ciputra thì đã thu phí của cư dân ở đây cao hơn chỗ khác để tạo môi trường, cảnh quan tốt hơn” – ĐB ví dụ.
Theo ĐB, nếu có được nguồn thu này sẽ là cơ sở tạo ra điều kiện phát triển vượt trội của thủ đô. Mặt khác, không nhất thiết các khu vực có một mức phí như nhau, mà có thể quận, huyện có mức khác nhau.
Trong khi đó, mở đầu phần phát biểu, ĐB Trần Thị Quốc Khánh bày tỏ hy vọng những cơ chế chính sách sẽ tạo cho TP Hà Nội có nguồn lực làm những điều tốt hơn, song ĐB lưu ý, ở chiều ngược lại, thủ đô phải có trách nhiệm với đồng tiền được cấp, đảm bảo để thủ đô Hà Nội phát triển xứng tầm.
Phát biểu tại tổ, ĐB Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) đề nghị: “Tới đây nữa còn tỉnh, TP trực thuộc trung ương nào nữa hay không, đề nghị Chính phủ cần báo cáo một cách tổng thể, chứ thỉnh thoảng lại đưa ra 1 vài TP thì tôi nghĩ rằng như thế còn gì là đặc thù nữa?”.
Cùng với đó, ĐB đề nghị phải làm rõ ngoài những tỉnh, TP trực thuộc trung ương thì các tỉnh khác, như các tỉnh nghèo có đặc thù không? “Phải có giải pháp mang tính chất tổng thể chứ thỉnh thoảng lại đưa ra 1, 2 tỉnh và đề nghị QH xem xét thông qua, tôi sợ rằng cách làm như vậy không mang tính tổng thể, không mang tính bao quát” – ĐB nói.
Vị ĐB đoàn Quảng Bình cũng cho rằng, các chính sách cơ bản nên đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trên toàn quốc chứ không nên để người dân ở mỗi nơi có chính sách pháp luật với nhân dân khác nhau. Ví dụ, xử phạt vi phạm hành chính ở địa giới hành chính này thì mức xử phạt như thế này nhưng chỉ bước 1 bước sang địa giới hành chính của địa phương khác đã tăng gấp đôi, gấp ba.
ĐB đề nghị cân nhắc vì nhiều nội dung mang tính thí điểm, cơ chế tài chính đặc thù nên các dự thảo trình trong thời gian rất ngắn, làm rất gấp, trình Quốc hội xem xét thông qua theo quy trình 1 kỳ họp nên việc Quốc hội xem xét cũng khó có thể thận trọng được.
Nghiên cứu dự thảo Nghị quyết và so sánh với Nghị quyết về TP Hồ Chí Minh, ĐB cho biết có 7 nội dung tương tự. ĐB tán thành quy định Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất (sau khi đã trừ chi phí liên quan) do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn (trừ các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh)…
ĐB cũng cho rằng Hà Nội là thủ đô, có ý nghĩa chính trị quan trọng nên việc quy định Hà Nội có thể dùng ngân sách của mình hỗ trợ địa phương khác là việc nên làm…/.